Giúp học sinh dân tộc đoạt giải quốc gia
Cô Bành Ngọc Thủy (40 tuổi, TT.Lộc Bình, H.Lộc Bình, Lạng Sơn) là giáo viên Trường THCS TT.Lộc Bình. Suốt 20 năm qua, cô đã kiên trì đến các trường vùng khó khăn của huyện biên giới này để dạy tiếng Anh cho học sinh, giúp các em theo kịp các bạn miền xuôi. Trong 5 năm học vừa qua, trong công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh, cô đã đóng góp cho ngành giáo dục địa phương với thành tích 43 học sinh đoạt giải cấp huyện, 18 em đoạt giải cấp tỉnh, 3 em đoạt giải quốc gia môn tiếng Anh trên internet - IOE gồm: Lương Ngọc Diệp (dân tộc Tày), Dương Tùng Sơn và Đàm Thị Anh Thư (dân tộc Nùng).
Cô Bành Ngọc Thủy trong một buổi dạy tiếng Anh cho học sinh |
V.T |
Đạt được thành công đó, cô Thủy đã có một hành trình không ít gian nan để “nuôi” khát vọng phát triển tiếng Anh cho học sinh dân tộc. Cô chia sẻ xuất phát từ những thiệt thòi của bản thân mình, không được học ngoại ngữ trong khi các bạn ở thành phố được học từ nhỏ, nên vào cấp 3 cô tự học thêm tiếng Anh và quyết tâm theo học ngành sư phạm để trở thành giáo viên tiếng Anh. Những ngày mới ra trường, cô đến giảng dạy ở Trường THCS Đông Quan (xã Đông Quan), một trường khó khăn nhất huyện. Khi đó Đông Quan chưa có điện, đi lại khó khăn nên học sinh phải trọ học, nhớ nhà là bỏ học. Đặc biệt, đa số các em là người dân tộc Tày, Nùng, Dao…, nhiều em nói tiếng phổ thông còn chưa sõi.
“Dạy tiếng Việt đã khó, dạy tiếng Anh còn khó gấp nhiều lần, vì phụ huynh học sinh đều chưa nhận thấy được sự cần thiết của môn học. Trong khi đồ dùng dạy học không có, nên việc dạy học rất khó khăn”, cô Thủy nhớ lại. Để học sinh có hứng thú với môn học, cô tự vẽ tranh, lấy những đồ dùng cũ, hỏng, thiết kế lại để minh họa cho bài học. Đồng thời để các em dễ hiểu, cô tự học tiếng dân tộc để so sánh bằng ngôn ngữ bản địa khi dạy tiếng Anh cho các em. Cô nhờ chính các em dạy mình tiếng dân tộc. Vậy là học sinh của cô rất hào hứng và bắt đầu thích học tiếng Anh.
Nhờ có sự kiên trì và tận tâm của cô Thủy, 3 em học sinh Lương Ngọc Diệp, Dương Tùng Sơn và Đàm Thị Anh Thư đã đoạt giải quốc gia năm 2020 môn tiếng Anh trên internet - IOE |
NVCC |
Kéo các em trở lại trường
Việc dạy học đã khó, để vận động học sinh đi học còn khó hơn, vì những năm 2000 ở đây học sinh cứ học hết lớp 7 là đã được bố mẹ tổ chức cưới hỏi theo tập tục. Sau khi cưới sẽ về nhà mình ở, sau 2 - 3 năm thì về nhà chồng. Vì thế, cô Thủy còn phải đi vận động hủy đám cưới, kéo học sinh trở lại trường. Có năm, lớp cô chủ nhiệm có 3 học sinh lớp 7 đã lấy chồng. Cô cùng đồng nghiệp đi bộ hơn 10 km đến nhà học sinh, nhưng các em trốn gặp.
Hồi đấy, ở nông thôn ai cũng học dốt tiếng Anh, cô đã nhiệt tình chỉ bảo. Nhiều hôm trời mưa gió, cô vẫn tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ đi đến từng nhà dạy học sinh. Nhờ thế mà tôi đỗ vào lớp chuyên Anh của THPT Lộc Bình. Sau này, khi tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế, tôi đã tự tin trong giao tiếp và có thể giới thiệu về VN bằng tiếng Anh.
“Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, khi đi trọ học thì phải tự túc. Lớp học không có điện, nên mùa đông rất lạnh và tối tăm. Vì thế, việc vận động các em ra lớp cũng rất khó”, cô Thủy kể. Thế nhưng, bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm, cô đã vận động thành công nhiều học sinh hủy đám cưới, hoặc cưới xong vẫn đi học.
