Phát hiện thú vị về vua Gia Long và những kế sách ngoại giao khôn ngoan

06/10/2020 18:27 GMT+7

Tác phẩm Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của giáo sư Nguyễn Quốc Trị - vừa nhận giải thưởng Sách Hay lần thứ 10 ở hạng mục Sách phát hiện, đã có những phát hiện rất thú vị về vua Gia Long với những kế sách ngoại giao khôn ngoan, linh hoạt.

Hoàn cảnh nước Việt Nam khi đó, theo tài liệu nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Quốc Trị mô tả trong sách: “Từ thời các Chúa cho đến sau khi vua Gia Long lên ngôi vào đầu thập niên 1780, Xiêm La là một nước chư hầu của Trung Hoa như Việt Nam, và thường thù nghịch, tranh giành với nước ta. Sau khi thua Tây Sơn và rút lui về miền Hậu Giang, Nguyễn vương sai ông Nguyễn Hữu Thụy mượn đường Chân Lạp sang Xiêm cầu viện nhưng phái đoàn bị quân của Chân Lạp ngầm theo Tây Sơn giết chết. Mùa thu năm 1782, ông Châu Văn Tiếp mang quân từ miền Trung vào lấy lại Gia Định và rước Vương về ở đó”.

Minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử

Ảnh: T.L

Tình thế khi ấy vô cùng nhiễu nhương, chi bằng nên bang giao và kết thân với nước Xiêm thì may ra. Sách đã dẫn cho biết: “Vương" thấy giặc Tây Sơn lòng lo lắm, dụ cho các tướng rằng: Giặc nay dẫu thua, sang xuân hẳn lại vào cướp. Ta quân yếu tướng ít thì lấy gì mà chống? Kế sách ngày nay không gì bằng kết hảo với nước Xiêm để nhờ giúp đỡ khi hoãn cấp. Rồi cho “chế hoa vàng hoa bạc”, sai Cai cơ Lê Phúc Điển và Tham mưu Lê Phúc Bình sang Xiêm thông hiếu”.

Không phải tốn viên đạn vẫn lấy lại được vùng Hà Tiên, Ba Thắc

Sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn (do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) kể: "Theo chính sử Xiêm, hè năm 1793, triều đình Cảnh Thịnh của Tây Sơn gởi phái đoàn mang hiến nhiều quà cáp hậu hĩ để yêu cầu Vọng Các (Bangkok ngày nay) bắt giữ Nguyễn Ánh trong trường hợp bị đánh bại chạy trốn sang nhưng Vọng Các khéo léo dùng lý do nhân đạo… từ chối. Thái độ thân hữu của Xiêm đối với Nguyễn vương, chống lại nhà Tây Sơn miêu tả chi tiết trong Thực lục: 'Vua Rama vẫn muốn tiếp tục lập những vùng tự trị nhỏ trực tiếp thần phục mình, như nới rộng và đặt vùng Hà Tiên dưới quyền con cháu Mạc Thiên Tứ vào mục đích đó'. Vì vậy, cuối xuân năm 1792, nhân dùng quyền thượng quốc, vua Xiêm có thư đòi Nguyễn vương đưa quân đi theo miền thượng đạo đánh Tây Sơn để báo thù cho nước Vạn Tượng: đem Long Xuyên và Kiên Giang cho Mạc Công Bính, và đem Bassac (Ba Thắc) cho Chân Lạp. Nhưng Vương sai viết thư khéo léo từ chối để mặc cả: không đưa quân qua Lào bằng cách đề nghị rằng mình đánh Quy Nhơn, còn Xiêm đánh Nghệ An; chưa cho Mạc Công Bính thêm vùng Long Xuyên và Kiên Giang được là vì y còn nhỏ chưa đối phó được với những khó khăn đó thôi; và không cho Chân Lạp đất Bassac được 'là vì có Chiêu Chùy Biện (vị quan người Campuchia, sau này là một thống đốc trong triều đình Xiêm - PV). Nếu được người khác của Xiêm đến thì quả nhân nào có tiếc gì' ".
Vì thấy thế và lực chưa đủ mạnh, tháng 9.1792, Vương sai sứ sang Xiêm báo tin thắng trận ở Quy Nhơn và “đưa bọn giặc biển Tề Ngôi đã bắt được sang”, đồng thời “tặng Phật vương và đường cát”. Để được lòng vua Xiêm, vua Gia Long còn nhiều lần đã trợ giúp rất đắc lực vua Xiêm chống lại sự xâm lăng của các nước khác, tặng biếu hoặc cho phép bán gạo khi dân Xiêm đói, và cung cấp khí giới, đóng chiến thuyền cho Triều đình Xiêm đánh giặc.
Việc hữu hảo được chính sử kể lại rằng: "Việc sai sứ mang cây vàng cây bạc tặng vua Xiêm, nhưng không bao giờ nói rõ ý nghĩa của nó là một sự thần phục". Vì vậy với sự cống hiến nhiều lần, đất Hà Tiên biến thành vùng tự trị thần phục cả vua Xiêm lẫn vua Việt nhưng dần dà đã vĩnh viễn trở lại thành đất Việt. “Tự đặt vào địa vị của một chư hầu, Nguyễn vương đã gạt bỏ được một kẻ thù là Chiêu Chùy Biện và đem vua cũ là Nặc Ấn mà Vương từng ủng hộ, trở lại làm vua Chân Lạp, biến nước thù nghịch thành đồng minh, cùng nằm trong hệ thống quốc gia lớn là mandala Xiêm La”, sách đã dẫn khẳng định.

