‘Cò’ khám chữa bệnh lộng hành

23/09/2017 08:00 GMT+7

Mặc dù Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng “cò” khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM vẫn lộng hành, nhất là ở Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic.

Từ 4 giờ sáng, “cò” ở khu vực xung quanh Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (đường Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM, người dân hay gọi là Trung tâm chẩn đoán Hòa Hảo - gọi tắt là Trung tâm) đã hoạt động tấp nập, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh đưa ra các phòng khám lân cận. Cảnh tượng bát nháo, chụp giựt trong khám chữa bệnh này vẫn tồn tại, trước sự gần như bất lực của cơ quan chức năng.
Từ ngoài cửa đến trong trung tâm
Gần 1 năm trước, khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng “cò” khám chữa bệnh lộng hành trước Trung tâm thì Sở Y tế TP, UBND Q.10, Công an Q.10 họp bàn, thống nhất chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này còn rầm rộ hơn.
Trong nhiều ngày ghi nhận, PV Thanh Niên không khỏi ngạc nhiên trước việc quy tụ đông đúc, hoạt động chuyên nghiệp của “cò” ở khu vực này. Từ 4 - 6 giờ sáng hằng ngày là thời điểm họ hoạt động mạnh nhất. Ngay giao lộ Nguyễn Duy Dương, Hòa Hảo, Ngô Gia Tự có một nhóm khoảng 20 - 30 người. Họ chia nhau chặn xe, chặn người bệnh. Hễ thấy xe hơi, xe máy rà rà thả người là nhanh chóng tiếp cận dụ dỗ... đưa đi khám nhanh. “Cò” ở đây dùng chiêu trò “tái khám thì qua kia (Trung tâm - PV), còn khám bệnh mới thì qua đây (Phòng khám P.A) nên bệnh nhân bị “lùa” vào phòng khám (PK) này mà cứ tưởng các PK “cò” đưa tới là của Trung tâm. Cứ như vậy, hàng chục bệnh nhân “dính bẫy”.
“Cò” (thứ 2 từ trái sang) vào tận bên trong Trung tâm Medic để bắt bệnh Ảnh: Duy Tính

Phía trước mặt chính Trung tâm có nhóm thứ 2 kéo bệnh qua nhà thuốc N.H hỏi han, hướng dẫn (nơi trước đây “cò” thường dẫn bệnh qua hiện đã bị rút giấy phép do bán thuốc quá giá), rồi sau đó hoặc đưa bệnh nhân trở lại Trung tâm bảo là đi khám nhanh để nhận tiền, hoặc đưa qua phòng siêu âm, xét nghiệm trong đường dây của “cò” ở đường Hòa Hảo.
Sáng 22.8, chúng tôi túc trực ngay trước cổng Trung tâm, ghi nhận có khoảng 10 người hoạt động “bắt” bệnh nhân đưa ra PK bên ngoài. Mặc dù có 2 người đàn ông mặc trang phục bảo vệ dân phố đứng điều tiết giao thông, giữ an ninh trật tự nhưng “cò” xem như không có ai.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, thấy một chiếc ô tô mang biển số Đồng Nai đá xi nhan tấp vào lề, một người liền chạy lại hướng dẫn ô tô đậu vào lề rất chuyên nghiệp, sau đó đập cửa, dụ bệnh nhân: “Giờ vô Trung tâm phải bốc số thứ tự đợi có mà tới chiều. Qua bên PK gần đây cũng là bác sĩ (BS) của Trung tâm khám. Tụi tôi giữ xe cho luôn, nhanh gọn rồi về cho khỏe...”. Còn phía trong Trung tâm, 2 - 3 người dụ người bệnh đi khám nhanh, xem như chốn không người!
“Dành dụm được 4 triệu đồng nhưng vào PK này đã hết sạch”
Khoảng 10 giờ ngày 12.9, bà Tâm (45 tuổi, quê H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mặt buồn thiu đi loanh quanh trước PK P.A. Khi chúng tôi hỏi thì bà trả lời: “Trong túi tôi còn có mấy chục ngàn đủ mua cái thẻ cào, nạp vào để gọi nhà xe tới đón” và bà kể, đón xe lên Trung tâm khám bệnh, đến nơi khi trời chưa sáng, buồn ngủ quá nên bà bị người ta dắt vào PK bên ngoài. “Họ kêu đi tái khám thì vào Trung tâm. Còn đi khám mới thì qua PK này, họ dắt vào mà tôi đâu có biết, cũng không để ý cái bảng hiệu! Dành dụm, tích góp khá lâu mới được 4 triệu đồng nhưng vào PK này đã hết sạch, không còn tiền mua thuốc”.
Có trường hợp khám xong sạch tiền, không còn tiền đi xe về. Tôi biết nhưng đâu dám ngăn cản, đâu dám nói cho người đi khám biết được, tụi “cò” nó đánh chết!
Một người dân sống gần phòng khám

