Cơ hội làm việc lâu dài tại các quốc gia phát triển

04/11/2019 09:07 GMT+7

Để giúp người học nghề có cơ hội ra nước ngoài làm việc một cách chính thống với thu nhập cao, nhiều trường cao đẳng đang liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc thực hiện các chương trình đào tạo song bằng.

Không phải tìm cách đi “lậu”, đi “chui” để qua các nước khác lao động rồi xảy ra nhiều nguy cơ, đôi khi mất cả tính mạng, hiện có rất nhiều chương trình của Chính phủ VN giúp thanh niên học nghề, lập nghiệp ngay trên quê hương mình, hoặc ra nước ngoài làm việc với mức lương cao.

Rất nhiều cơ hội ra nước ngoài làm việc chính thống

Để giúp người học nghề có cơ hội ra nước ngoài làm việc một cách chính thống với thu nhập cao, nhiều trường cao đẳng (CĐ) đang liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hoặc thông qua chương trình thí điểm của Chính phủ để thực hiện các chương trình đào tạo song bằng.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ quốc tế Lilama 2, cho biết: “Trường đang đào tạo thí điểm 3 ngành (hoàn toàn miễn phí) theo chương trình ký kết giữa Chính phủ VN với Chính phủ Đức, gồm chế tạo thiết bị cơ khí, lắp đặt thiết bị cơ khí và hàn. Các em được học tiếng Đức và được cấp song bằng Đức và VN. Chương trình đào tạo, giáo viên, cơ sở vật chất, thi cử… đều do phía Đức giám sát và công nhận. Sau khi tốt nghiệp, các em sang Đức học bổ túc thêm 3 tháng để đạt đủ tiêu chuẩn, sau đó làm việc với mức lương tối thiểu 2.000 euro/tháng. Sau 5 năm làm việc là các em được cấp thường trú dài hạn”.
Việc ra nước ngoài làm việc bằng con đường chính thống hiện nay rất dễ dàng. Vì vậy phụ huynh và người học hãy tìm hiểu thông tin để có định hướng và lựa chọn đúng đắn
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức
Ông Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, thông tin trường cũng đang được Thủ tướng Chính phủ cho đào tạo thí điểm 2 nghề hàn và công nghệ ô tô theo tiêu chuẩn Đức. Tốt nghiệp, người học được nhận bằng của VN và bằng cấp tương đương trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức. “Đây là chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 45 trường CĐ sẽ tuyển sinh và đào tạo ở 22 nghề, người học được Chính phủ hỗ trợ học phí. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối đầu ra. Các em cũng có cơ hội được doanh nghiệp Đức tuyển dụng với thu nhập từ 50 triệu đồng/tháng trở lên và có thể làm việc lâu dài tại Đức”, ông Hưng chia sẻ.
Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức có các chương trình đào tạo được Nhật tài trợ ở các nghề như cơ khí chế tạo máy, ô tô, công nghệ thông tin; cam kết tốt nghiệp sẽ làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan hoặc VN. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường, nhìn nhận: “Có rất nhiều cơ hội để các em làm việc tại nước ngoài, học hỏi và cập nhật khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của nước bạn, làm giàu kiến thức cho bản thân mà thu nhập lại cao. Để có một tương lai vững chắc thì các em nhất định phải trở thành một lao động có đào tạo. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước luôn khát nhân lực. Việc ra nước ngoài làm việc bằng con đường chính thống hiện nay rất dễ dàng. Vì vậy phụ huynh và người học hãy tìm hiểu thông tin để có định hướng và lựa chọn đúng đắn”.

Doanh nghiệp tuyển người nhưng không có

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Nhà nước thực hiện nhiều dự án về tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, gắn dạy nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn. Sau 10 năm thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương đã thống kê có gần 350.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo; gần 300.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200.000 người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Theo ông Tiến, chương trình này sẽ tiếp tục sử dụng nhiều mô hình đào tạo hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm thu hút thanh niên nông thôn học nghề, để bạn trẻ các vùng miền có thể làm việc và có thu nhập ngay tại quê hương mình, thậm chí có thể khởi nghiệp, tạo ra một tương lai vững vàng.
“Ngoài ra, còn rất nhiều chương trình phối hợp với doanh nghiệp tuyển sinh và đào tạo cho thanh niên các vùng nông thôn, ký hợp đồng lao động dài hạn với mức lương khởi điểm 6 - 7 triệu đồng/tháng, nhưng đang rất thiếu người học. Chẳng hạn mới đây một doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tuyển hơn 500 bạn trẻ để đào tạo ngắn hạn các nghề như làm bánh, lắp ráp và hoàn thiện điện thoại ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, khu vực miền Trung... nhưng không có nguồn. Các nghề như hàn, cơ khí, cắt gọt kim loại, du lịch... doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất thiếu”, ông Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, bên cạnh những cơ hội học nghề và làm việc tại doanh nghiệp trong nước, Chính phủ VN có rất nhiều chương trình ký kết với chính phủ các nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Rumani, Ba Lan... để giúp lao động VN ra nước ngoài làm việc. “Đây là những chương trình được Chính phủ VN và chính phủ các nước thông qua, giúp người lao động VN có cơ hội học tập và làm việc ở nước bạn trong một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, sức khỏe như hàn, xây dựng, điều dưỡng... Không chỉ được tiếp cận môi trường làm việc tiên tiến mà các em còn có được khoản thu nhập tốt sau khi hoàn thành chương trình. Chẳng hạn chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản, sau 3 năm các em có thể tích lũy mang về khoảng 500 - 600 triệu đồng. Nếu làm việc tốt và có nhu cầu, các em còn có thể lưu trú lâu dài tại nước bạn”, ông Tiến thông tin thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.