Mà có lẽ dáng hình một con người tận tâm với nghề giáo ấy đã in sâu tận tâm khảm, trong trái tim mình…
Ngày ấy, vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, dứt áo học sinh cấp 3, tôi rời quê nhà ở một tỉnh miền đông – Sông Bé, chuẩn bị bước vào cuộc sống học tập mới nơi đô thị Sài Gòn.
Năm 1979 nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường trung cấp Ngân hàng III Trung ương tôi vừa mừng vừa lo. mọi thứ như rối tung lên trong đầu óc học trò.
Ngôi trường tôi lúc ấy là một tòa nhà được xây dựng với kiến trúc Pháp thuộc vừa đồ sộ, vừa ẩn giấu sự nghiêm trang của một môi trường sư phạm. Nghe nói đây là tòa nhà kho bạc của chế độ cũ được ngành ngân hàng tiếp quản và ưu tiên chuyển đổi thành ngôi trường cho sự nghiệp giáo dục trong những năm đầu giải phóng. Tôi và bạn bè cùng niên khóa đã được đón nhận như nghĩa tình của thành phố trao tặng. Mặt tiền ngôi trường tọa lạc tại một trong những con đường đẹp nhất thành phố - đường Nguyễn Huệ, kéo dài đến ngã tư là mặt hông đường Ngô Đức Kế, quận 1.
Vào thời điểm ấy bọn con trai chúng tôi vừa học tập tại đây, đồng thời nơi này cũng là ký túc xá nội trú của nam sinh. Riêng nữ sinh được ưu tiên bố trí ký túc xá gần khách sạn Palace và một cơ sở khác ở Trương Định - tất cả đều tọa lạc tại trung tâm thành phố thuận tiện cho việc sinh hoạt đi lại và học tập.
|
Lúc này chúng tôi đều ăn tập thể do Nhà trường chu cấp. Thực đơn hằng ngày chúng tôi như nằm lòng là thực phẩm chính “ăn độn” với công thức 3/7 gạo/bo bo. Một món mặn, một món canh và miễn phí nước mắm chấm với liều lượng là nước muối đun sôi pha tí màu đường. Thi thoảng được cải biến mì sợi thay bo bo, và không thể nào quên được tăng cường thịt heo khi có lễ hội, báo công thành tích học tập, văn- thể- mỹ hay phong trào tiêu biểu gì gì đó.
Không hiểu vì sao vào thời gian khó khăn kinh tế của đất nước, với những bữa ăn đạm bạc như vậy mà chúng tôi, cả nam lẫn nữ, với sức lớn tuổi thanh niên vẫn không hề suy giảm thể lực, thậm chí có bạn phải giảm ăn để tránh mập. Nói gì thì nói, cái không khí bốn người chung một khẩu phần “nhóm ăn” lặp đi, lặp lại một cách thường nhật, trong thời gian 3 năm dài, tạo nên sự kết nối bằng hữu thân thương mà giờ đây chúng tôi khó còn tìm được. Nó là sợi dây văn hóa nối những tâm hồn, nối những tính cách của những con người khắp mọi miền đất nước, hình thành nên nghĩa tình vượt khó để mà bao bọc, sẻ chia trong học tập ngày ấy.
Các thầy cô đối với chúng tôi không chỉ với trọng trách bao đời là người đưa thuyền cho chúng tôi cặp bờ kiến thức, hơn thế nữa, còn là vun bồi cả sự thiếu vắng gia đình, sự khốn khó tinh thần khi ấy. Chúng tôi tự nhủ, đây chính là những người anh, người chị trong đại gia đình thân ái nhất.
Chiếc áo ngày ấy tôi mặc, cũng như bạn bè đồng môn, chỉ được phân phối trong tiêu chuẩn chung của mỗi sinh viên, học sinh. Ngày 2 buổi lên giảng đường, chiếc áo ấy đã được chắp vá nhiều chỗ. Ừ nhỉ! Sao mà thời gian ấy chúng tôi không có khái niệm “mắc cỡ” khi mặc trên người chiếc áo vá vai, vá cổ. Chỉ hiểu rằng, giữa phố phường đông đúc đô hội này, sự lành lặn của tâm hồn, sự lành lặn của việc đối nhân, xử thế mới là đáng quý.
Một hôm nghe bạn tôi thông báo: Lớp phó ơi, cô Tuyết gọi bạn đến trình diện tại Phòng giáo vụ chiều nay đấy. Tôi, khi ấy là lớp phó văn thể mỹ lớp 18E, khóa 3 bắt đầu lo lắng. Mình đâu phải học tệ môn Ngân hàng đâu, đôi khi học nhóm, mình cũng “cừ ra phách” khi trao đổi, bàn luận.
|
Chiều hôm ấy, một buổi chiều bình thường như chiều trên con đường quen thuộc, tôi thả bộ bên những kiosque trên đường Nguyễn Huệ từ văn phòng nhà trường để trở về ký túc xá. Thế nhưng, những bước đi hôm ấy sao có gì là lạ. Vừa bâng khuâng, vừa rung động với những nghĩ suy không thể dừng lại được trong trí óc. Trên tay, dưới lớp giấy nhật trình được gói gọn gàng là một xấp vải trắng tinh khôi. Tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi đã khóc thật sự khi nghĩa ân tình quá lớn, quá bất ngờ mà cô trao tặng tôi.
Cô ơi, ngày ấy em không thực hiện được lời cô dặn khi đón nhận tình cảm lớn lao mà cô dành cho là dùng vải để may áo mới thay cho chiếc áo vá mà em thường mặc đi học. Cô biết không, trong gia đình em vào mùa xuân ấy quây quần bên bàn thờ gia tiên, trong giờ phút giao thừa thiêng liêng thấm đượm tình thâm ấy, mẹ em sáng ngời trong chiếc áo trắng thắp nén hương thành kính dâng ông bà, cầu chúc cho gia đình một năm mới đầy thuận lợi, hạnh phúc, bình an.
Chiếc áo ấy được chị em may tươm tất từng đường chỉ cho kịp má mặc đón giao thừa. Cô biết không, quà tặng má em ngày tết đó là chiếc áo mới, chiếc áo từ xấp vải cô cho đứa học trò cô thương vì manh áo vá.
|
Bình luận (0)