Lăng vua Gia Long (Thiên Thọ Lăng)

Nguồn: www.khamphahue.com.vn

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị thông tin thêm nhiều chi tiết độc đáo: “Vào thu năm 1811, vua Gia Long cho Hà Tiên là “nơi trọng yếu ngoài biên” nên sai hai vị quan “biết rõ tình trạng biên cương” là Trương Phúc Giáo và Bùi Đức Miên đi làm Trấn thủ và Lưu thủ. Một năm sau, nước Xiêm mang 5 đạo quân đánh xuống Cao Miên để đưa em vua Miên Nặc Chăn là Nặc Nguyên lên thay anh hoặc làm vua thứ hai cai trị một phần lãnh thổ. Vua Nặc Chăn bỏ thành La Bích chạy về Nam Vang, may gặp quân Việt của Trấn thủ Định Tường Nguyễn Văn Thụy đến cứu đưa về Gia Định. Vua cho xây phiên cho vua Miên ở, hạ lệnh trưng dụng hương binh ở Gia Định, chia làm 35 cơ, và sai các tỉnh giáp giới với Chân Lạp thăm dò tình hình động tĩnh của người Xiêm, bổ Tả quân Lê Văn Duyệt vào làm Tổng trấn Gia Định mang theo 3.000 quân tinh nhuệ. Người Xiêm sợ, liền cho phái bộ đến giải thích là chỉ tìm cách giải quyết sự bất hòa giữa các anh em vua Cao Miên, nhưng vua Miên đã hiểu lầm, mang gia quyến sang Gia Định nhờ sự che chở nên mọi việc giờ xin triều đình xếp đặt. Vua liền cho viết thư trả lời, hẹn sai sứ của cả hai nước cùng đưa vua Nặc Chăn về và giải thích không muốn cho vua Nặc Chăn cùng nước Xiêm mất hòa khí. Tới khi sứ Xiêm sang dâng phẩm vật và xin “hồi hương” vua Nặc Chăn, với lời lẽ thuận thảo, vua cho vời sứ giả khoản đãi trọng vọng và tặng cho Phật vương cùng vua thứ hai 60 lạng vàng cùng 800 lạng bạc, nhưng vẫn không có cây vàng cây bạc như trước”.
Như vậy, rõ ràng trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” giữa thù trong giặc ngoài mà vua Gia Long không phải tốn một viên đạn vẫn lấy lại được vùng Hà Tiên, Ba Thắc, tái lập ảnh hưởng ở Chân Lạp và Ai Lao (Lào), cũng như đạt được sự trợ giúp mạnh mẽ của nước Xiêm chống lại nhà Tây Sơn trong lúc dầu sôi lửa bỏng.
Từ nhiều bằng chứng và tư liệu dày công có được, GS Nguyễn Quốc Trị khẳng định: “Sự thắng lợi của đường lối hạ mình để biến kẻ đối thủ thành đồng minh đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng của vị vua sáng lập ra nhà Nguyễn. Một kế sách khôn ngoan khai thác mô thức bang giao trong vùng Nam Á chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, Ba Tư để tồn tại và lớn mạnh. Nó sâu sắc tinh vi và hiệu nghiệm rất nhiều hơn là một sự “cõng rắn cắn gà nhà” mà sử sách thời thuộc địa trước đây đã ‘đóng đinh' cho vua Gia Long”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.