Bệnh nhân khác là người đàn ông tầm 50 tuổi, quê Hậu Giang, kể: “Sáng bị mấy người kia (cò - PV) dẫn vào chứ ai mà biết đây là PK tư bên ngoài, không phải của Trung tâm. Họ khám tổng quát lấy 2,7 triệu đồng, mua thuốc 1,8 triệu đồng. Lần đầu tiên lên Sài Gòn khám bệnh mà bị cảnh này, tôi tiếc tiền quá!”. Chúng tôi hỏi 7 người bệnh khác vào PK P.A và đều nhận được câu trả lời: “Quá mắc tiền”.
“Những người dân áo quần xộc xệch nghèo khổ từ dưới quê lên TP khám bệnh mà bị cảnh này thì tội lắm. Có trường hợp khám xong hết sạch tiền, không còn tiền đi xe về. Tôi biết nhưng đâu dám ngăn cản, đâu dám nói cho người đi khám biết được, tụi “cò” nó đánh chết!”, một người sống gần PK nói.
Ngang nhiên chia “giang sơn” hoạt động
Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, rất bức xúc, cho biết hằng tháng Trung tâm đều dành một khoản chi phí để hỗ trợ các lực lượng giữ an ninh trật tự, nhưng tình trạng “cò” vẫn lộng hành, bát nháo, ngang nhiên “bắt” bệnh nhân trước Trung tâm!
BS Hải khuyến cáo: “Đã có nhiều người tiền mất tật mang khi bị “cò” đưa ra PK bên ngoài” và cho biết, quanh Trung tâm có 2 nhóm. Một nhóm ở trước Trung tâm, do đối tượng tên C. cầm đầu. Thậm chí có lần C. còn đánh cả nhân viên Trung tâm.
Chèo kéo người bệnh ngay khi xuống xe từ tờ mờ sáng trước Trung tâm Medic

Nhóm này đưa bệnh nhân qua phía nhà thuốc N.H nói trên. Thực chất, C. cũng chỉ là người được thuê, kẻ điều khiển là một người khác. Nhóm khác ở phía đường Nguyễn Duy Dương do một đối tượng cầm đầu đưa bệnh nhân vào PK P.A. Có lần 2 băng nhóm chém nhau trước cửa Trung tâm, sau đó “giang sơn” hoạt động được chia phần như nói trên. Ngoài ra, một số “cò” còn vào tận Trung tâm bắt bệnh dẫn ra ngoài. Cứ một ca bệnh móc ra ngoài thì được 200.000 đồng; còn dẫn đi “nguyên độ từ A - Z (khám, chụp chiếu...) thì 500.000 đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây, các PK gần Trung tâm còn móc nối với lái xe (xe chuyên đưa các bệnh nhân từ các tỉnh lên TP). Khi xe cho bệnh nhân xuống chỗ nào thì tức khắc có “cò” đến đưa về các PK đã định sẵn. Nhưng có những tài xế không thả bệnh theo yêu cầu của họ thì bị đập cửa kính.
BS Phan Thanh Hải cho rằng các cơ quan chức năng cứ "đá" trách nhiệm qua lại với nhau, nên tình trạng “cò” khám chữa bệnh vẫn ngang nhiên lộng hành!
Sẽ xử nghiêm các phòng khám hành nghề sai trái
Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM TS-BS Bùi Minh Trạng cho biết, Sở đã từng kiểm tra, xử phạt, chấn chỉnh đối với các PK, nhà thuốc (có móc nối với “cò” - PV) quanh khu vực Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic.
Tuy nhiên, tình trạng “cò” vẫn hoạt động là do có sự móc nối với các PK, chứ không thể làm công không cho các PK. Theo ông Trạng, các PK hành nghề mà móc nối với “cò” sẽ gây ra hình ảnh phản cảm trong lĩnh vực y tế, vì lĩnh vực khám chữa bệnh chứ không phải hoạt động kinh doanh khác, mà hoạt động bát nháo như thế được. Ông Trạng cho biết Sở sẽ phối hợp với quản lý y tế, các đơn vị liên quan khác của quận, huyện để tiếp tục tuyên truyền, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các PK hành nghề sai trái, móc nối với “cò”.
T.Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.