Cơ hội cho tranh đương đại

02/05/2018 07:15 GMT+7

Bất chấp nhiều nghi án tranh giả, vẫn có người mua tranh và các sàn giao dịch tranh tiếp tục mở.

Hiện các phiên đấu giá tranh không còn xa lạ như khi nó ra đời cách đây 2 năm. Các đơn vị như Chọn, Lythi Auction, Lạc Việt vẫn đều đặn tổ chức đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Mới nhất, ngày 24.3 sàn giao dịch tranh Indochineart tại Hà Nội đã ra mắt.
Số tiền thu được từ việc bán tranh qua các sàn đã tăng khá nhanh, những bức tranh được bán với giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng xuất hiện ngày một nhiều. Như ở phiên đấu giá ngày 28.1 tại nhà đấu giá Chọn (Hà Nội), bức tranh sơn mài Thiếu nữ giữa hồ sen (vẽ năm 2001) của họa sĩ Phạm Lực đã bán đấu giá được hơn 400 triệu đồng. Bán được giá cao thứ nhì là bức Miền đại dương của họa sĩ Trần Nhật Thăng với 386 triệu đồng. Hoặc trong phiên đấu giá do Lythi Auction tổ chức ngày 13.1 vừa qua ở TP.HCM, tranh sơn dầu Tĩnh vật hoa của Lê Phổ (vẽ năm 1955) đã được mua với giá 54.000 USD (khoảng 1,2 tỉ đồng). Hoạt động của các sàn giao dịch tranh đã góp phần đem đến luồng gió hứng khởi cho mỹ thuật trong nước.
Cơ hội  cho tranh đương đại
Những bức tranh trở về từ châu Âu trưng bày đã gây xôn xao vì tranh cãi là tranh giả ảnh: Lucy Nguyễn

Tuy vậy, những nghi án tranh giả, tranh nhái rộ lên xung quanh các tác phẩm được đấu giá trên các sàn không khỏi làm người yêu nghệ thuật e ngại. Phiên đấu giá số 9 của nhà đấu giá nghệ thuật Chọn vào tháng 12.2017 tại Hà Nội có chưa tới một nửa số tác phẩm được đấu giá thành công. Trong đó, chỉ 1/7 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công. Những bức tranh còn lại của ông thậm chí không có người trả giá. “Tôi nghĩ có thể một phần người ta nghi ngại do thời gian gần đây có nhiều tranh Phái giả. Cũng không chắc các bức tranh không có người trả giá có phải là giả không, nhưng người ta có thể nghi ngại”, họa sĩ Đào Hải Phong nói. Trước đó, tháng 7.2017, con trai của danh họa là họa sĩ Bùi Thanh Phương cũng lên tiếng cho rằng bức tranh Phố cũ (khi đó sắp được đấu giá) không phải tác phẩm của cha mình.
Thị trường dịch chuyển bởi nghi án tranh giả
Tuy tranh của các danh họa đã mất vẫn được ưa chuộng và bán được giá cao tại các buổi đấu giá, nhưng thị trường đã có những dịch chuyển nhất định sau các nghi án tranh giả. “Tôi nghĩ việc chuyển sang mua bán tranh của các họa sĩ còn sống sẽ tăng, bởi việc chứng minh đó là tranh của chính họa sĩ vẽ sẽ dễ dàng hơn”, bà Đoàn Thị Thu Hương, nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, chia sẻ.
“Lên sàn giao dịch tranh sẽ có cái hay là tranh của họa sĩ đương đại sẽ được bán nhiều hơn. Và đó cũng là xu hướng chung của thế giới. Khi mua tranh của tác giả có tiềm năng, sau này tác phẩm sẽ lên giá. Đó chính là đầu tư”, họa sĩ Đào Hải Phong nói.
Đào Hải Phong cho biết người mua hiện nay đều khá thận trọng và luôn yêu cầu những ký hiệu, văn bản xác nhận đây là tranh thật - điều mà các họa sĩ đương đại có thể dễ dàng cung cấp cho người mua. “Ngày trước bán tranh thì chỉ cần trên tranh có chữ ký thôi. Nhưng khi tranh bị copy nhiều thì mỗi tranh tôi bán ra đều kèm theo bản xác nhận. Tôi nghĩ sàn giao dịch tranh trong nước cũng nên yêu cầu bản xác nhận. Khi tôi đưa tranh ra bán ở nước ngoài đều phải kèm bản xác nhận. Mình đứng chụp cạnh tranh. Tranh có thể để lại nước ngoài, sau đó nửa năm mới bán nhưng giấy xác nhận kèm theo phải có từ khi khai mạc triển lãm”, họa sĩ cho biết.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, ĐH Mỹ thuật Hà Nội, các sàn tranh cũng cần công bố thông tin, kèm theo xác nhận rõ ràng về việc tranh có độc bản hay không, nếu có bản sao thì bao nhiêu bản sao và được đánh dấu thế nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.