Cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển

07/08/2018 08:32 GMT+7

Mặc dù điểm chuẩn năm nay thấp nhưng vẫn nhiều thí sinh điểm cao mà chưa trúng tuyển đại học ngay trong đợt 1. Chưa kể, có không ít thí sinh dù trúng tuyển nhưng không đạt nguyện vọng như ý. Có còn cơ hội cho các trường hợp này?

Còn khoảng 30% chỉ tiêu
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, do điểm thi thấp nên điểm chuẩn năm nay thấp. Các trường có điểm chuẩn cao các năm trước giảm nhiều hơn so với các trường tốp giữa. Khối trường y dược giảm sâu, ở một số trường lên đến 6 điểm. Tuy nhiên, ngược lại, điểm chuẩn một số trường ĐH ngoài công lập cao hơn so với năm ngoái.
>>> Bạn đọc xem thêm điểm chuẩn 2018 TẠI ĐÂY
Có sự chênh lệch khá lớn năm 2017, 2018 điểm chuẩn của các trường ĐỒ HỌA: VÕ BA

Ngoài các trường đã xác nhận rõ ngay từ bây giờ sẽ xét tuyển bổ sung, phần lớn vẫn phải chờ các ngày tới xem tỷ lệ thí sinh (TS) nhập học thế nào để quyết định có xét tuyển nguyện vọng bổ sung hay không.
Xét tuyển bổ sung ở các trường ngoài công lập
Trường ĐH Duy Tân: Xét bổ sung 15% chỉ tiêu. Chỉ tiêu còn nhiều nhất ở khối kỹ thuật, môi trường, kiến trúc, xây dựng, nhân văn. Ngành du lịch chỉ tiêu dành cho liên kết quốc tế.
Trường ĐH Lạc Hồng: Một số ngành chưa đủ chỉ tiêu nên chắc chắn trường sẽ xét tiếp nguyện vọng bổ sung sau ngày 20.8. Những ngành vẫn còn nhiều chỉ tiêu như sinh học, xây dựng, môi trường, điện tử…
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Thí sinh đăng ký nhiều khối sức khỏe, du lịch, trong khi kinh tế và công nghệ vào trường lại ít hơn. Hiện nay khối kinh tế, công nghệ ở trường đang còn chỉ tiêu.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Có thể chỉ còn xét bổ sung khối ngành khoa học máy tính (20 - 30% chỉ tiêu). Tuy nhiên trường vẫn xét tuyển theo học bạ tất cả các ngành, riêng ngành kinh tế ít khả năng xét bổ sung.
Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn: Xét tất cả các ngành học.

