Cô giáo tật nguyền mê làm từ thiện

01/03/2019 14:05 GMT+7

Vượt qua nỗi đau và mặc cảm vì bị cắt bỏ một phần chân trái, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (33 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) vẫn lạc quan đứng lớp và dành thời gian làm từ thiện, san sẻ với người cùng cảnh ngộ.

Cô Tâm kể, hè năm 2009, trên đường đi vận động học trò vùng biên giới đi học, không may cô bị tai nạn giao thông, khi tỉnh dậy mới hay chân trái dập nát, phải cắt bỏ. Khi đó cô rất buồn chán, nhưng sự lo lắng của người mẹ đã giúp cô tìm về nguồn sống. Cô đi bệnh viện lắp chân giả, tập đi bằng những bước khó khăn, bất chấp cơn đau... Sau đó, cô xin chuyển về Trường THPT Thiên Hộ Dương gần nhà để thuận tiện đi lại.
Lúc đầu, học sinh, phụ huynh băn khoăn vì “cô giáo đi đứng khó khăn, liệu có truyền thụ kiến thức tốt cho các em”. Thế rồi, những lo ngại tan biến khi học sinh, phụ huynh nhận ra rằng, sau những bước chân ấy là nghị lực phi thường cùng trái tim nhân hậu, khao khát sống đẹp cho đời của cô Tâm.
Vừa đi dạy, cô Tâm vừa bán hoa hồng để gây quỹ làm các công tác từ thiện, tham gia hớt tóc tình nguyện, nấu cơm từ thiện, vận động các nhà hảo tâm giúp người già, trẻ em khó khăn, học sinh nghèo… Bên cạnh đó, cô còn thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm gồm nhiều bạn trẻ cùng sở thích, cùng trái tim giúp người nghèo.
Khi dạy học ở trường mới, đầu năm học 2018 - 2019, cô Tâm được nghe đồng nghiệp kể nhiều học sinh cha mẹ mất sớm, có khả năng bỏ học. Vậy là cô tìm hiểu và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, trong đó có 1 em học lớp 12 mỗi tháng 1,2 triệu đồng. Nhờ nguồn động lực này mà các em đã an tâm đến trường.
Cô Tâm chia sẻ: “Lúc xảy ra tai nạn, tôi bi quan lắm nên khi vượt qua được nỗi đau này, tôi chạnh lòng nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ, bị mất đi chân, tay”. Bởi vậy nên có lần hay tin anh Hòa ngụ TP.Cao Lãnh bị tai nạn cụt mất 2 chân, cô Tâm đã đến nhà động viên anh và gia đình. Anh Hòa đang chán chường trước viễn cảnh tối tăm khi bị tàn phế, gặp cô Tâm xong, anh đã nhẹ lo khi chứng kiến cô tháo chân giả và lắp lại gọn gàng để anh Hòa bớt lo sợ sau này đi đứng ra sao…
Sau cuộc gặp gỡ, cô Tâm nhận ra không ai chia sẻ nỗi đau bằng chính người trong cuộc. Từ đó, hễ hay tin ai bị tai nạn mất chân hay có dịp đi TP.HCM kiểm tra, điều chỉnh chân giả, cô lại tranh thủ đến thăm, chia sẻ. Rất nhiều người được cô tìm đến tận nơi chia sẻ đã thấu hiểu và vơi đi nỗi lo.
Cô Tâm bộc bạch: “Mới đây, tôi có cô học trò cũ tên Vy gặp tai nạn bị cắt mất chân trái nên rất suy sụp tinh thần vì đang làm ra tiền giúp cha mẹ nghèo khó bỗng nhiên trở thành gánh nặng. Hay tin, tôi đến nhà, khuyên nhủ Vy và lấy hình ảnh bản thân mình làm minh chứng nên em đã bớt đi lo lắng và chịu lắp chân giả. Tuy nhiên, hiện nay phí lắp chân giả tốt tới hàng chục triệu đồng, là số tiền quá lớn đối với Vy và gia đình. Tôi đang vận động các nơi giúp đỡ em, nhưng mới kêu gọi chỉ được vài triệu đồng…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.