Không dám nghĩ đến việc xây nhà
Ngày 7.11, từ đường chính thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi men theo nhiều lối nhỏ hẹp quanh co mới tìm được nhà ngư dân Dương Đình Mỹ (29 tuổi) ở thôn này. Ngôi nhà cấp 4 của anh cách bờ biển vài mươi mét, đã bị bão số 9 và sóng lớn đánh sập. Những ngày qua, anh Mỹ lấy bạt phủ tạm để tá túc trên nền nhà cũ. Nhìn nước mưa đang nhỏ từ tấm bạt xuống, anh Mỹ nói: “Hai ngày qua trời mưa lại có gió nữa khiến tấm bạt che tạm cũng tơi tả luôn. Vợ và 2 đứa con phải đi ở nhờ”.
|
“Bọn em dân biển, sống ngoài biển nhiều hơn ở nhà, thu nhập bấp bênh, làm được cái nhà cho vợ con ở là mừng lắm. Bây giờ thì tiền đâu? Làm lại nhà quá khó”, anh Mỹ nhìn đống đổ nát, thở dài.
Chúng tôi hỏi những ngày qua, gia đình anh được hỗ trợ ra sao, anh Mỹ thật thà nói chính quyền, Báo Thanh Niên và một số nhà hảo tâm cho tổng cộng được hơn 40 triệu đồng, nhưng ngần ấy, với nhà ven biển như ở đây, thì vẫn chưa đủ để xây phần móng.
Anh Phạm Thanh Long (49 tuổi, ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang, H.Sơn Tịnh) có nhà bị bão đánh sập thành đống gạch vụn, cũng bất lực khi nghĩ đến việc làm lại nhà. Vợ anh Long hay đau yếu, chỉ làm việc nhẹ; còn 3 đứa con, đứa lớn đi bộ đội, hiện còn đang quân ngũ, 2 đứa còn lại đang là học sinh. Tiền học, tiền ăn... đều một vai anh Long gánh vác. Anh Long chia sẻ: “Tích góp, vay mượn trồng được vài héc ta cây keo, được 2 năm thì bão làm gãy trụi, giờ chỉ chặt về làm củi. Nhà nước có hỗ trợ cũng không thể nào đủ để làm lại cái nhà mới, thôi đành dựng tạm mái tôn cho con cái che mưa nắng”.
Ở nhiều vùng quê Bình Định, chúng tôi cũng gặp những cảnh đời tương tự. Từ sau cơn bão số 9 đến nay, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (40 tuổi, ở thôn Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định) và 3 con trai phải che căn lều ở tạm cạnh chuồng heo cũ. Con trai lớn của chị Hạnh năm nay học lớp 9, cháu nhỏ học lớp 6, con út mới chỉ học mẫu giáo. Ban ngày, khi các con đi học, chị Hạnh lại đập, xới trong đống đổ nát của ngôi nhà tìm lại từng viên gạch cũ, xếp cẩn thận để tận dụng lại.
Cách đây 4 năm, chồng chị Hạnh bị ung thư tủy, chữa trị được 2 năm thì mất. Mấy năm qua, chị Hạnh gắng gượng chèo chống để các con được tiếp tục đến trường. Ngoài 4 sào ruộng, chị Hạnh còn nhận gia công ghế nhựa giả mây, mỗi tháng được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Chị Hạnh nhẩm tính để xây lại căn nhà cấp 4 nho nhỏ, thì ít nhất cũng phải có 100 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này là quá lớn nên 4 mẹ con chị không dám nghĩ đến...
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Tuy Phước, huyện này có 28 hộ bị sập nhà hoàn toàn do bão số 9, trong đó 5 hộ nghèo, 23 hộ khó khăn. Ngoài ra, H.Tuy Phước còn có 27 căn nhà bị hư hỏng nặng, trong đó 4 nhà thuộc hộ nghèo, 1 nhà của hộ cận nghèo và 22 nhà còn lại của các hộ khó khăn.
Kêu gọi chung tay
Bà Nguyễn Thị Năm (52 tuổi, ở xã Bình Hải, H.Bình Sơn) đi nấu ăn thuê cho các đám cưới, đám tiệc, nhiều nhất mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn, nhưng bữa có bữa không. Căn nhà bà Năm ở thôn An Cường, xã Bình Hải, nằm sát bờ biển bị sập do bão số 9. Từ ngày mất nhà, 3 mẹ con bà Năm chia nhau đi ở nhờ. Hỏi sao không che tạm lều để ở, bà Năm thở dài: “Bây giờ ai cũng lo cho nhà mình, ai cũng lo mua tôn, mua ngói về lợp nên không mượn được người. Mà có thuê nhân công cũng không có. Những ngày này, gọi cho thợ xây, thợ sắt..., ai cũng nói bận”.
Theo một cán bộ UBND xã Bình Hải, nhà bà Năm thì phải làm mới lại, nhưng tiền hỗ trợ của tỉnh (18 triệu đồng/nhà) thì không đủ để xây nhà ở vùng ven biển này. Đã vậy, ngày công của thợ xây nay tăng gấp đôi mà cũng không kiếm ra thợ.
Theo ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh hỗ trợ mỗi nhà bị hư hại 100% là 20 triệu đồng (ở miền núi) và 18 triệu đồng/nhà (ở đồng bằng). Còn nhà bị hư hại 50 - 70% thì hỗ trợ 5 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, số tiền này như muối bỏ bể. Do đó, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, xã hội... chung tay hỗ trợ người dân.
Còn ở Bình Định, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Tuy Phước, cho biết: “Các hộ có nhà ở bị sập, bị hư hỏng nặng đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình đơn chiếc, lớn tuổi... Chúng tôi đang khẩn trương lập hồ sơ trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, hỗ trợ kinh phí cho các gia đình sớm xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống”.
Tỉnh Quảng Ngãi có 433 ngôi nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn; 149.563 ngôi nhà bị thiệt hại, hư hỏng do bão số 9. Tỉnh Bình Định có gần 100 nhà bị sập hoàn toàn, gần 10.000 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập nước. Tổng thiệt hại về nhà cửa lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong lúc bão số 9 chưa khắc phục xong hậu quả thì ngày 6.11, lũ ập về bất ngờ, ở 2 tỉnh này lại có thêm hàng ngàn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng.
|
Bình luận (0)