Cán bộ, trí thức cũng bị thao túng tâm lý
Ngồi trước mặt chúng tôi là bà D.B.Y, ngụ Q.Bình Tân (TP.HCM), từng giữ vị trí quan trọng trong một ngân hàng, nhưng giờ lại là nạn nhân của một vụ lừa đảo trực tuyến. Trong lúc kể lại câu chuyện của mình, bà Y. không ngừng trách bản thân ngu muội, u mê.
"Tôi như bị bỏ bùa mê, bị thôi miên, dẫn dụ lúc nào không hay. Ban đầu họ nói tôi được trúng thưởng, sau đó dụ tôi mua hàng để được nhận phần quà này, hàng mua rồi sẽ được họ lấy lại. Tôi chuyển cho họ tổng số tiền hơn 100 triệu đồng nhưng chờ hoài không thấy ai đến lấy hàng, liên hệ lại số điện thoại đã gọi thì nhân viên bảo rằng phải chuyển thêm 7 triệu đồng nữa để thanh toán tiền xe. Tới lúc đó tôi vẫn như mơ ngủ, họ nói sao cứ nghe theo như vậy, có lẽ họ đã quá chuyên nghiệp trong việc lừa đảo nên biết cách thao túng để dẫn dụ người khác làm theo.
Tôi không còn tiền nhưng định vay mượn thêm để chuyển khoản cho họ. Người bạn của tôi khi nghe được câu chuyện đã khuyên ngăn và khẳng định cho dù có chuyển thêm tiền thì cũng không có xe nào tới chở hàng về đâu. Đến lúc này tôi mới hoảng hốt nhận ra đã bị lừa, tôi không có khoản thưởng nào mà còn gánh thêm món nợ 100 triệu đồng", bà Y. nói.
Anh L.M khi kể lại câu chuyện xảy ra trong gia đình mình vẫn không hiểu vì sao bác anh lại u mê nghe theo nhóm lừa đảo để đến nỗi phải bán cả nhà, đất. "Tôi nghĩ họ đã thao túng tâm lý đối tượng, khiến cho nạn nhân lao vào như thiêu thân. Vì bác tôi là người rất tiết kiệm, đến sử dụng điện trong nhà cũng rất nguyên tắc. Nhưng từ sau dịch Covid-19 đến nay bà đã mất mấy tỉ đồng vì tham gia đầu tư trên Telegram", anh L.M nói và kể tiếp, bác anh là PGS-TS trong lĩnh vực lịch sử, đã về hưu nhưng vẫn làm công tác nghiên cứu. Cả đời bà chưa từng đầu tư gì nhưng tình cờ bị lôi kéo vào nhóm đầu tư trên Telegram, sau đó là bị dụ dỗ để rồi chỉ trong vòng vài năm bà phải bán cả nhà, đất dưỡng già để trả nợ. Tổng cộng, bà chuyển cho các đối tượng lừa đảo gần chục tỉ đồng.
Lên mạng nhờ đòi 6 triệu đồng bị lừa, mất thêm 600 triệu đồng
Tại tọa đàm "Chiến lược và giải pháp ứng phó với lừa đảo trực tuyến năm 2024" được tổ chức mới đây, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc cao cấp an ninh thông tin Chứng khoán Techcombank Securities, thừa nhận: "Nhiều khách hàng, nhà đầu tư của công ty dù có nhiều kinh nghiệm trong việc giao dịch chứng khoán nhưng vẫn mắc bẫy các kịch bản lừa đảo trực tuyến. Đáng nói là khi bị lừa đảo, họ như bị thao túng tâm lý, thôi miên, làm theo đề nghị của đối tượng không chút nghi ngờ".
Theo cơ quan an ninh mạng, bắt đầu từ việc thu thập thông tin cá nhân tham gia đầu tư chứng khoán, các đối tượng liên hệ qua điện thoại để dẫn dụ vào chiêu trò thao túng tâm lý. Tại đây, nạn nhân được các đối tượng giải thích do các quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi, hợp pháp đã liên kết với các công ty chứng khoán nên được hỗ trợ và có ưu đãi cao; hoặc là doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu cho người lao động và mời chào nạn nhân mua lại suất cổ phiếu của cán bộ công nhân viên đó với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường…
Nhằm tạo niềm tin, các đối tượng đã cung cấp cho nạn nhân các giấy tờ pháp lý của quỹ đầu tư như: Giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư do Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp, giấy phép kinh doanh hoạt động, giấy chứng nhận của ngân hàng giám sát… và tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty, quỹ đầu tư, với những lời hứa hẹn lãi suất cao, nếu thua lỗ thì sẽ được đền bù và giá mua các mã cổ phiếu qua các quỹ đầu tư sẽ có ưu đãi từ 15 - 30% so với giá đang giao dịch. Những thông tin mà các đối tượng đưa ra, các nạn nhân dễ dàng tra cứu, tìm thấy thông tin trùng khớp trên mạng internet và ngay lập tức tin tưởng vào những giấy tờ pháp lý mà các đối tượng đưa ra.
