Cơ hội cho lao động Việt trong khách sạn Nhật Bản

07/10/2019 08:30 GMT+7

Do thiếu nhân lực trong ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn, từ năm 2020, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động VN trong lĩnh vực này theo Chương trình 'lao động kỹ năng đặc định' với hạn visa 5 năm.

70% khách sạn, dịch vụ lưu trú thiếu nhân lực

Tại lễ ký biên bản ghi nhớ về tiếp nhận lao động VN trong ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) và Hiệp hội Các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryokan và khách sạn toàn Nhật Bản (Zenryoren) ngày 4.10, ông Tada Keisuke, Chủ tịch Zenryoren, cho biết Nhật Bản đang thiếu lao động ở tất cả các ngành nghề, đặc biệt ngành lưu trú, dịch vụ khách sạn đang thiếu đầu bếp, lễ tân, phục vụ nhà hàng, phục vụ phòng...
Ông Tada Keisuke bày tỏ: “Chúng tôi là một hiệp hội lớn nhất cả nước trong ngành lưu trú, dịch vụ khách sạn, với 15.000 hội viên trải khắp 47 tỉnh, thành. Trong đó, có tới 70% các nhà nghỉ, khách sạn đang thiếu hụt nhân lực. Vì vậy, chúng tôi chào đón các lao động VN đến làm việc trong ngành này”. “Ngoài trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách vô cùng quan trọng. Mới nghe thì rất khó, nhưng tôi khẳng định, với đức tính chịu khó học hỏi của lao động VN, khoảng 6 tháng các bạn có thể đáp ứng yêu cầu của chúng tôi. Với visa 5 năm làm việc tại Nhật, các bạn có thể học hỏi, vận dụng và phát triển nhiều hơn kỳ vọng. Sau này về nước, các bạn sẽ có tương lai rất tốt trong ngành dịch vụ khách sạn ở VN”, ông Tada Keisuke cho biết thêm.
Với chương trình này, phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn nhận lao động trẻ VN trong độ tuổi từ 20 - 30, tốt nghiệp trường ĐH, CĐ đào tạo về chuyên ngành du lịch, dịch vụ khách sạn. Ngoài ký kết với Bộ LĐ-TB-XH, mới đây Zenryoren cũng đã ký kết hợp tác với 9 trường ĐH, CĐ của VN để tìm nhân lực chất lượng cao, gồm các trường ĐH: Ngoại thương, Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Thương mại, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Viện ĐH Mở Hà Nội; các trường CĐ: Du lịch Hà Nội và Kỹ thuật công nghiệp.
Mức lương sẽ tùy từng vị trí và kinh nghiệm, nhưng khởi điểm là từ 200.000 - 230.000 yen (tương đương 40 - 46 triệu đồng).

Nguồn lao động ưu tú cho VN trong tương lai

Theo chương trình “lao động kỹ năng đặc định”, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tuyển 345.150 lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Trong đó, dịch vụ lưu trú khách sạn tuyển 22.000 lao động, xếp thứ 7 trong 14 ngành nghề tuyển dụng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng cho biết đây là cơ hội việc làm mới cho lao động VN sang làm việc tại Nhật Bản. Trên cơ sở bản ghi nhớ, nhằm cụ thể hóa và tạo điều kiện cho lao động đặc định VN sang Nhật Bản làm việc, Bộ đang xây dựng các phương án, thúc đẩy hoạt động hợp tác như lựa chọn các doanh nghiệp (DN); hướng dẫn và tạo điều kiện cho DN tìm kiếm các hợp đồng có các điều kiện đãi ngộ tốt...
Là DN VN đầu tiên ký kết với Zenryoren đưa lao động VN sang Nhật, ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hoàng Long CMS, bày tỏ: “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH để kết nối với các trường nghề đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho thật tốt. Chúng tôi sẽ cùng DN Nhật Bản tuyển chọn, giám sát và đánh giá chất lượng. Trước khi sang Nhật, lao động sẽ có thời gian đào tạo kỹ năng thực hành ít nhất trong 6 tháng bằng chương trình sát thực tế để bắt nhịp công việc được ngay”.
Theo ông Hưng, Nhật Bản đang rất cần nhân lực trong lĩnh vực lưu trú để chuẩn bị cho Olympic 2020. Vì vậy, DN đang xúc tiến chuẩn bị nhân lực, có thể bắt đầu đưa lao động sang Nhật vào đầu năm 2020. Với những lao động đi theo chương trình này, DN sẽ kết nối với các công ty du lịch, khách sạn giới thiệu việc làm sau khi về nước. “5 năm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao sẽ là cơ hội tốt để những lao động trẻ tích lũy kiến thức. Sau này quay trở lại làm việc tại VN, họ sẽ là những lao động ưu tú đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Hưng nói.
Cuối năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó cho phép tiếp nhận “lao động kỹ năng đặc định” người nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản kể từ ngày 1.4.2019. Theo đó, chỉ tiêu tuyển dụng lao động nước ngoài trong 14 ngành như sau: hộ lý chăm sóc người cao tuổi: 60.000 người, nhà hàng ăn uống: 53.000, xây dựng: 40.000, vệ sinh tòa nhà: 37.000, nông nghiệp: 36.500, thực phẩm: 34.000, lưu trú khách sạn: 22.000, công nghiệp rèn đúc: 21.500, đóng tàu: 13.000, ngư nghiệp: 9.000, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô: 7.000, hàn cơ khí: 5.250, điện và thông tin điện tử: 4.700, hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý: 2.200.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.