Theo tiến sĩ Nghĩa, phải chờ sau ngày 12.8 mới biết được tình hình do tỷ lệ gọi TS nhập học của các trường “dôi” ra khá nhiều. Ngoài ra, nhiều trường cũng có các nguồn tuyển khác từ học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực… Chưa kể số lượng học sinh đi du học ngay khi thi THPT hiện nay rất đông... Tất cả những nguyên nhân này khiến nhiều khả năng nhiều trường vẫn xét tuyển bổ sung.
Tiến sĩ Nghĩa cũng cho biết tính về số lượng, sau đợt xét tuyển đầu tiên, các trường sẽ xét tuyển khoảng 70% chỉ tiêu. Các trường tốp trên, các ngành hấp dẫn gần như xét được 100% chỉ tiêu. Khoảng 30% chỉ tiêu còn lại tập trung ở các trường địa phương, tư thục hoặc các ngành không hấp dẫn.
Đã trúng tuyển, có được xét tuyển bổ sung?
Bên cạnh nhiều TS trúng tuyển vào nguyện vọng như ý vẫn còn không ít TS trúng tuyển bất đắc dĩ. Trường hợp này, liệu TS có được chuyển sang nguyện vọng yêu thích hoặc xét tuyển bổ sung?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng tham gia kỳ tuyển sinh năm nay, nguyên tắc đầu tiên là TS phải tuân theo “luật chơi”, phải thực hiện đúng quy định, chấp nhận kết quả đã đăng ký. Đó là cho phép TS đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng. Khi TS đã trúng tuyển thì dữ liệu không còn trên hệ thống để có thể quay trở lại xét tuyển vào trường/ngành khác.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn cho các TS đã trúng tuyển theo điểm THPT quốc gia vào một ngành/trường mình không yêu thích. TS không muốn trúng tuyển ngành đó thì có thể không xác nhận nhập học để tiếp tục xét tuyển bổ sung các trường khác. Thậm chí, với TS trong đợt tháng 4, không đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển thì trong đợt xét bổ sung vẫn có thể tham gia xét tuyển. Còn nếu đã xác nhận nhập học theo kết quả thi THPT quốc gia thì TS vẫn còn cách là xét học bạ THPT để tìm cơ hội khác.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng TS không nên “tính toán” quá nhiều để có khi dẫn đến kết quả là từ chối cơ hội đợt 1 nhưng vẫn không tìm được nguyện vọng ưng ý trong đợt 2. “Vấn đề quan trọng là lựa chọn ngành học mình thực sự yêu thích, nếu đã tìm được ngành đó thì lựa chọn nhập học là quyết định đúng đắn nhất. Còn nếu chưa tìm được ngành yêu thích thì có thể chờ đợt xét tuyển bổ sung”, ông Tư khuyên.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh -truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết việc xác nhận nhập học ở đợt 1 rất quan trọng vì đợt bổ sung thường ít chỉ tiêu, điểm chuẩn cũng phải bằng hoặc cao hơn đợt 1. Do đó, TS nên tận dụng cả phương thức học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cũng lưu ý ở đợt xét tuyển bổ sung, quan trọng không phải TS trúng tuyển trường nào mà là có xét tuyển đúng ngành mong muốn hay không.
Thời gian xét tuyển tùy từng trường
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lưu ý về mặt thời gian, đến 17 giờ ngày 12.8 là hạn cuối TS trúng tuyển đợt 1 xác nhận nhập học. Sau đó, các trường sẽ thông báo xét bổ sung nếu còn chỉ tiêu. Theo quy định, từ ngày 22.8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho đến ngày 31.12. Tuy nhiên ở đợt xét tuyển này, các trường sẽ tự quyết thời gian kết thúc nhận hồ sơ. Nhiều khả năng các trường sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển bổ sung để bước vào năm học mới nhanh chóng. Vì lẽ này, ở nhiều trường, thời gian xét tuyển này có thể chỉ kéo dài trong khoảng 5 ngày.
Tiến sĩ Hải cũng cho biết TS có thể nộp nhiều nguyện vọng vào nhiều trường nhưng phương thức nộp hồ sơ mỗi trường mỗi khác. Có trường cho phép đăng ký tại trường, có trường đăng ký trực tuyến. Vì vậy, TS xét tuyển bổ sung ngành nào, trường nào phải đọc kỹ thông tin của các trường.
 
Vẫn còn chỉ tiêu ở trường công
Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM: Trường sẽ xét 90 chỉ tiêu bổ sung cho các chương trình đào tạo tại phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM ở Bến Tre đối với các TS đạt từ 18,5 điểm trở lên với các ngành: tài chính ngân hàng, kinh tế và quản lý công…
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Dự kiến sẽ xét bổ sung với một vài ngành chương trình chất lượng cao thuộc nhóm ngành môi trường và các ngành thuộc phân hiệu Quảng Ngãi. Chỉ tiêu khoảng vài trăm và điểm xét từng ngành bằng điểm chuẩn đợt 1 trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: Dự kiến xét nguyện vọng bổ sung cho tất cả các ngành ĐH. Chỉ tiêu và hình thức xét tuyển cụ thể được nhà trường công bố vào ngày 8.8. Tuy nhiên, dự kiến chỉ tiêu mỗi ngành khoảng 30.
Trường ĐH Mở TP.HCM: Dự kiến tiếp tục xét tuyển những ngành có điểm chuẩn bằng “sàn” như: xã hội học, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng chất lượng cao, quản lý xây dựng, công tác xã hội, công nghệ sinh học… Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thí sinh nhập học thực tế, trường sẽ có thông báo chính thức vào chiều 13.8.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM: Xét tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho mỗi phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận từ 15 điểm trở lên.
Trường ĐH Việt Đức: Còn khoảng 20% chỉ tiêu, xét những TS có điểm thi đạt 19 điểm tương ứng các khối thi. Tiêu chí tiếng Anh: điểm IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương, hoặc đạt 7,5 điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT thì được miễn thi môn tiếng Anh. Ai không có các điều kiện trên sẽ tham gia kỳ thi tiếng Anh của trường.
Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.