Cơ hội phục hồi vốn FDI từ thuế tối thiểu toàn cầu

29/07/2023 04:54 GMT+7

Chính phủ đã thống nhất sẽ trình Quốc hội về áp thuế tối thiểu toàn cầu tại kỳ họp tháng 10 tới và có thể áp dụng chính thức vào đầu năm 2024. Nếu phản ứng chính sách kịp thời và hấp dẫn, đây là cơ hội rất lớn để VN thực sự bước vào giai đoạn phục hồi vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cơ hội phục hồi vốn FDI từ thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt

Ngọc Thắng

Hỗ trợ bằng tiền cho nhà đầu tư ?

Trong báo cáo xin ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, Bộ KH-ĐT nhận định việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu thu hút vốn FDI, bởi chính sách ưu đãi thuế mà các "ông lớn" FDI đang được hưởng tại VN sẽ không còn nữa. Do đó, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Mục đích nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại VN trong thời gian tới.

Cụ thể, đề xuất áp dụng thí điểm ưu đãi với 4 nhóm doanh nghiệp (DN): đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ; công nghệ cao; dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm; dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng... Các hình thức hỗ trợ gồm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao...

Theo Bộ KH-ĐT, các khoản hỗ trợ này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của DN hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước, như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng. Ngoài ra, mức hỗ trợ đầu tư có thể áp dụng 2 giải pháp: hỗ trợ trần trên tổng mức đầu tư và hỗ trợ trần trên doanh thu. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng cả hai giải pháp trên đều không có nhiều tác dụng trong việc kiểm soát ngân sách, mà còn có thể hạn chế thu hút đầu tư hoặc không hỗ trợ đúng đối tượng cần khuyến khích, làm giảm hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư. Do đó, Bộ đề xuất phương án dùng ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ...

Về đề xuất "ưu đãi bằng tiền" cho nhà đầu tư thuộc 4 nhóm DN, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, nhận xét tỷ lệ ưu đãi bằng tiền trên các dự án thế nào sẽ được Bộ Tài chính tính toán kỹ, cân nhắc và hợp lý hơn tại mỗi dự án. Trong thực tế, thuế không còn được ưu đãi nữa thì chuyển sang ưu đãi bằng tiền cũng hợp lý, được thế giới chấp nhận. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - nơi khởi xướng thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng cho các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế 15% - cũng không cấm ưu đãi bằng tiền đầu tư.

VN cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sớm, vừa làm vừa học hỏi, coi ngó các nước áp dụng thế nào. Bởi đó là một trong yếu tố cạnh tranh giữa các nước trong thu hút FDI và cuộc chiến cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt.


TS Nguyễn Đức Độ (Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính)

"Tuy vậy, việc đánh giá các yếu tố rủi ro thế nào cần nhiều cơ quan quản lý xem xét, tính toán nhiều. Theo tôi, VN cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sớm, vừa làm vừa học hỏi, coi ngó các nước áp dụng thế nào. Bởi đó là một trong yếu tố cạnh tranh giữa các nước trong thu hút FDI và cuộc chiến cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt. Trước đây, chúng ta thu hút đầu tư bằng giảm thuế, nhưng DN khai lỗ lã kéo dài từ năm này sang năm nọ, thậm chí có DN lỗ đến gần 20 năm, ưu đãi bằng thuế cũng không có ý nghĩa gì", TS Nguyễn Đức Độ phân tích.

Tăng nguồn thu, giảm chuyển giá

Ước tính, nếu không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 mà các nước khác áp dụng, phần thuế chênh lệch năm 2024 của VN ước trên 14.600 tỉ đồng sẽ được nộp về quốc gia có công ty mẹ. Thế nên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 không chỉ giúp VN tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung mà còn giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ ủng hộ việc VN tham gia sớm, đúng kỳ hạn thế giới áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ông, về nguyên tắc, không thể cạnh tranh bằng thuế thu nhập với các tập đoàn lớn khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng các giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt DN FDI lớn vẫn rất cần thiết. Bởi nền kinh tế nào cũng cần có những "đại bàng" lớn để dẫn dắt, thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ưu đãi thế nào để thực sự mang lại lợi ích, tạo cạnh tranh thu hút FDI chất lượng mới là quan trọng. Ông ủng hộ tính toán ưu đãi chi phí ban đầu, về đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu…

Theo Tổng cục Thuế, có 619 tập đoàn công ty đa quốc gia với hơn 1.000 công ty thành viên tại VN đang có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên, tức nằm trong diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỉ đồng.

Từ ngày 1.1.2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng sẽ có hiệu lực. Theo đó, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế tối thiểu là 15%.

"Thuế hay tiền cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ trong thu hút đầu tư, VN đang cải cách mở rộng môi trường đầu tư thế nào, cải cách thể chế thế nào trong tình hình mới là điều các DN quan tâm. Ngoài ra, ưu đãi bằng tiền là cách nói, thực tế nhà đầu tư cần là môi trường đầu tư xanh, cần môi trường cho chuyên gia, lao động có chất lượng, môi trường sống, tính bảo mật…", ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vốn FDI vào VN vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực khi thu hút gần 30 tỉ USD. Tháng 7 này, dòng vốn nước ngoài càng khởi sắc trở lại, tăng gần 9% so với tháng trước, lũy kế 7 tháng tăng 4,5% so cùng kỳ với gần 16,24 tỉ USD. Đáng lưu ý, vốn đầu tư mới tăng hơn 38% với 7,84 tỉ USD; vốn qua góp vốn, mua cổ phần cũng tăng vọt hơn 60% với 4,14 tỉ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mức tăng vốn đầu tư mới so với cùng kỳ tiếp tục tăng mạnh hơn so với các tháng đầu năm. Đặc biệt, số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh, thậm chí tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của VN và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

TS Võ Trí Thành nhận định việc thống kê số thu hút FDI về bản chất khó đánh giá đúng vấn đề. Quan sát tình hình thế giới và trong nước cho thấy VN vẫn còn độ hấp dẫn đáng kể trong thu hút FDI. VN có tiềm năng, còn dư địa để đẩy mạnh thu hút vốn ngoại. Thế nhưng, muốn thu hút được "đại bàng" có chất lượng, trong xu hướng mới, vẫn phải cần lưu ý những vấn đề mặt bằng, đất sạch, nhân lực, ưu đãi phù hợp quốc tế. Theo ông, "có những yếu tố mới khác trong thu hút FDI mà không chỉ là câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu. Thế nên, đừng quá sa đà vào đó mà cải cách mạnh mẽ hơn nữa mới là điều tiên quyết".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.