Nhớ lại những năm ấy, cô Thủy vẫn không thể quên nhiều học sinh do bố mẹ đi làm thuê ở bên kia biên giới nên bỏ mặc con ở quê nhà. Để vận động các em đến trường lại càng khó hơn. Cô phải đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh từng em, rồi liên hệ với bố mẹ học sinh vận động họ trở về chăm lo cho con. Có trường hợp bố mẹ đều đi làm thuê, con ở nhà với bà nên rất nghịch, thường xuyên trốn học, đi chơi. Lo lắng học sinh rơi vào con đường phạm pháp, cô đã kiên trì tìm mọi cách liên lạc với phụ huynh, khuyên nhủ họ. “Sau nhiều lần trao đổi về tình trạng của học sinh, mẹ em ấy đã trở về và từ đó em học hành tiến bộ hơn”, cô Thủy tâm sự.
Nhiều học sinh được cô Thủy dạy giờ đã tốt nghiệp đại học, trở về làm cán bộ địa phương. Anh La Đức Tuân (27 tuổi, dân tộc Tày) hiện làm cán bộ Huyện đoàn Lộc Bình, một trong những học sinh cũ của cô Thủy, chia sẻ: “Hồi đấy, ở nông thôn ai cũng học dốt tiếng Anh, cô đã nhiệt tình chỉ bảo. Nhiều hôm trời mưa gió, cô vẫn tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ đi đến từng nhà dạy học sinh. Nhờ thế mà tôi đỗ vào lớp chuyên Anh của THPT Lộc Bình. Sau này, khi tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế, tôi đã tự tin trong giao tiếp và có thể giới thiệu về VN bằng tiếng Anh. Nhờ có tiếng Anh, tôi sử dụng công nghệ thành thạo trong công việc hiện nay”.
Đưa học sinh tiến kịp miền xuôi
Cô Thủy cho biết khi dạy ở những trường có nhiều học sinh khó khăn, cô tìm hiểu và có cách giáo dục riêng như hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập và tranh thủ buổi chiều, buổi tối dạy thêm cho các em. Sau này điều kiện tốt hơn, cô quan tâm đến những học sinh có tố chất tốt để rèn luyện cho các em đi thi đội tuyển học sinh giỏi; rèn kỹ năng giao tiếp và mở rộng kiến thức để đặt nền móng giúp các em có thể hội nhập quốc tế.
“Tôi đã tự tìm tòi tài liệu, tham khảo từ đồng nghiệp, tự xây dựng chương trình ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 10, sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Qua từng năm ôn tập, tự đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung những kiến thức mới phù hợp, các em học sinh đã đạt được nhiều kết quả khả quan qua các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thi THPT chuyên”, cô Thủy phấn khởi kể.
Cô Cao Thị Dung, Phó hiệu trưởng Trường THCS TT.Lộc Bình, chia sẻ: “Cô Bành Ngọc Thủy rất nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc; nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Cô đã ôn luyện cho nhiều học sinh lớp 9 đạt giải học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh; 2 năm gần đây có học sinh đạt giải cấp quốc gia. Cô Thủy là tấm gương sáng cho đồng nghiệp, học sinh noi theo”.
Khi đến công tác tại Trường THCS TT.Lộc Bình, để học sinh có môi trường thể hiện khả năng và tự tin trong giao tiếp, cô Thủy đã có sáng kiến thành lập CLB tiếng Anh và giúp nhiều học sinh trưởng thành trong môn học này. “Ngôi trường tôi công tác nằm trên địa bàn thị trấn, nhưng khó khăn và hạn chế mà tất cả giáo viên tiếng Anh chúng tôi gặp phải là các em học sinh còn yếu về kỹ năng giao tiếp, các em còn ngại, thiếu tự tin mặc dù kiến thức ngữ pháp rất tốt. Chính vì vậy, để tạo môi trường nói tiếng Anh cho học sinh, với sự đồng thuận và tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, tổ ngoại ngữ chúng tôi đã thành lập CLB tiếng Anh”, cô Thủy kể.
Tại CLB tiếng Anh, cô đã tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa như Ngày hội tiếng Anh, lễ hội Halloween, lồng ghép cùng với các buổi ngoại khóa của nhà trường cho các em thuyết trình tiếng Anh với chủ đề “Nói không với túi ni lông”, “Môi trường xung quanh em”, “Các lễ hội ở Lạng Sơn”… Hoặc dạy những kỹ năng như chào hỏi thầy cô giáo bằng tiếng Anh, báo cáo sĩ số trong các tiết tập trung đầu tuần bằng tiếng Anh…
Từ CLB đó, nhiều học sinh đã bứt phá trong học tập và tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh, góp phần đưa chất lượng giáo dục môn tiếng Anh ở trường miền núi ngang với các trường của TP.Lạng Sơn.
Bình luận (0)