Cơ hội trong trạng thái bình thường mới

14/11/2021 06:15 GMT+7

Trải qua một thời gian khá dài phải “chống đỡ” với đại dịch Covid-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội nên xu hướng đọc và tiếp cận sách của độc giả sẽ có nhiều thay đổi.

Đây thực sự là thách thức lớn cho ngành xuất bản, nhưng cũng tạo ra cơ hội để văn hóa đọc phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh (ảnh).

* Những dòng sách nào hiện nay đang được quan tâm, thưa ông?

- Sách về sức khỏe, tâm lý..., dù đa số dày và trình bày đẹp nên giá thành khá cao vẫn được bạn đọc quan tâm, tìm mua. Tiếp đó là những tác phẩm mới liên quan tới thần số học, tâm linh... có số lượng độc giả trẻ đang gia tăng rất nhanh.

Bên cạnh đó, một số tựa sách mang tính thời sự, dự báo về tương lai cũng rất được yêu thích - đó là những dòng chảy chính theo xu hướng mới. Có thể đơn cử như: Sang chấn tâm lý, Sống cuộc đời bạn muốn, 12 Quy luật cuộc đời, Post Corona, Điềm báo và sứ mệnh, Chiêm tinh học - giải mã các mối quan hệ... luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

* Còn kênh bán hàng thì sao, thưa ông?

- Thời gian qua sách bán online chiếm thị phần lớn. Nhiều NXB và đơn vị làm sách đã phát triển mạnh kênh bán sách qua mạng, bên cạnh kênh tại chỗ truyền thống. Sách nói và podcast cũng đang đặc biệt được quan tâm - thị trường này đang rất tiềm năng.

Bạn trẻ tại một quán cà phê sách ở TP.HCM

Ngọc Dương

* Đại dịch Covid-19 vừa là thách thức nhưng cũng vừa tạo ra cơ hội cho văn hóa đọc, ông có suy nghĩ như thế nào về chuyện này?

- Nhìn chung, các công ty sách hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì doanh số giảm mạnh trong nhiều tháng qua, chắc chắn ảnh hưởng đến việc đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh. Trong khi thị trường sách VN dễ dàng bị mất cân đối trong chuỗi giá trị: đầu tư quá nhiều vào việc sản xuất ra cuốn sách mà hoạt động marketing, giới thiệu, quảng bá, bán sách còn rất yếu. Nhiều cuốn sách hay được in với số lượng khiêm tốn, ít bạn đọc biết đến đã không mang lại hiệu quả như người làm sách mong muốn.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, giá giấy tăng, giá in sách tăng, tỷ lệ chiết khấu cho khâu phân phối vẫn cao đã tác động đến giá bìa và làm ảnh hưởng đến sức mua của tác phẩm, khiến cho độc giả mất cơ hội tiếp cận sách hay vì giá cao. Tôi cũng trăn trở với tỷ lệ đọc sách ở VN chưa cao, mà một trong những nguyên nhân là chúng ta dù có nhiều doanh nhân thành công, chính trị gia, người nổi tiếng được quan tâm nhưng câu chuyện thành công của họ chưa gắn nhiều với việc đọc sách. Trong khi ở các nước, hình ảnh doanh nhân và chính trị gia thành đạt thường gắn liền với sách, thậm chí họ còn là tác giả viết nhiều đầu sách hay… đã phần nào tác động đến tâm lý và nhận thức về văn hóa đọc của độc giả.

Một nguyên nhân khác nữa là chúng ta chưa chú trọng việc bắt buộc việc đọc sách trong nhà trường, trong khi nhiều nước phát triển quan tâm và khuyến khích học sinh hình thành thói quen đọc sách khi từ còn ở mẫu giáo.

Vì vậy, tôi rất kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có đạo luật về khuyến đọc như Nhật Bản hay những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp làm sách như Hàn Quốc, Thái Lan... để cho văn hóa đọc có thêm nhiều “đường băng” hơn để cất cánh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.