Cơ hội lớn để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

05/07/2024 12:41 GMT+7

Nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc, tăng trưởng ổn định và nhu cầu tiêu dùng từ thị trường này rất lớn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu nông sản, hàng hóa trong 6 tháng cuối năm nay.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức ngày 2.7, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai đã chia sẻ nhiều thông tin từ thị trường Trung Quốc và cho rằng đây là những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian còn lại của năm 2024.

Cơ hội lớn để Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc- Ảnh 1.

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam

TN

Theo ông Nông Đức Lai, nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay rất khởi sắc, đà tăng trưởng ổn định, các dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 đã đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng rất cao.

Nền sản xuất Trung Quốc hiện nay đang theo hướng chất lượng cao và chuyển đổi xanh. Trong đó, từ khóa được nhắc đến nhiều nhất tại Trung Quốc là xây dựng "lực lượng sản xuất mới", tức là thúc đẩy ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cạnh đó, thương mại điện tử của Trung Quốc phát triển mạnh trong những năm gần đây đang được đầu tư thúc đẩy theo xu hướng mới là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phân tích về ngành hàng, ông Nông Đức Lai cho rằng, các sản phẩm và thực phẩm chế biến sẵn đang là một ngành hàng rất tiềm năng tại Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác.

"Cụ thể, đối với mặt hàng thủy sản hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu mặt hàng tươi sống mà nên đầu tư sản xuất các sản phẩm chế biến sẵn để đưa vào thị trường này", ông Lai khuyến cáo.

Cũng theo ông Lai, số liệu công bố từ hải quan Trung Quốc, thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc 5 tháng đầu năm tăng trưởng trên 20%. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc không chỉ có mức tăng trưởng cao, mà giữa các ngành hàng, sản phẩm đều có tăng trưởng cân bằng.

Trong đó, nông sản đang là mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất. Hàng năm, nước này chi 230 tỉ USD để nhập khẩu nông sản, riêng trong 5 tháng đầu năm nay đã nhập gần 100 tỉ USD.

"Trong nhóm hàng nông sản có nhiều mặt hàng hàng năm Trung Quốc đều nhập khẩu trên 20 tỉ USD như: trái cây, thủy hải sản, ngũ cốc (gạo)... Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Các doanh nghiệp phải tận dụng, khai thác tối đa thị trường tiềm năng này", ông Lai nói.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng cho rằng, đối với hàng hóa nông lâm sản từ nay đến cuối năm xuất khẩu dự báo sẽ tăng trưởng mạnh. 6 tháng cuối năm, Trung Quốc có rất nhiều kỳ nghỉ lễ, tết dài ngày, hiện tại đang là kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên, sau đó là tết Trung thu… Trong những dịp nghỉ lễ, tết, nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản tăng rất cao, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội, thời gian này để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều loại nông sản của Việt Nam như thanh long, vải, chuối, sắn, cao su.. 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 6,2 tỉ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 4,6 tỉ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Việt Nam có 12 mặt hàng rau quả đang xuất khẩu sang Trung Quốc gồm dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; sữa và thủy sản các loại. Thế nhưng, hàng nông sản Việt Nam chiếm thị phần rất thấp, chỉ có 5% tổng lượng hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu.

Mỗi tỉnh Trung Quốc là một thị trường

Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cũng nhấn mạnh, để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc thì các doanh nghiệp phải ghi nhớ đây là thị trường rất rộng lớn và mỗi một tỉnh, một địa phương đều là một thị trường riêng. Trung Quốc có nền văn hóa ẩm thực đa dạng, mỗi một địa phương lại sẽ nhu cầu tiêu dùng khác nhau, cần những mặt hàng khác nhau.

"Ví dụ như tỉnh Quảng Đông, thị trường này có nhu cầu rất lớn đối với hàng thủy hải sản trong khi tỉnh Sơn Đông lại cần nhiều nhất là cao su. Doanh nghiệp phải tìm hiểu để có cách khai thác hiệu quả", ông Lai chia sẻ và kiến nghị Bộ Công thương tăng cường thiết lập quan hệ với các địa phương Trung Quốc, khai thác từng thị trường, cho từng mặt hàng cụ thể. Hiện nay, công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung khai thác các thị trường rộng lớn như: phía tây, miền Trung, phía đông bắc của Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long, cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn. Quan điểm thống nhất của lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc đều ủng hộ thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế, vấn đề còn lại là công việc triển khai ở bên dưới.

"Tất cả các nước đều tìm cách, mong muốn đưa được hàng vào thị trường Trung Quốc trong khi Việt Nam chúng ta ở ngay sát bên cạnh mà không khai thác hiệu quả thị trường này thì có phần lỗi của chúng ta", ông Long nói và yêu cầu các cơ quan của Bộ Công thương nghiên cứu, triển khai các kiến nghị, thông tin chia sẻ từ thị trường Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.