Cơ hội đậu ĐH bằng điểm thi đánh giá năng lực có cao?

03/04/2024 09:21 GMT+7

Thời điểm này, bên cạnh phương thức xét học bạ, nhiều thí sinh quyết định tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển bằng phương thức này. Vậy cơ hội trúng tuyển có cao?

Tại chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Thông tin mới về thi và xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 2.4, nhiều vấn đề liên quan đến việc đăng ký xét tuyển và cơ hội trúng tuyển của phương thức này đã được đại diện các trường ĐH giải đáp.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Bích, Phó giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM xác định chỉ tiêu tối thiểu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực là 45%. Đây là một trong 2 phương thức chiếm tỷ lệ cao nhất.

Cơ hội đậu ĐH bằng điểm thi đánh giá năng lực có cao?- Ảnh 1.

Đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra vào 7.4

NHẬT THỊNH

Trong khi đó, tỷ lệ này của Trường ĐH Duy Tân là 10%, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM là 5% và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là 10 % (cả dùng điểm thi của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trả lời cho thắc mắc của một thí sinh về việc nếu thi đợt 1 đạt điểm thấp, không đủ điểm nộp hồ sơ hoặc cơ hội đậu thấp thì có được thi tiếp đợt 2 để lấy điểm cao hơn hay không, thạc sĩ Phạm Thị Bích cho hay: "Các em hoàn toàn có thể đăng ký dự thi cả 2 đợt và sẽ được sử dụng kết quả cao hơn để xét tuyển. Đề thi của cả 2 đợt sẽ có độ khó tương đương nhau. Tuy nhiên, khi thi đợt 2 các em sẽ có kinh nghiệm và chiến lược làm bài tốt hơn, khả năng điểm sẽ cao hơn".

Để có thể trúng tuyển bằng phương thức này, thạc sĩ Bích lưu ý sau khi biết kết quả thi đợt 1 (vào ngày 15.4), thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của các trường để biết ngành mình mong muốn có điểm sàn xét tuyển bằng phương thức điểm thi đánh giá năng lực là bao nhiêu, tham khảo điểm trúng tuyển năm trước đó và xem xét điểm của mình phù hợp với trường nào để quyết định nộp hồ sơ.

Một thí sinh muốn biết điểm chuẩn ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM là bao nhiêu ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực và ngành này ra trường có thể làm công việc gì. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thông tin: "Tất cả các ngành của trường đều nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 600 điểm, trong đó có truyền thông đa phương tiện. Dự đoán điểm trúng tuyển cũng sẽ tương đương với mức điểm này".

Theo thạc sĩ Nguyên, đây là ngành xu hướng và đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn, tốt nghiệp sinh viên có thể làm các công việc như quảng cáo, truyền thông, marketing chăm sóc khách hàng, biên tập viên, các công việc ở cơ quan báo chí, truyền thông...

Một thí sinh khác thắc mắc: "Số lượng thí sinh xét tuyển ngành công nghệ thông tin vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bằng điểm đánh giá năng lực có đông không? Em có nên sử dụng thêm các phương thức khác?".

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: "Ngành công nghệ thông tin tại trường có các chuyên ngành như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Ngành này đang là xu hướng nên thu hút khá nhiều thí sinh đăng ký".

Thạc sĩ Trị khuyên bên cạnh việc xét điểm thi đánh giá năng lực, thí sinh cũng nên sử dụng thêm phương thức khác để tăng khả năng trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.