Có hay không chuyện đặt tên công viên Dã Viên thành Huế-Sài Gòn-Hà Nội?

08/06/2021 12:26 GMT+7

Sau tranh luận tên cầu Chui-Lòn tại Huế (Thừa Thiên-Huế), dư luận lại bất ngờ với thông tin: sau khi chỉnh trang, công viên Dã Viên sẽ có tên gọi công viên Huế-Sài Gòn-Hà Nội. Sự thật thông tin này như thế nào?

Thông tin “Sau khi chỉnh trang, cồn Dã Viên sẽ trở thành công viên với tên gọi công viên Huế - Sài Gòn - Hà Nội" được Báo Thừa Thiên-Huế chính thức thông tin trong một bài viết đăng ngày 28.5.2021.
Bài báo dẫn thông tin từ Trung tâm Công viên cây xanh TP. Huế - đơn vị triển khai dự án, cho biết sau khi chỉnh trang, cồn Dã Viên sẽ trở thành công viên với tên gọi công viên Huế-Sài Gòn-Hà Nội.

Phối cảnh dự án chỉnh trang công viên cồn Dã Viên (TP.Huế)

ẢNH: T.L

Trước thông tin trên, TS Nguyễn Đính (nguyên Phó ban Quản lý các dự án sông Hương) bất ngờ và băn khoăn: "Không biết thông tin nói trên chính xác đến mức độ nào và phải hiểu thế nào cho đúng? Bởi từ hàng trăm năm nay, người Huế vẫn gọi cù lao này với tên gọi thân thương là Dã Viên. Nơi đây có vườn ngự của vua Tự Đức đặt tên chính thức là Dữ Dã Viên từ năm 1868. Sao nay đơn vị thi công lại nói sẽ đặt tên là công viên Huế-Sài Gòn-Hà Nội, dù đây là cái tên có ý nghĩa đẹp".
"Còn nhớ năm 1995 sau khi đại tu cầu Trường Tiền, đơn vị thi công đã tự ý đổi tên thành cầu Tràng Tiền. Mãi đến năm 2017, sau một thời gian dài với sự lên tiếng mạnh mẽ của người dân Huế, tên cầu mới lại được trả lại cho đúng là cầu Trường Tiền", TS Nguyễn Đính nhắc lại câu chuyện tên gọi cầu Trường Tiền, sau khi được tu sửa.

Chỉ là ý kiến đề xuất

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên vì sao đặt tên công viên Dã Viên thành công viên Huế-Sài Gòn-Hà Nội, ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP.Huế, cho biết Trung tâm Công viên cây xanh TP.Huế thông tin như vậy chưa chính xác. Việc đặt tên công viên Dã Viên thành Huế-Sài Gòn-Hà Nội chỉ là ý kiến đề xuất trong quá trình lập dự án với mong muốn có một công trình biểu tượng gắn kết nghĩa tình giữa 3 địa phương kết nghĩa: Huế-Sài Gòn-Hà Nội. 
Tuy nhiên, dự án xây dựng khu văn hóa đa năng Dã Viên mang tính chất bảo tồn các giá trị lịch sử trong khu vực, phù hợp với cảnh quan; với đầy đủ các thiết chế về văn hóa, trình diễn nghệ thuật, khu vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ nhằm hình thành điểm nhấn mỹ quan trên sông Hương... nên tên gọi ấy chưa phù hợp, do đó TP. Huế đã không sử dụng. "Sau này, thành phố sẽ lựa chọn một công trình khác phù hợp, xứng tầm để đặt tên mang ý nghĩa biểu tượng gắn kết nghĩa tình giữa 3 địa phương kết nghĩa: Huế-Sài Gòn-Hà Nội", ông Hoàng Hải Minh nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo UBND TP.Huế và các ban, ngành kiểm tra tại dự án chỉnh trang công viên cồn Dã Viên

Ảnh: Ngọc Minh

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho hay: "Không chỉ tên gọi, thông tin khôi phục vườn Ngự Uyển ở công viên Dã Viên mà gần đây nhiều báo thông tin cũng chưa chính xác. Theo lịch sử, nơi đây vốn có khu vườn ngự của vua Tự Đức đặt tên chính thức là Dữ Dã Viên từ năm 1868. Chính nhà vua khi tạo dựng khu vườn đã mong muốn nơi đây là Dã Viên, chứ không phải Ngự Uyển. Nội hàm và tính chất của Dã Viên và Ngự Uyển hoàn toàn không giống nhau. Chính nhà vua cũng mong muốn thoát khỏi những khuôn thức của cung đình để tạo dựng một khu vườn hướng đến gần gũi thiên nhiên hơn. Vì vậy, công tác chỉnh trang, bảo tồn nơi đây cũng hướng đến ý nghĩa lịch sử đó và tên gọi cũng được sử dụng như lịch sử vốn có là Dã Viên".
Dự án xây dựng khu văn hóa đa năng Dã Viên sẽ hoàn thành trong quý 3/2021, là hợp phần trong dự án Xây dựng TP.Huế văn hóadu lịch thông minh có kinh phí 14,8 triệu USD, trong đó Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ 13 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.