Có thể làm nhiều nghề
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết nhóm ngành này gồm nhiều ngành như Việt Nam học, văn học, xã hội học, quốc tế học... Sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ thúc đẩy các ngành này, giúp việc ứng dụng nội dung giảng dạy trong nhà trường tốt hơn.
tin liên quan
Lưu ý khi xét tuyển nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn và sư phạmTheo thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật sẽ có những hệ lụy như giá trị truyền thống bị lãng quên, xuất hiện căn bệnh hiện đại như trầm cảm, tâm lý bất ổn, sự xa lạ giữa người với người… nên nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn có vai trò quan trọng trong việc cân bằng lại những vấn đề này.
“Nhiều thí sinh thường nghĩ rằng mình không có khả năng học ngành khác nên mới chọn các ngành xã hội nhân văn. Nhưng cơ hội việc làm nhóm ngành này khá cao, chiếm khoảng 15%. Các bạn yêu thích ngành này có thể tự tin lựa chọn. Ngoài ra, sinh viên nhóm ngành này học một ngành có thể ra làm nhiều nghề khác nhau. Ví dụ học tâm lý học có thể làm marketing, quản trị nhân sự… bên cạnh việc làm chuyên về tâm lý”, thạc sĩ Phương cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Thúy Nga, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết khi xã hội càng phát triển, nhóm ngành này càng phát triển. Lúc này, người ta càng chú ý đến con người, giá trị cuộc sống chứ không đơn thuần là công thức, công nghệ khô cứng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm đối với ngành này khá cao. Riêng nhóm ngành ngoại ngữ, hiện nay trong giai đoạn toàn cầu hóa, ngành này đặc biệt có nhu cầu cao.
Chưa giỏi ngoại ngữ có thể theo học ngành này?
Rất nhiều học sinh ở các tỉnh, thành gửi đến chương trình thắc mắc chung là nếu tiếng Anh chưa giỏi có thể học ngành ngôn ngữ Anh hay không? Tiến sĩ Nguyễn Thúy Nga, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Thông thường học sinh ở tỉnh, thành khác yếu hơn các bạn ở thành phố lớn về nghe, nói. Bài thi hiện nay chỉ nghiêng về ngữ pháp, đọc, trắc nghiệm. Vì vậy, nếu chăm chỉ, thực hành tốt bài kiểm tra sẽ có thể đậu vào ĐH. Trong chương trình đào tạo của các trường, thầy cô sẽ dạy riêng biệt kỹ năng, nâng cao cho sinh viên. Các em chuyên tâm luyện riêng các kỹ năng như thế nào tốt nhất, có môi trường ngôn ngữ để thực tập. Nên chỉ sau một học kỳ, khoảng cách cách biệt này sẽ được san bằng”.
Trần Thị Phương Châm, học sinh THPT Tân Phước Khánh (Bình Dương), thắc mắc: “Ngành tâm lý học sẽ học như thế nào, chọn khối thế nào để có thể vô các trường ĐH hợp với mình và ra trường có thể làm việc? Em nghe nói học ngành này ra trường khó kiếm việc nên phụ huynh không muốn cho con theo học. Em muốn biết ngành này ra làm gì và thu nhập bao nhiêu để em có thể thuyết phục phụ huynh cho em theo học?”.
Trả lời về điều này, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết nhiều học sinh rất quan tâm ngành này nhưng cũng hay lo lắng về cơ hội việc làm. Ngành tâm lý học tại trường đào tạo theo hướng tham vấn tâm lý học đường, tham vấn tâm lý cộng đồng, trị liệu tâm lý như các căn bệnh thời đại như stress, áp lực học tập. Hướng thứ 2 là ứng dụng tâm lý để hoạt động trong marketing như phân tích tâm lý người tiêu dùng, tư vấn chiến lược triển khai hoạt động tiếp thị trong doanh nghiệp... Một hướng khác là quản trị nhân sự.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó khoa Du lịch VN học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết tâm lý học là ngành mới ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm tham vấn trị liệu, quản trị nhân sự, ứng dụng trong điều trị y khoa (giúp bệnh nhân tự kỷ hòa nhập cuộc sống), ứng dụng trong pháp y… Ngành này đòi hỏi các em phải yêu nghề, biết lắng nghe, thấu hiểu. Về nhu cầu nhân lực, cuộc sống càng phát triển, càng xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý nên rất cần đội ngũ bác sĩ tâm lý để tham vấn, trị liệu, tư vấn...
Bình luận (0)