Thông tin này vừa được Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (UB TCNSQH) nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sáng 29.6.
UB TCNS đánh giá các chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2009 đã “đem lại kết quả tích cực, kinh tế phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội…”.
Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tích cực nói trên, ủy ban này cũng đồng thời chỉ ra hàng loạt bất cập, sai sót trong việc sử dụng, quản lý ngân sách phục vụ cho việc kích cầu kinh tế. Chẳng hạn, chính sách miễn, giảm, giãn thuế còn mang tính bình quân, chỉ tác động đến DN có thu nhập, có lãi, còn nhiều DN sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn kinh doanh thua lỗ cần được hỗ trợ nhưng không được hưởng chính sách ưu đãi này, nhất là với DN nhỏ và vừa, nên chưa đảm bảo tính công bằng và mục tiêu của chính sách.
Về giải pháp kích cầu đầu tư với gói kích cầu khoảng 76.000 tỉ đồng, bên cạnh mặt tích cực đã bộc lộ những bất cập như “việc phân cấp mạnh trong quản lý đầu tư và cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ nhưng nhiều dự án chưa được chuẩn bị tốt, chưa căn cứ vào khả năng ngân sách, chưa có cơ chế quản lý, cơ chế trách nhiệm phù hợp, nên không ít trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn do mở rộng quy mô dự án”.
Hạn chế khác là đã bổ sung nhiều hạng mục không đúng mục tiêu của chương trình, đầu tư dàn trải, nợ đọng lớn và tăng số công trình dở dang, tạo áp lực đối với Ngân sách T.Ư. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy cuối năm 2009, tổng mức đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã điều chỉnh lên 390.000 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu trình QH trong cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện giai đoạn tới.
Dùng hỗ trợ lãi suất rồi đem gửi tiền
Về chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS), tính đến ngày 31.12.2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là 385.681 tỉ đồng, số tiền phải hỗ trợ lãi suất là 11.178 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển tiền HTLS cho các ngân hàng thương mại, công ty tài chính là 6.218 tỉ đồng (tương đương 363,8 triệu USD).
Theo đánh giá của UB TCNS, bên cạnh mặt tích cực, chính sách HTLS năm 2009 mới tác động trên phạm vi hẹp, chưa thực sự bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ theo dự kiến, còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, trong thực tế đã cho vay cả DN thừa vốn, sử dụng vốn sai mục đích, cho vay trùng lắp đối tượng, các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn này còn hạn chế.
“Việc mở rộng về đối tượng, kéo dài thời gian là chưa thực sự hợp lý, trong khi với mục tiêu kích cầu chỉ trong ngắn hạn, nhưng dự kiến phải kéo dài đến năm 2012 mới hoàn thành và kết thúc chương trình cho vay này. Không ít trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi, vay vốn HTLS rồi chuyển sang tiền gửi”, Chủ nhiệm UB TCNS, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Cụ thể của sự “trục lợi” này được UB TCNS dẫn chứng bằng số liệu trong báo cáo ngày 26.5.2011 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, các ngân hàng thương mại còn bộc lộ sai phạm, HTLS cho các khoản vay để kinh doanh hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ nhập khẩu; cho vay và HTLS đối với các khoản vay đã được vay và được hỗ trợ lãi suất tại các ngân hàng khác với tổng doanh số cho vay 18 tỉ; cho vay HTLS để mua hàng nhưng không có hàng với số tiền 18,2 tỉ đồng…
Phát biểu tại phiên họp TVQH sáng 29.6 về tình trạng chi tiêu ngân sách năm 2009 vừa qua, nhiều ý kiến đều chung nhận định: kỷ cương, kỷ luật về chi ngân sách chưa được thực hiện nghiêm và thực trạng này kéo dài hàng chục năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng kỷ luật, kỷ cương ngân sách không được chấp hành nghiêm túc, từ tầm vĩ mô đến vi mô.
Chiều nay, Chính phủ cũng vừa trình TVQH đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị năm 2012 xây dựng 52 dự án luật, pháp lệnh, gồm 33 dự án thuộc chương trình chính thức (30 luật, 3 pháp lệnh) và 19 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị (17 luật, 2 pháp lệnh). Theo đề xuất của Chính phủ, có 3 dự án pháp lệnh sẽ trình QH thông qua trong năm 2012.
Bảo Cầm
Bình luận (0)