Gần 2 thập kỷ trước, khi da giày - dệt may còn thống lĩnh thị trường xuất khẩu, nhiều chuyên gia đã ví von, hàng xuất khẩu càng nhỏ, giá trị càng cao. Các quốc gia phát triển chỉ cần bán một con chíp bán dẫn (vốn không thể thiếu trong cuộc sống, từ đồ gia dụng nhà bếp đến xe cộ, máy bay, thiết bị y tế, điện thoại, máy tính...), bằng chúng ta xuất khẩu rất nhiều quần áo, giày dép. Ví von này cho thấy khát vọng về thu hút FDI chất lượng cao của Việt Nam có từ rất sớm.
Chiến lược thu hút vốn FDI cũng “lọc dần”, ưu đãi mạnh hơn cho các công nghiệp, công nghệ thay vì cào bằng như trước. Bản đồ kim ngạch xuất khẩu nhờ thế cũng thay đổi thứ hạng. Xuất khẩu điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử nhiều năm nay vươn lên vị trí dẫn đầu, bỏ xa các ngành công nghiệp truyền thống thâm dụng lao động. Thế nhưng, phát triển công nghiệp bán dẫn trong nước thì vẫn xa xôi cho dù chúng ta đón Intel từ rất sớm, cho dù điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Rồi cuộc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch, chiến sự ở Ukraine, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách zezo-Covid (quét sạch F0 ra khỏi cộng đồng)... lại mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam khi một loạt các ông lớn công nghệ tuyên bố đầu tư vào thị trường nội địa để sản xuất chíp. Có điều, tham gia được vào sân chơi này hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Thực tế cho thấy, dù Việt Nam đón nhiều ông lớn công nghệ, mỗi ông lớn này kéo theo cả một hệ sinh thái để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng trong danh sách các nhà cung ứng linh kiện cho họ, hầu hết không có tên doanh nghiệp Việt.
Nguyên nhân chủ quan thì do chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của họ, khách quan thì các ông lớn này đều có quan hệ đối tác lâu năm nên chen chân vào cũng không dễ. Một số ít ỏi công ty tham gia được thì cũng chỉ ở phân khúc đơn giản, giá trị gia tăng thấp... Thế nên, doanh thu hàng trăm tỉ USD mà họ thu được nhờ thị trường nội địa, chúng ta hầu như không được chia phần. Mà đó mới chỉ là sản xuất thiết bị gia dụng, điện thoại... linh kiện bán dẫn còn ở một tầng cao hơn với những yêu cầu, điều kiện cao hơn về hạ tầng cơ sở, trình độ nhân lực, thủ tục đầu tư... Tất nhiên, đi kèm đó là giá trị mang lại cũng cao hơn.
Với lợi thế vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng, Việt Nam vẫn luôn được nhận định là điểm đến cho các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Vấn đề còn lại là chúng ta phải chủ động “dọn ổ” sẵn từ chính sách ưu đãi, chính sách phát triển ngành; công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực... Việc này không chỉ để đón “đại bàng”, mà còn biến Việt Nam trở thành đối tác hấp dẫn. Đặc biệt, khi đó vị trí, sức mạnh trong đàm phán của Việt Nam cũng tăng lên, có thể đặt những cái “giá” cao hơn cho các công ty muốn vào kinh doanh tại thị trường nội địa trong việc chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý, góp phần nâng cao năng suất lao động cho các doanh nghiệp nội thay vì chỉ dừng lại ở gia công và lắp ráp như hiện nay.
Bình luận (0)