"Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Thật đáng quý. Ông Huỳnh Văn Thái ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát (Bình Dịnh) có vợ bị bệnh hiểm nghèo, rưng rưng nước mắt khi nhận số tiền thiện nguyện. "Ai cho vợ tui vậy chú?". "Dạ! Là cô họa sĩ Minh Tú ở Hà Nội!". Ông Năm Tuấn, một người độc thân bị biến chứng bệnh tiểu đường rụng cả ngón chân, phải đi ăn xin ngoài chợ, cũng ngạc nhiên hỏi như vậy, khi nhận được quà của "cô họa sĩ Hà Nội". Họ đều ngạc nhiên thốt lên. "Sao cổ ở xa mà biết tụi tui khổ cực vậy?".
Năm 2022, nhân đọc bài báo "Cuộc sống hoang dã của cặp đôi bị làng đuổi" in trên báo Phụ nữ TP.HCM, cô họa sĩ lại liên hệ với chúng tôi, khi biết cặp vợ chồng người Bana đó sống trong khu rừng gần nhà tôi. Đôi vợ chồng trẻ vì vi phạm luật tục hôn nhân của cộng đồng người Bana nên bị đuổi khỏi làng, phải dắt nhau vô rừng sâu, dựng lều để ở. Rồi họ sinh ra một bé trai, giữa cảnh núi rừng hoang vu, không điện nước, thiếu thốn mọi điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Món quà đầu tiên chúng tôi vượt rừng đem tới cho họ là bao gạo nhỏ và thùng quần áo từ thiện. Thấy người lạ vô tìm, họ còn trốn vô rừng, mãi sau mới dám đi ra. Đợt đó, chiếc lều tranh nhỏ của hai vợ chồng trẻ bị cháy mất. Cô họa sĩ biết tin, gửi cho tiền mua tôn làm nhà và tiền sữa cho bé trai. Nghe lời khuyên của dân làng, vợ chồng người Bana ra khỏi rừng, chọn một mảnh đất gần suối nước, dựng nhà ở. Họ phát rẫy trồng mì, trồng bắp, đi xuống các thôn làng tìm việc làm thuê. Căn nhà sàn nhỏ lợp tôn nằm trong vườn điều, đủ sức che mưa nắng cho ba con người. Giờ có ai hỏi thăm, chị Đinh Thị Nhiên chủ nhà đều nói: "Nhà cô Tú cho đó!".
Ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu đất ven rừng núi Một, đầy nắng gió và tiếng chim hót, nhưng vắng vẻ, ít người qua lại. Lâu lâu mới có người lên núi, thăm rừng ghé qua, nghỉ chân. Buổi tối mới thật cô quạnh. Cả nhà tranh thủ ăn cơm từ lúc còn ánh mặt trời rồi đi ngủ sớm. Cây đèn dầu nhỏ cũng hạn chế thắp để tiết kiệm dầu. Bất ngờ một ngày, họa sĩ Minh Tú nhắn tin hỏi chúng tôi về cuộc sống của gia đình người Bana trên núi. Đành phải làm một chuyến lên núi để có câu trả lời chính xác, dù lúc ấy, Minh Tú đang bận rộn chuẩn bị cho một cuộc triển lãm tranh.
Một buổi chiều tháng tư oi ả, chúng tôi đến nhà khi hai người lớn đi làm, chỉ còn hai đứa trẻ. Bé chị ngồi quạt phe phảy chiếc nón cho thằng em 2 tuổi ở trần nằm ngủ lăn lóc. Họa sĩ Minh Tú rất xúc động khi thấy hình ảnh thằng bé con nằm ngủ giữa nhà. Cô hứa trong triển lãm này, bức tranh nào bán được, sẽ gửi hết cho gia đình người Bana kia.
Sống giữa thủ đô hoa lệ, cô không tưởng tượng nổi cuộc sống của đứa trẻ giữa rừng hoang với bao sự thiếu thốn, nguy hiểm rình rập. Họ đang thiếu ánh sáng! Một ý tưởng chợt loé lên trong đầu cô: "Anh chị ơi! Mình có thể mua tặng họ chiếc đèn năng lượng mặt trời không?". Chúng tôi đã tìm được một tiệm điện bán loại đèn này. Cuối tháng tư, họa sĩ Minh Tú vui mừng báo tin đã bán được bức tranh nhỏ 3 triệu đồng. Cô lập tức chuyển tiền cho chúng tôi và hành trình đem ánh sáng lên rừng bắt đầu. Số tiền đủ mua được 2 chiếc đèn năng lượng và một số vật liệu sắt thép. Trụ đèn phải hàn sẵn, khoan lỗ ốc vít rồi mới chở lên núi. Anh Bảy Thanh, thợ cơ khí gần nhà chúng tôi cũng rất quan tâm đến vụ này. Anh tình nguyện đi kiếm cây sắt, hàn và ráp trụ đèn. Chiều ấy chúng tôi xuất hành lên núi với lỉnh kỉnh trụ sắt, hộp pin mặt trời, xi măng…
Khi mọi việc xong xuôi, chúng tôi bật thử đèn và hướng dẫn gia đình cách sử dụng đèn năng lượng. Không thể tả niềm vui trong ánh mắt của những người sống giữa rừng. Một chiếc đèn mắc trong nhà, giúp họ có ánh sáng sinh hoạt ban đêm. Một chiếc nữa bắc ngoài sân, chiếu sáng khoảng đất rộng. Cô Nhiên chủ nhà vui mừng thốt lên: "Có cái sân sáng, buổi tối mình tranh thủ bào mì, tẽ bắp được rồi". Chúng tôi mở Zalo gọi cho họa sĩ Minh Tú ngoài Hà Nội, để cô trực tiếp thấy kết quả công việc. Cô Nhiên lần đầu tiên được nhìn thấy ân nhân của gia đình: "Chu cha ơi! Sao chị họa sĩ đẹp dữ. Em biết ơn chị nhiều". Hình như khoé mắt cô họa sĩ ngân ngấn nước…
Đợt nắng nóng mới đây, Minh Tú có gọi điện hỏi thăm và nhờ chúng tôi mua cho cháu bé người Bana chiếc quạt tích điện. "Nóng thế này, thằng bé ngủ trưa sao được", cô nói. Món quà quý bất ngờ xuất hiện như phép lạ, làm thằng nhỏ mừng rỡ ôm rịt lấy.
Cuộc sống của người nghệ sĩ, họa sĩ (như cô Minh Tú) có lẽ luôn bộn bề với công việc sáng tạo. Bên cạnh đó họ còn gánh nặng gia đình, là cha, mẹ, chồng, vợ... Vậy nhưng không ít người vẫn dành thời gian, tâm sức cho người nghèo, cho những thân phận cơ nhỡ, thiếu may mắn. Tấm lòng của cô họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Tú (P.Trung Liệt, Q.Đống Đa, Hà Nội) thật đáng trân trọng.
Bình luận (0)