Dù bắt nguồn từ bất ổn, nhưng xu thế nói trên đang tạo cơ hội cho nhiều nước tham gia lĩnh vực bán dẫn, chứ không còn giới hạn trong một số nền kinh tế như trước đây. Song hành cùng làn sóng tái cấu trúc ngành bán dẫn còn có sự chuyển hướng chuỗi cung ứng, sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, công nghệ trên thế giới như Samsung, Apple…
Những sự thay đổi đó đang có tác động tương hỗ. Cụ thể, nếu một nền kinh tế phát triển được ngành bán dẫn thì có ưu thế để tăng cường gia công, sản xuất các sản phẩm điện tử, công nghệ và thậm chí cả ô tô, nhất là trong bối cảnh ô tô điện đang phát triển.
Trong khi đó, lĩnh vực bán dẫn không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với nhiều sản phẩm như thiết bị điện tử tiêu dùng, sản phẩm công nghệ, ô tô… Sự bùng nổ của ngành bán dẫn trong những năm tới càng hứa hẹn tiềm năng lớn hơn khi điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mặt khác, chính vì vai trò quan trọng như vậy, không chỉ hướng đến xuất khẩu mà các nền kinh tế đều cần tăng tự chủ về linh kiện bán dẫn, để hạn chế sự lệ thuộc về lâu dài.
Giữa bối cảnh nói trên, VN được đánh giá là điểm đến khả thi của nhiều tên tuổi công nghệ trên thế giới như Samsung, Apple, Intel… trong quá trình chuyển hướng chuỗi sản xuất. Và thực tế thì Samsung, Apple hay Foxconn… cũng đã mở rộng hoạt động sản xuất ở VN. Đến nay, VN gặt hái được những tín hiệu khả quan ban đầu trong ngành bán dẫn, cụ thể là chíp bán dẫn. Điển hình, theo thống kê của Mỹ thì vào tháng 2 vừa qua, nước này có kim ngạch nhập khẩu chíp bán dẫn lên đến 4,86 tỉ USD, tăng đến 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu từ châu Á chiếm đến 83% và VN xếp thứ ba với giá trị 562,5 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đó chính là tín hiệu khả quan, hứa hẹn cơ hội lớn cho VN. Tuy nhiên, không chỉ riêng VN mà nhiều nước cũng nỗ lực tăng cường sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bán dẫn. Điển hình, cũng trong thống kê trên, Ấn Độ tuy xuất khẩu chíp bán dẫn vào Mỹ chỉ đạt 152 triệu USD, nhưng tăng trưởng đến 34 lần so với tháng 2.2022. Hay Campuchia dù con số chỉ 166 triệu USD nhưng mức tăng trưởng cũng đạt 698%. Nói thế để thấy chúng ta sẽ đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ và cần phải có một chiến lược hiệu quả.
Đến lúc này, để đảm bảo khả năng tăng cường năng lực trong ngành bán dẫn, chúng ta cần hướng đến những chính sách trọng tâm. Cụ thể như phát triển nguồn nhân lực, tăng cường trình độ của nhân công, phát triển lĩnh vực logistics và cần có những biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, chúng ta cần tập trung ưu đãi cho các dự án của doanh nghiệp trong nước hoặc các doanh nghiệp nước ngoài thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn về chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường năng lực tự chủ về sau.
Cơ hội và tiềm năng đều đã rõ, kết quả sau cùng có thu lợi được hay không thì chỉ do chúng ta.
Bình luận (0)