Đã có nhiều nạn nhân tin vào những hứa hẹn của các đối tượng, nạp tiền vào ứng dụng và liên tục có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận gấp nhiều lần trong một vài phiên giao dịch đầu tiên. Thực tế, đây là thủ đoạn tạo các giao dịch ảo để tạo niềm tin, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân gửi thêm tiền vào tài khoản đầu tư. Tuy nhiên, khi nạn nhân muốn rút tiền thì các đối tượng sẽ tìm đủ lý do để báo lỗi không cho rút. Nạn nhân do đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản nên rất dễ bị thao túng tâm lý, phải chuyển thêm tiền nếu không sẽ bị mất số tiền đã nạp trước đó. Khi phát hiện ra bị lừa đảo thì các đối tượng đã xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm trên mạng xã hội và chặn liên lạc với nạn nhân.
Nhiều người mất tiền mới bừng tỉnh, cho rằng mình bị thao túng tâm lý dẫn đến u mê, nhất nhất làm theo kẻ xấu. Thực tế, chỉ là do thiếu cảnh giác, lòng tham cộng với tâm lý gỡ gạc khiến các nạn nhân ngày càng lún sâu vào vòng xoáy do đối tượng lừa đảo tạo ra mà thôi.
Dàn cảnh hù dọa
Là nạn nhân từng bị cuộc gọi giả mạo lừa đảo gây thiệt hại gần 4 tỉ đồng, ông L., ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể: "Tôi nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ 0947..., đối tượng tự xưng là "cán bộ Công an TP.Thủ Đức", thông báo có giấy triệu tập của TAND TP.Đà Nẵng vì liên quan đến vụ án ma túy. Sau đó, người này nối máy cho tôi nói chuyện với "cán bộ Công an TP.Đà Nẵng", "cán bộ" này tiếp tục hù dọa, nói rằng số tài khoản của tôi liên quan đến một đường dây rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu phải làm theo hướng dẫn của họ. Sau đó, họ giả mạo sắc phục công an, tiếp tục gọi video yêu cầu tôi tải ứng dụng trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam. Họ làm như thật, có hình ảnh và không gian xung quanh bố trí rất bài bản. Tôi lo sợ nên họ bảo gì cũng làm theo".
Giải thích nguyên nhân khiến mình bị sập bẫy, ông L. nhớ lại: "Họ rất đông người, tổ chức và có kịch bản ăn khớp. Những người này diễn rất sâu, giống như thật nên ai mất cảnh giác sẽ bị lôi cuốn đi theo ý đồ của họ". Chỉ trong 1 ngày, ông L. đã thực hiện tất toán 5 sổ tiết kiệm của mình và của cả mẹ ông với số tiền 3,6 tỉ đồng theo hướng dẫn của "nhóm công an" giả mạo. Sau đó, ông L. phát hiện mình bị lừa nên tới công an trình báo.
Tương tự, bà P. (68 tuổi, trú Hà Đông, Hà Nội) bị lừa số tiền lên đến 15 tỉ đồng. "Nếu họ chỉ nói miệng thôi thì chưa chắc tôi đã tin, nhưng đây là một tổ chức chuyên nghiệp, họ giả mạo cả không gian làm việc, sử dụng cảnh phục giả mạo, và có nhiều người xung quanh cùng nhập vai, phối hợp để hù dọa nên rất giống thật", bà P. ấm ức kể về lý do đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền 15 tỉ đồng để chứng minh sự trong sạch của mình. Sau đó, bà P. biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Nhiều người mất tiền mới bừng tỉnh, cho rằng mình bị thao túng tâm lý dẫn đến u mê, nhất nhất làm theo kẻ xấu. Thực tế, chỉ là do thiếu cảnh giác, lòng tham cộng với tâm lý gỡ gạc khiến các nạn nhân ngày càng lún sâu vào vòng xoáy do đối tượng lừa đảo tạo ra mà thôi.
Bình luận (0)