Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?

06/08/2024 13:55 GMT+7

Vào 14 giờ hôm nay (6.8), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?'.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?" diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Thống kê của Bộ GD-ĐT đến 17 giờ ngày 30.7, số thí sinh đăng ký học ĐH chỉ riêng đợt 1 đã tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Số lượng nguyện vọng xét tuyển vào nhiều trường ĐH tăng mạnh, có trường tăng gấp đôi năm rồi. Nhưng ngược lại, có những trường ghi nhận tổng số nguyện vọng thấp hơn so với năm ngoái. Số lượng thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH sẽ tiếp tục thay đổi sau khi thí sinh hoàn tất việc thanh toán lệ phí xét tuyển tính đến 17 giờ ngày 6.8.

Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?- Ảnh 1.

Thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, CĐ năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH trên hệ thống chung sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia bắt đầu từ ngày 31.7. Đến 17 giờ ngày 6.8, thí sinh 16 địa phương còn lại của cả nước sẽ hoàn tất việc thanh toán lệ phí xét tuyển, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?- Ảnh 2.

Chuyên gia tham dự chương trình trực tuyến tại Báo Thanh Niên chiều nay

LÊ THANH HẢI

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?", chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH sẽ chia sẻ thông tin mới nhất về tình hình xét tuyển các trường đến thời điểm này. Đặc biệt là cơ hội trúng tuyển của những ngành thu hút sau khi thí sinh hoàn tất việc nộp lệ phí xét tuyển.

Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?- Ảnh 3.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM

Đến thời điểm này, điều thí sinh chờ đợi nhất có lẽ là tình hình xét tuyển ở các trường trong đợt 1 để thấy cơ hội trúng tuyển vào các ngành cụ thể. Từ số liệu ghi nhận hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT cuối ngày 30.7, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường có nhiều biến động so với năm ngoái. Vậy tình hình cụ thể ở các trường sau thời điểm thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển ra sao, đặc biệt là cơ hội trúng tuyển của những ngành thu hút.

Chia sẻ thông tin, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, cho biết hôm nay là ngày cuối cùng thí sinh thực hiện thao tác nộp lệ phí xét tuyển trực tuyển. Số liệu được ghi nhận trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng tăng nhiều nhất trong 3 năm qua. Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM cũng ghi nhận xu hướng nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng ở nhiều ngành so với năm ngoái. Theo dự đoán, với tình hình năm nay các trường sẽ còn không nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung.

Thí sinh sẽ trúng tuyển thế nào sau khi các trường lọc ảo?

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường giữ ổn định so với năm ngoái. Cùng với mức độ ổn định về chỉ tiêu năm nay, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường.

Đáng chú ý, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhóm ngành khoa học sức khỏe và truyền thông được thí sinh lựa chọn nhiều. Ngoài ra, một số ngành mới cũng được thí sinh quan tâm nhiều như: công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo, hóa dược, thiết kế thời trang…

Cơ hội trúng tuyển vào các ngành "hot"

Bạn đọc Thanh Nhi (TP.HCM) đặt vấn đề: "Em đã hoàn tất thanh toán lệ phí xét tuyển 4 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 xét ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với 23 điểm thì em có trúng tuyển không và có cơ hội nhận học bổng không?".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay với mức điểm này, thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao vào ngành truyền thông đa phương tiện tại trường. Trong số các học bổng của trường, có 1 học bổng đánh giá dựa vào điểm tuyển sinh đầu vào. Với mức điểm 23, thí sinh có học bổng điểm thi trị giá 25% học phí. Bên cạnh đó, với ngành truyền thông đa phương tiện, sinh viên còn được nhận học bổng doanh nghiệp trị giá 35% học phí toàn khóa học. Sinh viên có thể cân nhắc để lựa chọn học bổng lợi thế hơn.

Hoàng Hiếu (TP.HCM) băn khoăn: "Em được 22 điểm tổ hợp B00 và đặt nguyện vọng 1 ngành y khoa, nguyện vọng 2 ngành răng hàm mặt Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cơ hội trúng tuyển của em ra sao?"

Thạc sĩ Trương Quang Trị cho hay: "Mức điểm tối thiểu trường nhận hồ sơ xét tuyển 2 ngành này của trường từ mức 23 điểm, do đó thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển 2 ngành trên. Tuy nhiên, thí sinh vẫn có cơ hội nếu lựa chọn một số ngành khác cùng khối ngành khoa học sức khỏe với mức điểm xét tuyển từ 19 trở lên. Trường hợp thí sinh không đặt thêm các nguyện vọng khác ngoài 2 ngành trên, thí sinh chờ thêm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung".

Công bố kết quả xét tuyển đợt 1 ngay trong chiều 17.8

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay: Theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, hệ thống sẽ lọc ảo 6 lần từ ngày 13-17.8. Song song với lọc ảo của Bộ, các trường ĐH sẽ thực hiện lọc ảo theo nhóm trường phía bắc và phía nam. Trên cơ sở quy trình lọc ảo đó, các trường ĐH có thể công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 từ ngày 17-18.8 và chậm nhất đến trước 17 giờ ngày 19.8.

