Trong số này, đội tuyển Việt Nam và Indonesia chung bảng D, bên cạnh các đội Nhật Bản và Iraq. Điều này vô tình giúp cho 2 đội bóng Đông Nam Á chí ít có cơ hội giành vé vớt vào vòng 16 đội (theo điều lệ của Asian Cup 2023, 2 đội dẫn đầu 6 bảng đấu cùng 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất sẽ vào vòng đấu loại trực tiếp).
Nhiệm vụ của đội tuyển Việt Nam và Indonesia là đánh bại đối thủ cùng khu vực trong trận đối đầu trực tiếp vào ngày 19.1, sau đó hy vọng tạo bất ngờ và có điểm trước Iraq và Nhật Bản để tìm vé vớt.
Nói chung, đội bóng của HLV Philippe Troussier và HLV Shin Tae-yong (người Hàn Quốc) vẫn còn đối thủ để tin rằng họ có thể đánh bại ở Asian Cup năm nay.
Trái ngược với Việt Nam và Indonesia là hình ảnh của đội tuyển Malaysia. Đội này nằm ở bảng E cùng các đội Hàn Quốc, Bahrain và Jordan. Cả 3 đội vừa nêu đều mạnh hơn Malaysia, riêng các đội Hàn Quốc và Bahrain gần như mạnh vượt trội.
Malaysia là đội bóng Đông Nam Á thành công nhất tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á ở thời điểm này, với 2 trận toàn thắng (4-3 trước Kyrgyzstan và 1-0 trước Đài Loan).
Nhưng đấy là khi Malaysia nằm ở bảng đấu khá nhẹ tại vòng loại World Cup. Còn tại Asian Cup, khi nằm ở bảng đấu nặng ký như bảng D, khả năng Malaysia toàn thua cả 3 trận trước Hàn Quốc, Bahrain và Jordan là khả năng có thể hiển hiện.
Đánh giá sức mạnh các đối thủ của đội tuyển Việt Nam ở vòng chung kết Asian Cup 2023
Trong khi đó, tại bảng F, Thái Lan cũng hy vọng có thể nhắm vào vé vớt để đi tiếp vào vòng 16 đội. Đội bóng đất Chùa Vàng chung bảng với Ả Rập Xê Út, Kyrgyzstan và Oman tại Asian Cup.
Trong số này, Thái Lan sẽ đặt mục tiêu thắng Kyrgyzstan. Đối thủ này Malaysia có thể thắng được ở vòng loại World Cup thì Thái Lan tin rằng họ cũng sẽ thắng được.
Ngoài trận đấu với Kyrgyzstan, Thái Lan hy vọng sẽ có điểm trước Oman. Riêng với Saudi Arabia, đội này quá mạnh so với các đại diện của Đông Nam Á.
Sau vòng bảng sẽ là vòng đấu loại trực tiếp. Nếu vượt qua vòng bảng, còn phải xem các đội ở Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam hoặc Indonesia gặp những đội nào ở vòng 16 đội, mới có thể tính đến khả năng các đội bóng trong khu vực tiếp tục tạo được bất ngờ hay không?
Dù vậy, nhìn cách Thái Lan vừa thua dễ Nhật Bản đến 0-5, không khó nhận ra khoảng cách giữa bóng đá Đông Nam Á và phần còn lại của châu Á vẫn còn rất xa. Thái Lan là nền bóng đá mạnh nhất Đông Nam Á (2 lần liên tiếp vô địch AFF Cup 2020 và 2022) nhưng vẫn thua đậm đội bóng có trình độ châu Á như Nhật Bản.
Trước đó, đội tuyển Việt Nam khi đá giao hữu với Hàn Quốc, Uzbekistan và Trung Quốc đều thua (để lọt lưới tổng cộng 10 bàn, không ghi được bàn thắng nào trong 3 trận kể trên). Còn Indonesia thua đậm Iraq 1-5 ở vòng loại World Cup hồi tháng 11.
Có nghĩa là đường tiến của các đội bóng Đông Nam Á ở sân chơi châu Á, ngoài yếu tố phong độ, tài cầm quân của các HLV, còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố may mắn. Yếu tố may mắn đó là phụ thuộc vào đối thủ mà họ sẽ đối mặt!
Bình luận (0)