|
Phim tử tế lận đận
Bao năm qua vẫn có những Đời cát, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng... được giải thưởng của các liên hoan phim uy tín trên thế giới, hấp dẫn khán giả trong và ngoài nước. Nhưng chỉ có điều những bộ phim ấy giống như “muối bỏ bể”.
Đời cát, bộ phim đã giành giải vàng tại LHP Châu Á - Thái Bình Dương, ra mắt khán giả vào năm 1999, sau hành trình dài tới 5 - 6 năm của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Ông ôm kịch bản đã ấp ủ trong suốt 4 năm trời tới hãng phim truyện VN (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN) nhưng đáp lại là cái lắc đầu từ chối. Câu trả lời mà ông nhận được là vì vết thương chiến tranh trong đó quá bi thảm. Sau này, với cách nhìn mới, dự án phim Đời cát mới được thông qua. Đó là câu chuyện cách đây đã 15 năm, nhưng vẫn có thể bắt gặp ở thời điểm hiện tại. Đạo diễn Hà Sơn cho biết ông và một nhà biên kịch đã phải “bàn” nhau chỉnh sửa kịch bản phim Trung úy thế nào để lọt qua cánh cửa của hội đồng duyệt phim, có tiền sản xuất. “Thường những gì gai góc nhất, bạo liệt nhất sẽ bị cắt đi. Họ cứ bảo cắt cái này, cắt cái kia, nhưng chẳng thèm quan tâm đến tư tưởng, ngôn ngữ nghệ thuật, hình ảnh của bộ phim”, đạo diễn Sơn bày tỏ.
Câu chuyện của Mùa len trâu và Trăng nơi đáy giếng của Hãng phim Giải Phóng lại khác. Nếu các nhà làm phim không tự vận động, thì dự án cũng bị chìm nghỉm theo. Nhà nước chỉ đồng ý cấp cho dự án Mùa len trâu một số tiền ít ỏi. “Nếu Nguyễn Võ Nghiêm Minh không tự lặn lội đi tìm nhà tài trợ nước ngoài thì sẽ không có một bộ phim tạo dấu ấn cho điện ảnh Việt như thế” - một đạo diễn gạo cội của Hãng phim Giải Phóng nhớ lại.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn từng nộp trả lại kịch bản Trăng nơi đáy giếng vì không có đủ tiền làm phim. Ngân sách nhà nước dành cho phim là trên 1 tỉ đồng, trừ đi phần chi phí cho hãng, đoàn làm phim còn thiếu 180 triệu. Nhưng ngân sách chỉ có từng đó, không thể có thêm, buộc Nguyễn Vinh Sơn phải gõ cửa hãng sản xuất nước ngoài để “cứu” lấy một kịch bản hay. Nhiều kịch bản hay đã không được quan tâm đúng mức, hoặc thậm chí bỏ qua.
“Dễ hiểu thôi nhà nước đặt hàng theo tiêu chí, định hướng. Nếu kịch bản hay nhưng không đúng tiêu chí đó thì làm sao nhận được tiền đầu tư” - vị đạo diễn gạo cội chia sẻ. “Nói thẳng ra thì nhiều hội đồng duyệt phim không đủ năng lực thẩm định về mặt nghệ thuật, lẫn chính trị”, ông bất bình.
|
Năng lực làm phim mới là quan trọng
Kịch bản hay không được quan tâm đúng mức, trong khi lại thừa những kịch bản dở. “Thật ra giờ muốn làm phim hay cũng chả có bột để gột nên hồ” - đạo diễn Hà Sơn nói. Nhiều năm trời các hãng phim nhà nước không có nổi một kịch bản tốt: “Nói thật cứ thử đưa kịch bản cho các đạo diễn trẻ tài năng vừa được giải tại liên hoan phim quốc tế, hay các đạo diễn Việt kiều làm phim ăn khách xem họ có chạy biến luôn không. Nguyên liệu như thế thì làm sao ra sản phẩm hay được” - ông Hà Sơn chua chát.
“Thường đơn đặt hàng hay ấn định các đề tài theo từng thời kỳ, sự kiện. Trong khi các hãng có sẵn một đội ngũ luôn sẵn sàng viết kịch bản nhân các dịp kỷ niệm như thế. Chuyện chỉ có ở nước mình, trên thế giới người ta viết phim lịch sử, chiến tranh hay về nhân vật lịch sử nào đó đâu chỉ nhăm nhăm phục vụ mục đích kỷ niệm” - ông Sơn nói.
Ở góc độ khác, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, hiện nay không có gì hạn chế các nhà viết kịch bản trong các hãng phim: “Nếu có hạn chế thì chỉ có hạn chế về mặt tài năng thôi”. Đạo diễn Trần Lực cũng đã chia sẻ: “Tiền chỉ đứng thứ hai. Còn năng lực làm phim thế nào, xử lý bộ phim thế nào mới là quan trọng”. “Tôi tự hỏi thực sự chúng ta có thể làm nổi phim hay không? Không có đủ đạo diễn biết làm phim, không có đủ diễn viên biết diễn xuất thì làm sao nghĩ đến chuyện đó” - đạo diễn Hà Sơn bày tỏ.
Một điều lạ lùng nữa là, hầu hết bộ phim được nhà nước tài trợ chỉ giao cho loanh quanh một vài gương mặt “lão làng” quen thuộc; phim này thì làm đạo diễn, phim kia lại hoán đổi vị trí là nhà sản xuất.
“Đã đến lúc phải đầu tư cho lứa thế hệ nhà làm phim trẻ nữa” - đạo diễn phim Trung úy nói.
Thật đau lòng khi nghe một vị lãnh đạo của Cục Điện ảnh thừa nhận với người viết rằng, tiền không phải là yếu tố then chốt mà chính là năng lực của nhà làm phim.
“Nếu bây giờ có đưa cho nhà làm phim VN hàng triệu đô la, chưa chắc họ đã làm được phim hay, thậm chí không nghĩ ra cách nào để tiêu hết nổi số tiền lớn như vậy” - vị này nói.
Minh Ngọc
>> Phim Việt 'đập cánh' nhờ quỹ điện ảnh nước ngoài
>> Phim Việt tham gia nhiều LHP quốc tế
>> Phim Việt ra thế giới: Con đường bị 'phong tỏa'?
>> Phim Việt ra thế giới
Bình luận (0)