Cô giáo 'tay ngang' xóa mù chữ cho hàng chục trẻ bụi đời ở TP.HCM

20/11/2018 13:32 GMT+7

Mấy năm qua, lớp học tình thương của chị Thảo đã giúp xóa mù chữ cho những đứa trẻ bụi đời ở các xóm lao động nghèo ở Q.8 (TP.HCM) và giúp chúng trở nên tự tin trong cuộc sống.

Trong căn phòng chỉ độ hai mươi mấy mét vuông, nằm sâu nơi dãy trọ lụp xụp trong con hẻm 45 Cao Lỗ (Q.8, TP.HCM), có hơn 30 đứa trẻ tối tối ngồi ê a đánh vần, tập viết. Đứa cha mất, đứa mẹ bỏ đi, đứa không giấy tờ, đứa áo quần lem luốc… Vậy mà đứa nào cũng cười tươi vì được đi học. Ấy là lớp học tình thương của chị Lê Thạch Thảo (38 tuổi, ngụ Q.8) dành cho những đứa trẻ bụi đời.
Lớp học của “cô giáo” tay ngang
Cứ chiều chiều, người ta lại thấy anh Tùng, một người bạn của chị Thảo, lấy xe chở đâu đó dăm ba đứa trẻ về dãy trọ. Bỏ tốp này xuống, anh lại quay đi, đón thêm nhóm khác. Chúng là những đứa trẻ trong các xóm lao động nghèo xung quanh, được chị Thảo lân la đưa về lớp học, mong cho chúng con chữ để thay đổi cuộc đời.
Trước khi quyết định hỗ trợ xóa mù chữ cho trẻ em nghèo, từ những ngày còn trẻ, chị Thảo đã là một tình nguyện viên của nhiều tổ chức từ thiện và công tác xã hội. Năm 2009, chị chuyển về xóm trọ nơi đây sinh sống và chứng kiến quá nhiều những đứa trẻ vì hoàn cảnh mà tương lai trở nên tăm tối.
"Mẹ Thảo" của những đứa trẻ đường phố Ảnh: Hoài Nhân
Hiện tại, lớp học là một phòng trọ sâu trong con hẻm ở Q.8. Ảnh: Hoài Nhân
“Về đây, tôi bắt gặp hai anh em thằng bé nhà kia, vì gia đình bỏ bê mà hay đi trộm vặt dù chỉ mới 10 tuổi. Tôi mới lân la thủ thỉ, hỏi con muốn học chữ không, cô dạy. Vậy là tôi dắt chúng về nhà, chỉ định giúp chúng biết cái chữ thôi, nào ngờ những đứa trẻ khác thấy ham nên ùa đến xin. Vậy là tôi thành cô giáo của lớp học  15 mảnh đời, đứa nào cũng khó khăn”, chị Thảo kể về lứa học sinh đầu tiên của mình.
Nhưng với số học viên đông như thế, một nhân viên kế toán không có nghiệp vụ sư phạm như chị Thảo không để đảm trách việc giảng dạy được. Thấy những đứa trẻ ham học, chị Thảo kêu gọi hỗ trợ từ một vài người bạn. Những đứa trẻ không chỉ có giáo viên, còn được nhận tập vở, quà bánh, đặc biệt được chị Thảo thuê hẳn xe ôm để đưa các em đến lớp phổ cập song song mỗi đêm.
Mở ra từ năm 2012 với 15 đứa trẻ khó khăn trong các xóm lao động nghèo Q.8, nhưng chị Thảo chỉ cố gắng duy trì được 3 năm. Ảnh: Hoài Nhân
"Trong lớp học đầu tiên, được mấy đứa Toản, Nghĩa, Linh, Hùng, Thảo "lớn", Thảo "nhỏ" là thay đổi cuộc đời, chí thú học hành, làm việc...", chị Thảo kể. Chị vẫn còn nhớ như in từng mảnh đời mà chị dìu dắt. Ảnh: Hoài Nhân
Vì một số lí do cá nhân cùng khó khăn kinh phí, lớp học chị Thảo chỉ duy trì được 3 năm thì đóng cửa. “15 đứa, sau khi nghỉ học, được có 6 đứa đi lên, học hành đến nơi đến chốn hay chí thú làm ăn, giờ còn trở lại đây phụ tôi chăm nom lứa nhỏ. Những đứa còn lại, đứa biệt tăm, đứa quen lối cũ nên thành ra hư hỏng, không quay đầu được nữa…”, chị hạ giọng.
