Cô giáo trường làng dạy học 'xuyên lục địa'

11/10/2020 09:08 GMT+7

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, dạy học ở quê nhà, nhưng cô giáo Trần Thị Thúy (33 tuổi), Trường THPT Đức Hợp, H.Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã trở thành 1 trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu 2019.

Với ước mơ trở thành cô giáo, năm 2005, Thúy thi đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Thúy quyết định quay về giảng dạy ở ngôi trường mình theo học những năm THPT - Trường THPT Đức Hợp, Kim Động, với mong muốn giúp học sinh nông thôn yêu thích môn tiếng Anh.

Lớp học trên… mây 

Để thực hiện mục tiêu đó, trong quá trình giảng dạy, Thúy đã luôn tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng các công cụ học tập hiện đại để mang vào lớp học. Cô đã sử dụng phương pháp “dạy học dự án”, cùng học sinh nghiên cứu khoa học với đề tài “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại”.
“Tôi đã chọn 45 học sinh, cho các em đóng vai trò là những nhà khoa học, bác sĩ để tìm hiểu tình hình ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến sức khỏe con người. Từ đó, cả cô và trò sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, giải pháp để nâng cao hơn nữa ý thức của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như đưa ra lời khuyến cáo, hướng dẫn người tiêu dùng trong việc sử dụng nguồn thực phẩm hằng ngày, biết cách sử dụng thuốc trừ sâu hiệu quả và ý nghĩa hơn”, Thúy chia sẻ.
Đặc biệt, Thúy đã dùng phần mềm hỗ trợ học tập để kết nối với học sinh và cho các em được tương tác trong môi trường mới. Không chỉ giới hạn ở lớp học, học sinh còn được kết nối và giao lưu với những bạn bè thế giới, thông qua ứng dụng Skype. Nhiều người gọi lớp học của cô giáo Thúy là “lớp học trên mây”.
Trong giờ học, mọi thứ đều phá cách: bàn học được xếp quây lại để học sinh được thảo luận nhóm, lớp học có sân khấu, có máy chiếu để học sinh thuyết trình, giao lưu. Chỉ trong 45 phút ít ỏi của tiết học, học sinh như được “chu du” 5 châu, được nói tiếng Anh giao lưu với giáo viên và học sinh ở nhiều nước khác trên thế giới. Trong 5 năm qua, những giờ học ứng dụng phần mềm Skype của cô giáo Thúy đã giúp học trò “đi qua” 22 quốc gia, thực hiện 215 triệu lượt kết nối với giáo viên, học sinh ở nhiều nước trên thế giới.

Những tiết học “xuyên lục địa”

Kể về về hành trình lọt vào top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu, do Tổ chức Giáo dục Varkey bình chọn, Thúy cho biết từ giải thưởng năm 2016, cô thấy cần phải liên tục học tập và tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy. Nhờ mạng xã hội, Thúy biết đến nhóm cộng đồng sáng tạo Việt Nam và trang cộng đồng sáng tạo của Microsoft toàn cầu. Từ đó, cô đã kết nối được với hàng nghìn giáo viên trên thế giới cũng có niềm say mê nghề, nghiên cứu khoa học như cô.
“Được sự ủng hộ của nhà trường, tôi đã kết nối với các giáo viên đến từ nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan... để xây dựng và sắp xếp những tiết học xuyên lục địa, nhờ công cụ Skype”, Thúy kể.
Dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” của Thúy đã được lan tỏa rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ của hàng nghìn thầy cô giáo trong cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft. Thành công với dự án, Thúy đã vinh dự được chọn là 1 trong 4 giáo viên đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada vào tháng 3.2017. Tại cuộc thi, cô được phân vào nhóm các giáo viên đến từ 5 quốc gia: Nga, Canada, Guatemala, Ai Cập và Việt Nam. Chủ đề của năm 2017, Microsoft muốn lắng nghe những ý kiến của giáo viên và học sinh để cải thiện những công cụ của họ, giúp việc dạy và học trở nên hiệu quả hơn.
Với ý tưởng sử dụng công nghệ thông tin để truyền tải đến học sinh thông qua các công cụ của Microsoft, Thúy đã chinh phục được 4 giáo viên của cả 4 nước và ý tưởng đó đã trở thành đề tài chung của cả nhóm. Ý tưởng này đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm, trên 300 chuyên gia đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành giải đặc biệt của Diễn đàn giáo dục toàn cầu năm 2017.
Đến năm 2019, những nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của Thúy đã đưa cô vào danh sách top 50 Giáo viên xuất sắc toàn cầu 2019. Cô cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách này, cùng các giáo viên của 29 quốc gia khác. Không dừng lại với thành quả đó, từ năm 2019 đến nay, cô vừa giảng dạy vừa tiếp tục theo học cao học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội để nâng cao trình độ.
Điều đáng ngưỡng mộ ở cô giáo trẻ này là sau khi đạt các danh hiệu “vàng”, nhận được lời mời đến làm việc của một tổ chức ở nước ngoài, nhưng cô đã khước từ để trở về làm cô giáo làng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.