Riêng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM dự kiến công bố kết quả xét tuyển ngay trong chiều 17.8 hoặc chậm nhất sáng 18.8. Thí sinh cần theo dõi kết quả xét tuyển và thực hiện các bước tiếp theo để nhập học.

Thạc sĩ Trương Quang Trị cũng dự kiến Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố kết quả xét tuyển đợt 1 vào 17 giờ ngày 17.8 và chậm nhất trong sáng 18.8. Sau khi có kết quả này, thí sinh cần tiếp tục theo dõi thông tin để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình nhập học. Ngoài website, trường sẽ thông báo tới thí sinh thông qua số điện thoại đã đăng ký. Trong quá trình làm thủ tục nhập học, trường sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc chuẩn bị hồ sơ, tìm chỗ ở…

Cơ hội trúng tuyển ra sao ở những ngành thu hút?- Ảnh 4.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Các lưu ý khi làm thủ tục nhập học 

Bạn đọc Minh Phong (Tiền Giang) thắc mắc: "Em đủ điều kiện trúng tuyển sớm và đã hoàn thành các bước đăng ký theo quy định để xét tuyển ngành kinh tế số Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM. Em muốn hỏi cần chuẩn bị những gì trước khi lên trường nhập học, trường có hỗ trợ sinh viên tìm chỗ ở phù hợp không?".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên giải đáp: Hồ sơ nhập học gồm bản chính giấy chứng nhận kết quả thi, bản sao bằng tốt nghiệp THPT, bản sao giấy khai sinh hợp lệ, bản sao học bạ có công chứng, bảo hiểm y tế, giấy khám sức khỏe, bản sao căn cước công dân và các minh chứng ưu tiên nếu có. Ngoài ra, khi tới làm thủ tục nhập học, thí sinh cần mang theo giấy báo trúng tuyển của trường ĐH. Nhưng sau khi có kết quả trúng tuyển, trường sẽ hướng dẫn thí sinh điền thông tin trực tuyến tại trường trước khi đến trường nộp hồ sơ. Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ cho tân sinh viên một cách toàn diện, trong đó có tìm chỗ ở.

Thí sinh Tấn Sang (Bạc Liêu) cũng thắc mắc: "Em đủ điều kiện trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh và đang chờ thông báo nhập học chính thức từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Cho em hỏi sẽ học tập tại cơ sở nào, trong quá trình học có thường xuyên di chuyển giữa các địa điểm không và nên ở chỗ nào thuận lợi việc học tập, di chuyển?".

Thạc sĩ Trương Quang Trị thông tin: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 5 cơ sở đào tạo, sinh viên học tập ở cơ sở nào sẽ học tập xuyên suốt tại cơ sở đó trong toàn khóa học. Ví dụ, ngành ngôn ngữ Anh sinh viên có thể chọn học tại cơ sở quận 7 hoặc quận 12 để tránh tình trạng phải di chuyển xa. Trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, sinh viên được đến doanh nghiệp kiến tập ngay từ năm thứ nhất. Khi đó, sinh viên sẽ đến thực tế các doanh nghiệp để học tập. Ngoài ra, học ngành ngôn ngữ Anh, sinh viên còn có cơ hội được giao lưu trao đổi học tập tại một số quốc gia khác".

Một bạn đọc tại TP.HCM đặt câu hỏi: "Em đã đăng ký xét tuyển vào ngành y khoa nhưng hiện khả năng cao em không trúng tuyển nguyện vọng 1. Ở nguyện vọng 2, em chọn ngành bác sĩ y học cổ truyền - một ngành liên quan có điểm dễ thở hơn nhưng không thực sự yêu thích. Vấn đề đặt ra là nếu em không trúng tuyển ngành y khoa em có nên chờ xét tuyển đợt bổ sung không, nếu không chờ mà chấp nhận học ngành không yêu thích thì em cần đối diện nó như thế nào?".

Thạc sĩ Trương Quang Trị đưa ra lời khuyên: "Cùng thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe nhưng 2 ngành đào tạo theo hướng khác nhau. Nếu sau y khoa thì dược, răng hàm mặt, dược học… sẽ phù hợp hơn. Nếu thí sinh không thích ngành nào đó mà đặt nguyện vọng chỉ vì điểm có thể trúng tuyển thì không nên. Nếu không thích, không đam mê thì dễ chán nản trong học tập, ra trường cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp".

Có sự khác biệt giữa các thí sinh trúng tuyển các phương thức?

Bạn đọc ở Tiền Giang thắc mắc:"Thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau có khác nhau gì khi vào học không, có khác biệt về học phí?".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho hay: Năm nay Bộ GD-ĐT đã công bố 20 mã phương thức xét tuyển. Khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh không cần lựa chọn phương thức xét tuyển nào. Với các trường, dù thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển nào thì vào học không có sự phân biệt nào. Ví dụ, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM tuyển sinh 4 phương thức cho 36 ngành. Các phương thức chỉ là điều kiện đầu vào, khi trúng tuyển, sinh viên được hưởng chế độ giống nhau từ chính sách học bổng, quá trình học tập, giá trị bằng cấp, hệ thống học liệu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.