Mãi cho đến năm 2017, một sư thầy trong đạo tràng chị Thảo tham gia, sau khi biết chuyện, đã bày tỏ ý muốn giúp đỡ vì “trẻ con phải được đi học”. Được sự hỗ trợ chi phí từ đạo tràng, chị Thảo thuê một căn trọ nhỏ gần chân cầu Tám Nó - xóm trọ nghèo của những đứa trẻ, quyết tâm mở lại lớp học. Sau đó, để tiện việc trông nôm, chị Thảo dời hẳn lớp học về dãy trọ nhà mình.
Mỗi đứa trẻ, một mảng đời
Hơn 5 giờ chiều, những đứa trẻ bắt đầu tập trung vào phòng học, tự dọn bàn ghế, ngồi ngay ngắn và mở tập ôn bài. Đứng lớp hiện tại là một số giáo viên, sinh viên tình nguyện, hỗ trợ xóa mù chữ cho các em hai môn Toán và Tiếng Việt, và dạy thêm tiếng Anh và kĩ năng sống.
Những đứa trẻ đen đúa vì đội mưa đội nắng mưu sinh. Ảnh: Hoài Nhân
Những nụ cười rạng rỡ cùng bạn bè trong lớp học. Ảnh: Hoài Nhân
Những con chữ nắn nót mỗi đêm từ bàn tay cầm ve chai, vé số ban ngày. Ảnh: Hoài Nhân
Các em được dạy theo chương trình học chính quy, nhưng cũng phải linh hoạt vì mỗi em là một hoàn cảnh khác nhau. Ảnh: Hoài Nhân
Cô Lê Thị Thùy Nhung (51 tuổi, ngụ Q.6), giáo viên trường tiểu học Phú Định (Q.6), người đứng lớp chính cho biết: “Lớp học chia ra thành các nhóm, mỗi nhóm được xem như một “lớp” của các em cùng trình độ. Hiện tại, các em có trình độ lớp 1 và lớp 4, đều được tôi căn theo chương trình tiểu học chính quy. Nhưng đây là những đứa trẻ đặc biệt, nên mình cũng phải linh hoạt”.
Chị Thảo tâm sự, đưa được các em đến lớp đã là một vấn đề, dạy sao cho các em tiếp thu lại là một vấn đề khác. Những đứa trẻ đường phố thường rất bất cần, thậm chí còn bất trị. “Như trường hợp em Rô (Minh Phát) sẵn sàng bỏ về, thậm chí hằn học với giáo viên. Thế là tôi nhờ một “đại ca” xuống trị chúng, chính là một em của lớp trước, từ đứa quậy phá nay đã chí thú làm ăn và chuẩn bị lấy vợ”, chị cười khi nói về phương pháp uốn nắn khác biệt dành cho những đứa trẻ “đặc biệt”.
"Những đứa trẻ bụi đời rất bất cần, mình phải có cách để uốn nắn, chứ không thể la mắng. Quan trọng, phải nắm rõ câu chuyện đời từng đứa để ứng xử phù hợp. Chúng đến lớp được ngày nào mình mừng ngày nấy", chị Thảo trải lòng. Ảnh: Hoài Nhân
Sâu trong mỗi đứa trẻ bụi đời là sự hồn nhiên, lương thiện. Ảnh: Hoài Nhân
Nơi đây, mỗi đứa trẻ là một mảnh đời bất hạnh. Có em cha mẹ ly tán hoặc làm nghề phạm pháp, có em ở với ông bà vì mẹ cha không còn hoặc đang tù tội, có em ban ngày lêu lổng, có em lại đội mưa nắng bán vé số, nhặt ve chai… Chị Thảo cho biết, khó khăn nhất phải kể đến em Mã Diễm Hằng (9 tuổi). Cha em bị tai biến nên ở quê, mẹ rời Kiên Giang ôm mấy chị em lên Sài Gòn mưu sinh.
