Cơ hội và thách thức cho Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

31/05/2022 08:01 GMT+7

Các chuyên gia quốc tế đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức cho Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ cùng 12 đối tác gần đây công bố khởi động thảo luận?

Trong chuyến công du Đông Bắc Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23.5 đã khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) có sự tham gia thảo luận của 12 đối tác. Các đối tác tham gia thảo luận gồm: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand. Đến ngày 26.5, Mỹ công bố đảo quốc Fiji ở khu vực nam Thái Bình Dương cũng tham gia thảo luận IPEF.

Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

CTV

IPEF không phải hiệp ước kinh tế mà là khuôn khổ để thảo luận tiến tới hợp tác. Khuôn khổ này bao gồm 4 trụ cột là: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng. Liên quan khuôn khổ kinh tế này, các chuyên gia quốc tế vừa chia sẻ một số nhận định khi trả lời Thanh Niên.

IPEF cần minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 26.5, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã nêu quan điểm về việc Việt Nam tham gia quá trình thảo luận về IPEF.

Theo đó, trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng với các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.

Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, và bổ sung cho liên kết kinh tế đã có.

Đậu Tiến Đạt

Chương trình nghị sự của thế kỷ 21

Chính quyền của Tổng thống Biden đã nhấn mạnh IPEF là “một chương trình nghị sự của thế kỷ 21”. Đây là bước đi để Mỹ lấp đầy khoảng trống kinh tế sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, về sau trở thành CPTPP - NV) và sự chú trọng quá mức về an ninh.

IPEF cũng thúc đẩy giải quyết các thách thức nổi lên trong khu vực theo một cách có xây dựng, thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với sự ổn định và thịnh vượng của Indo-Pacific một cách hữu hình.

Tuy nhiên, điểm bất lợi của IPEF là không thể hoàn toàn thay thế việc Mỹ không tham gia CPTPP. Khuôn khổ này cũng chưa xóa bỏ bớt các hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, IPEF có thể phải đánh đổi giữa tính toàn diện rộng rãi với sự phát triển kịp thời của các thỏa thuận tiêu chuẩn cao. Đơn giản vì để đạt được đồng thuận đông đảo và rộng rãi thì khó có thể nhanh chóng đạt được các thỏa thuận có tiêu chuẩn cao vốn thường chỉ đạt ở một nhóm nhỏ.

ASEAN có tính chất đa dạng về thành viên và khó có chuyện các thành viên ủy thác quá trình đàm phán cho một bên khác, nhưng điều đó vẫn không làm thay đổi tính trụ cột của ASEAN. Tham gia IPEF, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp vào việc hình thành các tiêu chuẩn quốc tế, vốn là yếu tố quan trọng nền tảng của tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh bình đẳng.

TS Ellen L.Frost (Chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế chính trị khu vực Indo-Pacific, Trung tâm Đông Tây, Mỹ)

Chưa thể đánh giá đầy đủ

Hiện chưa thể đánh giá đầy đủ về IPEF vì cấu trúc của khuôn khổ này chưa chắc chắn, chưa thể hiện rõ cấu trúc cần thiết của một hiệp định thương mại tự do.

Lợi thế quan trọng nhất là IPEF tạo ra một khuôn khổ đã được chờ đợi từ lâu để các nước khu vực Indo-Pacific hợp tác cùng Mỹ và hợp tác lẫn nhau trong quan hệ kinh tế. Từ thực tế này, ASEAN có thể khai thác IPEF để cùng thảo luận về các phần trong hợp tác kinh tế với Mỹ và giữa các nước thành viên ASEAN. Một trong những thành phần của IPEF được đề cập cho đến nay là hỗ trợ và khuyến khích thương mại điện tử. Đây là điều đã có trong chương trình nghị sự của ASEAN từ khá lâu và có thể mang lại một số động lực để có thêm bước tiến trong lĩnh vực này. Việt Nam đã đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trong một số chuỗi cung ứng và sẽ có thể đóng góp kinh nghiệm về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

TS Steven Cochrane (Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ phận phân tích, Công ty phân tích tài chính Moody’s, Mỹ)

Việt Nam có thể đạt nhiều lợi ích

Ưu điểm là IPEF tập trung vào một loạt các mục tiêu từ chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chống tham nhũng và thương mại kỹ thuật số. ASEAN sẽ đóng một vai trò lớn để IPEF có thể đạt thành công cuối cùng. Điều này đặc biệt đúng đối với vấn đề hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng và các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Với vai trò quan trọng trong các ngành sản xuất, Việt Nam có thể đạt nhiều lợi ích trong dài hạn từ IPEF như đạt thêm các bước tiến mới trong kinh tế số và năng lượng sạch.

Nhược điểm lớn nhất của khuôn khổ này là không phải một thỏa thuận thương mại theo nghĩa thông thường, và chưa có các điều khoản “tiếp cận thị trường” (ví dụ ưu đãi về thuế).

GS Ritam Chaurey (chuyên về kinh tế quốc tế - Đại học Johns Hopskin, Mỹ)

Việc tiếp cận thị trường ASEAN có vai trò quan trọng

Điều quan trọng cần lưu ý là IPEF vẫn đang trong quá trình xây dựng nên các chức năng và đặc điểm của khuôn khổ này chưa được xác định rõ ràng. Tất nhiên, IPEF vẫn có một số lợi thế như sẽ điều chỉnh các tiêu chuẩn và quy tắc trên khắp Indo-Pacific, tập trung vào khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu, thuế và chống tham nhũng.

Quan trọng nhất, IPEF là một dấu hiệu tốt cho thấy chính quyền Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực, mặc dù đã rời khỏi TPP.

Nhưng IPEF vẫn tồn tại điểm chưa thuận lợi khi thiếu vắng Đài Loan - nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu, đây là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số và cũng sẽ là một phần trong các cuộc đàm phán của IPEF. Và một điểm chưa thuận lợi khác là IPEF có thể tạo ra sự e dè bởi báo hiệu về một nấc thang mới trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc.

Để thu hút các nước ở Indo-Pacific tham gia, việc tiếp cận thị trường Mỹ sẽ là chìa khóa cho IPEF. Khuôn khổ này cần có các thành viên của ASEAN để tránh rơi vào trường hợp như một nhóm hợp tác an ninh mở rộng. Trong đó, việc tiếp cận thị trường ASEAN có vai trò quan trọng.

Ông Alexandre Dayant (Giám đốc dự án Kinh tế phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương,Viện Nghiên cứu Lowy, Úc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.