Thậm chí tại một số nơi, người dân đã có đơn thư khiếu kiện gay gắt cho rằng bị ảnh hưởng nặng của điện từ trường và kiến nghị được đền bù để di dời khỏi hành lang lưới điện. Thanh Niên đã phỏng vấn ông Hồ Anh Dũng, Ban Kỹ thuật an toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này.
* Thưa ông, đã có vấn đề gì xảy ra với người dân sống trong khu vực hành lang lưới điện 220 kV mà ngành điện đã hoặc đang triển khai?
- Ông Hồ Anh Dũng: Sự việc mới xảy ra trong mấy tháng nay sau khi có những thông tin về tình trạng bị "nhiễm điện", có tin có cả những ngôi làng "nhiễm điện"... trong hành lang lưới điện 220 kV. Ví dụ như tuyến đường dây trên không 220 kV Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên. Đường dây này đi qua 324 nhà dân trong đó có 27 hộ phải di dời, còn lại 301 hộ vẫn đủ điều kiện tồn tại trong hành lang lưới điện 220 kV. Từ tháng 4.2007 khi đường dây đi vào vận hành, có 37 hộ dân có đơn thư khiếu kiện, cho rằng sức khỏe của họ bị giảm sút, hay đau đầu, chóng mặt, lo sợ bị nhiễm bệnh, mất an toàn và đề nghị được di dời khỏi hành lang lưới điện. Một số nơi khác, người dân cũng có ý kiến tương tự, gây khó khăn lớn cho việc triển khai xây dựng, kéo đường dây điện 220 kV cũng như công tác quản lý, vận hành lưới điện cao áp của ngành điện. Người dân tỏ ra lo lắng trước các hiện tượng dùng bút thử điện chạm vào người thì thấy có đèn báo đỏ hay chạm vào dây phơi quần áo, đồ vật kim loại có hiện tượng bị tê, giật... Nhưng thực sự là tất cả những điều này không gây ra một mối nguy hại gì cho sức khỏe, vì cường độ dòng điện cảm ứng đều trong phạm vi cho phép.
* Vì sao có những hiện tượng đáng lo ngại trên mà EVN vẫn khẳng định là trong phạm vi an toàn cho phép? EVN đã có kiểm tra thực tế và đối chiếu với quy định hiện hành không để khẳng định là điện từ trường trong hành lang lưới điện không ảnh hưởng đến sức khỏe con người?
- Một số nơi người dân cho rằng mình bị nhiễm điện hay cả làng bị nhiễm điện... với bằng chứng là dùng bút thử điện chạm vào người thấy đèn báo thì thực sự là ngộ nhận. Hiện nay, có những loại bút thử, thông mạch (ông Dũng dùng một số loại bút này chứng minh), đối với bút thử điện (không lắp pin) sáng, bên trong có lắp 1 điện trở dùng để hạn chế dòng điện qua bóng đèn và 1 bóng đèn để phát sáng. Trị số điện trở vào khoảng 560 kW để khi ta kiểm tra điện áp 220V thì dòng điện này phải nhỏ hơn 0,5mA, là giá trị ngưỡng dòng điện cảm giác. Dòng điện làm cho bút thử điện sáng vào khoảng 0,1mA. Giá trị cường độ dòng điện này chưa gây ra cho con người cảm giác có dòng điện truyền qua mình, nên không thể gây ảnh hưởng cho con người. Với bút thử thông mạch, bên trong có mạch khuếch đại, và có nguồn pin 3V để đi-ốt quang phát sáng. Nhờ đó bút chỉ cần một dòng điện qua bút rất nhỏ, cũng sẽ làm cho bóng đi-ốt quang phát sáng. Nên khi người một tay cầm bút thử thông mạch chạm vào tay kia của mình thì bút đã phát sáng. Nhờ độ nhạy cao của bút thử thông mạch, nên khi ta dùng bút này chạm vào vỏ nhựa của dây điện, nếu bên trong có điện (điện áp) thì bút đã sáng, không cần phải chạm vào phần mang điện như bút thử điện thông thường nêu trên. Nếu ta đưa bút thử thông mạch đến gần màn hình vi tính, do cường độ trường điện từ của màn hình máy vi tính, bút thử cũng sáng. Các kết quả nghiên cứu trong hơn 10 năm trở lại đây ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, điện từ trường của đường dây cao áp có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng chỉ khi con người sống trong vùng có điện từ trường vượt quá giới hạn cho phép.
Năm 2005, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 106/2005/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Theo nghị định, nhà ở và công trình được tồn tại trong hành lang lưới điện cao áp đến 220 kV nếu đáp ứng các điều kiện như: cường độ điện trường nhỏ hơn hoặc bằng 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất 1 mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà, cách mặt đất 1 mét; khoảng cách từ bất cứ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất (tĩnh) không được nhỏ hơn 6m...
Chúng tôi đã tổ chức đi đo đạc lại ở tất cả các khu vực, các tỉnh, thành phố nơi người dân có ý kiến thì kết quả cho thấy cường độ điện trường và khoảng cách từ dây dẫn đến nhà ở, công trình của dân vẫn đủ điều kiện để tồn tại trong hành lang lưới điện mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Gần đây, khi chứng kiến chúng tôi và đại diện nhiều cơ quan khác như Viện Khoa học bảo hộ lao động, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công thương, Viện Năng lượng... trực tiếp đo đạc và giải thích thì cũng đã có nhiều hộ dân ở Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Phòng đồng tình và chấp thuận cho chúng tôi tiếp tục triển khai đường dây 220 kV. Nhưng đáng tiếc là ở một số nơi, người dân vẫn có khiếu kiện.
Mạnh Quân
(thực hiện)
Bình luận (0)