Cái nghèo đeo đẳng, mấy chị em Hằng bị mẹ gửi mỗi đứa một chỗ, có hôm em chỉ uống nước thay cơm. “Hồi đầu nghe đi học con trốn không à, nhưng con mê làm công an, mà cô Thảo bảo muốn làm công an phải biết chữ. Ban ngày con trông em phụ mẹ, tối con học với mấy bạn vui lắm”, Hằng cười.
Có em không có giấy tờ nên không thể đi học, như trường hợp của hai anh em Bi (Bùi Phú Quý) và Beo (Liêu Phú Thịnh). Ba mẹ không giấy tờ tùy thân, gia đình không hộ khẩu nên đến giờ các em vẫn không có giấy khai sinh để đến trường. Hai đứa sống cùng bà ngoại từ nhỏ, ngày ngày đi lượm ve chai, tối lại lót tót dắt nhau qua lớp học.
“Người ta không biết thì mắng mỏ tụi nhỏ hư hỏng, nhưng chỉ là môi trường làm chúng trở nên như thế, chứ bản chất những đứa trẻ vẫn là trong sáng và đầy thiện lương. Đứa nào cũng vậy, thấy thương lắm, cứ ngồi nhìn chúng học là bỏ không đành đâu, khó khăn mấy cũng ráng duy trì. Được ngày nào hay ngày nấy, được chữ nào hay chữ nấy”, chị Thảo trải lòng.
Các em học phản xạ trong giờ Anh Văn. Ảnh: Hoài Nhân
Phải đọc đúng 5 từ vựng trước khi ra về. Ảnh: Hoài Nhân
Đứng lớp hiện tại là các giáo viên, sinh viên tình nguyện. Ảnh: Hoài Nhân
Ngoài con chữ, các em còn được dạy kĩ năng sống. Ảnh: Hoài Nhân
Chị Thảo nhận công việc làm nến, đồ thủ công về để tạo công ăn việc làm cho các em lớn. Ảnh: Hoài Nhân
Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một ước mơ . Ảnh: Hoài Nhân
Giữa thành phố phồn hoa trăm ngàn đèn xanh đỏ, vẫn có những mảng đời con trẻ tối tăm, rất cần được đỡ nâng và trao cho chúng một chút ánh sáng của tương lai, của niềm hy vọng.
Lớp học tình thương được chị Lê Thạch Thảo mở tại nhà từ tháng 6.2012 và đích thân đứng lớp. Nhiều khó khăn khiến lớp học chỉ duy trì được ba năm thì đóng cửa. Đến tháng 9.2017, được sự giúp đỡ của một sư thầy và bạn bè, chị Thảo mở lại lớp, với địa điểm là một phòng trọ thuê tại số 45/34B Cao Lỗ (Q.8, TP.HCM) giá 3,5 triệu đồng/tháng. Các sư thầy hỗ trợ 3 triệu đồng, các chi phí còn lại do chị Thảo tự trang trải.
Mỗi ngày, để duy trì lớp học “đặc biệt” này, một người bạn chị Thảo phải chạy xe máy đến các xóm lao động nghèo đưa đón, thậm chí phải đi tìm gọi từng em đi học. Các em còn được chị Thảo và những nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất trong cuộc sống, tham gia các hoạt động vào ngày lễ thiếu nhi cũng như các khóa tu, chương trình từ thiện khắp nơi.
Khó khăn hiện tại của lớp học là thiếu giáo viên đứng lớp; một số em không có giấy tờ nên không thể làm giấy khai sinh để đến trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.