Theo ông Lê Minh Điền (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong những năm gần đây, Campuchia đã thực hiện nhiều cải cách như đơn giản hóa, thuận tiện hóa các thủ tục; miễn giảm 20% thuế công ty thời kỳ khởi nghiệp trong 3 năm đầu; các doanh nghiệp (DN) được tự do hồi hương lợi nhuận; khuyến khích tái đầu tư; miễn trừ hoàn toàn thuế nhập khẩu và không đánh thuế xuất khẩu... đã khiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Campuchia được cải thiện mạnh mẽ. Nhiều nước trong khu vực đã tận dụng rất tốt những lợi thế tại thị trường Campuchia để đẩy mạnh đầu tư vào nước này như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan... và đã thu được kết quả khả quan. Dù vậy, nhiều DN VN vẫn chưa mặn mà trong việc đầu tư vào Campuchia. Là DN đã đầu tư vào Campuchia từ năm 2006, đại diện Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng, có một số khó khăn khi đầu tư ở Campuchia như nguồn nhân lực vô cùng thiếu. Đặc biệt, lao động kỹ thuật càng khó khăn trong khi quy định của Campuchia chỉ cho phép sử dụng 10% lao động nước ngoài trong tổng số lao động ở các dự án đầu tư tại Campuchia. Hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, văn hóa xã hội của Campuchia còn thấp nên chi phí đầu tư cao. Dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao. Tuy nhiên, Vinacomin vẫn mong muốn được Chính phủ Campuchia giao trực tiếp phát triển các dự án trong lĩnh vực thăm dò, khai thác mỏ, thủy điện, nhiệt điện chạy than và quỹ đất để triển khai các dự án đầu tư. Lạc quan hơn, ông Nguyễn Duy Thọ, Giám đốc Công ty Viettel Campuchia (DN viễn thông đầu tiên của VN đầu tư ra nước ngoài và Campuchia chính là thị trường đầu tiên với thương hiệu Metfone) cho biết, chỉ chưa đầy 2 tháng cung cấp dịch vụ, Metfone đã đạt 20.000 thuê bao cố định, bằng một nửa số thuê bao mà toàn thị trường Campuchia phát triển được trong vòng 12 năm qua. Hiện Metfone là mạng lưới lớn nhất ở thị trường này với 2 triệu khách hàng, doanh thu trung bình khoảng 3 triệu USD/tháng. Ông Thọ cho rằng, VN cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để khuyến khích các DN đầu tư khai thác thị trường này bằng cách ưu đãi vốn vay, đơn giản thủ tục vay, cơ chế cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý... Theo ông Yeav Kim Hean, Tham tán Thương mại Campuchia tại Việt Nam, hiện có 513 công ty Việt Nam đăng ký hoạt động tại Campuchia trong đó có hơn 100 công ty đang hoạt động kinh doanh. Trong đó, phải kể đến các thương hiệu lớn của VN như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty lương thực Vinafood 2, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam... Theo ông Yeav Kim Hean, VN cần mở thêm cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương ở các tỉnh có đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để góp phần thúc đẩy giao thương hai nước. Hiện Campuchia rất cần đầu tư nước ngoài như du lịch, y tế, hàng không, giao thông vận tải, điện chiếu sáng, nước sạch... Đó là những cơ hội để các DN VN khai thác.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)