Có hay không chuyện thanh long Bình Thuận xuất sang Trung Quốc 'nhiễm Covid-19 trên bao bì'?

18/09/2021 08:31 GMT+7

Phía Trung Quốc vừa có thông báo cho tạm ngừng làm thủ tục thông quan tại các lối mở giáp tỉnh Quảng Ninh với lý do phát hiện trên vỏ bao bì trái thanh long xuất xứ từ Bình Thuận bị nhiễm Covid-19 ...

Ngày 17.9, Sở Công thương Bình Thuận cho biết vừa nhận được công văn của Sở Công thương Quảng Ninh, thông báo phía Trung Quốc tạm ngừng làm thủ tục xuất khẩu thanh long vào nội địa Trung Quốc.
Theo công văn của Sở Công thương Quảng Ninh (số 3115, ngày 15.9), Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP.Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) có thông báo trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long của lô hàng thanh long ruột trắng (mã trồng VN-BTHOR-0035, xưởng đóng gói VN-BTHPH-051) có xuất xứ từ Bình Thuận dương tính với Covid-19.
Từ lý do này, phía Trung Quốc đã dừng toàn bộ hoạt động cửa khẩu và lối mở để khử khuẩn, đồng thời xét nghiệm Covid-19, truy vết những người có liên quan cả phía Việt Nam và Trung Quốc. Điều này dẫn đến toàn bộ lối mở giáp biên giới Quảng Ninh với Trung Quốc phải dừng mọi hoạt động thông quan.
Cũng với lý do này, phía Trung Quốc cho biết kể từ ngày 15.9, sẽ tạm dừng tiếp nhận làm thủ tục nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam đến ngày 21.9. Sở Công thương Quảng Ninh đề nghị Sở Công thương Bình Thuận quyết liệt triển khai các giải pháp, có phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, không để anh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu chung.

Bản tin Covid-19 ngày 18.9: Cả nước 9.373 ca nhiễm mới | Vắc xin của Cuba được phê duyệt khẩn cấp

Truy vết lô thanh long dương tính

Trước đó, ngày 30.7.2021, Cục Thương vụ và quản lý cửa khẩu TP.Đông Hưng cũng gửi công văn sang tỉnh Quảng Ninh cho biết, lô hàng thanh long có mã trồng VN-BTHOR-0055 do nhà máy VN-BTHPH-157 (cũng xuất xứ từ Bình Thuận) cho kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Do vậy, phía Trung Quốc đã tạm dừng làm thủ tục xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào nội địa từ ngày 30.7 đến ngày 6.8.2021.
Theo ký hiệu lô hàng mà phía Trung Quốc gửi sang cho Quảng Ninh (ngày 13.9), lô hàng “nhiễm Covid-19 trên bề mặt bao bì” này được đóng gói lại cơ sở đóng gói Luân Luân, thôn Phú Sung, xã Hàm Mỹ, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Chiều 17.9, trả lời PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Biện Tấn Tài, cho biết phía Trung Quốc chỉ thông báo như vậy, không cung cấp chứng cứ. Sở Công thương Bình Thuận đã liên hệ với H.Hàm Thuận Nam thì biết được cơ sở đóng gói Luân Luân đã không còn hoạt động. "Như vậy, nhiều khả năng sẽ có cơ sở nào khác "mượn" mã đóng gói của cơ sở Luân Luân để xuất khẩu thanh long. Hiện chúng tôi đang liên lạc lại với phía Quảng Ninh để xem lại xe container xuất thanh long này là của công ty nào để tìm hiểu cụ thể nhằm có hướng giải quyết để báo cáo UBND tỉnh", vị cán bộ này nói.
Trả lời Thanh Niên chiều cùng ngày, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Phan Văn Tấn, cho biết đơn vị này đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và UBND H.Hàm Thuận Nam kiểm tra cụ thể ai là chủ cơ sở đóng gói xuất khẩu này để làm rõ nguyên nhân có hay không bao bì bị nhiễm vi rút SARS CoV-2 như phía Trung Quốc đã thông báo.

Xe container chở thanh long đang nằm chờ làm thủ tục thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

CTV

Mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc

Ngày 16.9, Sở Công thương Bình Thuận đã báo cáo UBND tỉnh này về nội dung phiên họp giữa Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Bình Thuận (được mời tham dự) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương chủ trì).
Tại cuộc họp này, Tham tán thương mại tại nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ… đã chia sẻ thông tin đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Bình Thuận về thị trường tiêu thụ, đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp  từ phương thức trồng trọt, xử lý, bảo quản và vận chuyển đến các thị trường này (xuất hợp đồng chính ngạch) sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Hiện đã có các nhà nhập khẩu ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm và kết nối với một số doanh nghiệp của Bình Thuận để đưa thanh long vào siêu thị ở các thị trường khó tính này.
 

Để kiểm soát dịch Covid-19, phía Trung Quốc yêu cầu phải giao xe cho tài xế Trung Quốc lái vào nội địa. Tuy nhiên khi trả xe cho tài xế Việt Nam thì xe bị hư hỏng nhưng không ai chịu trách nhiệm

XUÂN HIỀN

UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ địa phương tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc; kết nối vùng, hỗ trợ tiêu thụ nội địa và chế biến sản phẩm từ trái thanh long. Để tránh dồn ứ, Bình Thuận đang chỉ đạo quy hoạch lại vùng thanh long VietGap (thanh long sạch) và khoanh chia vùng sản xuất, tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt tại một thời điểm.
Theo Sở Công thương Bình Thuận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu thanh long tiểu ngạch tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc gần đây luôn gặp khó khi nước này tăng cường các biện pháp phòng dịch. Theo đó, các cửa khẩu như Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Thiên Bảo (giáp Hà Giang) tạm dừng thông quan. Do đó lượng xe chở thanh long đều đổ dồn về cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn, trong khi công suất của cửa khẩu này chỉ đạt 100-130 xe/ngày, khiến hàng hóa ứ đọng. Ngoài kiểm soát dịch Covid-19, phía Trung Quốc còn kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm, nên việc thông quan trở nên ách tắc hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.