'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Sở Y tế TP.HCM xác định nhiều phòng khám vi phạm

09/02/2023 06:30 GMT+7

Liên quan loạt bài điều tra "Cò" khám chữa bệnh lộng hành trên Thanh Niên (đăng từ ngày 6 - 8.2), trong 5 phòng khám được ngành chức năng TP.HCM kiểm tra, có 1 phòng khám ngừng hoạt động tại thời điểm kiểm tra, 1 phòng khám được xác định có "cò" khám chữa bệnh; các phòng khám còn lại vi phạm chuyên môn.

UBND TP.HCM CHỈ ĐẠO XỬ LÝ

Liên quan loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành, ngày 8.2, UBND TP.HCM có công văn gửi Sở Y tế, Công an TP.HCM, UBND Q.5, Q.10 và Q.Bình Thạnh về việc kiểm tra, xác minh nội dung được Báo Thanh Niên phản ánh.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an TP.HCM và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung được phản ánh trên Báo Thanh Niên; đồng thời xử lý nghiêm đối với các phòng khám (PK), cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế; tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự công cộng tại bệnh viện (BV), cơ sở y tế; báo cáo kết quả về UBND TP.HCM.

“Cò” khám chữa bệnh lộng hành: Sở Y tế TP.HCM xác định nhiều phòng khám vi phạm - Ảnh 1.

Một số “cò” trên đường Hòa Hảo (Q.10) trong vỏ bọc người đi khám bệnh, chào mời khám nhanh nhưng không dám lôi kéo

TRẦN DUY KHÁNH

SY TẾ VÀO CUỘC

Ngày 8.2, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo cáo UBND TP.HCM về vụ việc "cò" KCB lộng hành. Theo báo cáo, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh vấn nạn "cò" KCB lộng hành, lãnh đạo Sở Y tế đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Công an TP.HCM, Phòng Y tế Q.3, Phòng Y tế Q.10, BV Da liễu, PK đa khoa Hòa Hảo (Medic - Hòa Hảo) để làm rõ thông tin và tăng cường các giải pháp, phối hợp kiểm soát tốt hơn cũng như xử lý nghiêm tình trạng "cò" KCB.

Song song đó, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý dịch vụ y tế phối hợp Công an TP.HCM, phòng y tế và công an địa phương triển khai ngay, duy trì việc thanh kiểm tra sự tuân thủ pháp luật hành nghề y tế và an ninh trật tự của các địa bàn có PK tư nhân còn phức tạp.

Ngày 7.2, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM triển khai 3 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở y tế xung quanh khu vực có thông tin về hiện tượng "cò" KCB (theo thông tin đăng trên Báo Thanh Niên), gồm: các khu vực xung quanh BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh), BV Da liễu (Q.3) và PK đa khoa Hòa Hảo (Q.10). Tổng số cơ sở kiểm tra là 5 PK (1 PK đa khoa, 4 PK chuyên khoa), trong đó có 1 PK đóng cửa, không hoạt động tại thời điểm kiểm tra.

PHÒNG KHÁM "DÍNH" NHIỀU VI PHẠM

Kết quả, số cơ sở có dấu hiệu "cò" dẫn dụ đến KCB là phòng khám chuyên khoa đối diện BV Ung bướu. Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận có dấu hiệu "cò" đưa bệnh nhân đến cơ sở KCB rồi bỏ đi. Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với 2 bệnh nhân (BN). 1 BN cho biết đến trước cổng BV Ung bướu KCB, thì có người hướng dẫn vào PK trên (chỉ đóng tiền phí KCB, không đóng thêm khoản nào khác). Còn trường hợp thứ 2 bị thu phí dẫn đi KCB là 50.000 đồng.

Đọc Báo Thanh Niên để 'né' cò lừa khám chữa bệnh 

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cảm ơn Báo Thanh Niên vào cuộc phản ánh vấn nạn "cò" KCB lộng hành. Sở Y tế TP.HCM trân trọng ghi nhận các phản ánh của người dân và truyền thông khi phát hiện các hành vi lợi dụng người bệnh để vi phạm pháp luật.

Loạt bài điều tra phản ánh tình trạng "cò" KCB hoạt động gây bát nháo, lừa BN, gây mất an ninh trật tự trước cổng PK Medic - Hòa Hảo (đường Hòa Hảo, Q.10), BV Da liễu (Q.3), BV Ung bướu (Q.Bình Thạnh) và BV Chợ Rẫy (Q.5).

Trao đổi với PV Thanh Niên, ngày 8.2, nhiều BN đi KCB tại PK Medic - Hòa Hảo, BV Ung bướu, BV Chợ Rẫy, BV Da liễu… cho biết có theo dõi loạt bài "Cò" khám chữa bệnh lộng hành trên Thanh Niên, qua đó nhận diện, đề phòng thủ đoạn để không bị dính bẫy "cò".

Các PK còn lại tuy chưa phát hiện có dấu hiệu "cò" KCB, nhưng các PK có những hành vi vi phạm trong hoạt động KCB. Cụ thể, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật PK vắng mặt. Người hành nghề không đăng ký hành nghề KCB. Nhân sự tham gia KCB không mang biển tên đầy đủ theo quy định. Niêm yết giá dịch vụ KCB không đầy đủ. Bác sĩ KCB không đúng với chuyên khoa đã đăng ký. Bác sĩ không lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định. PK chưa thực hiện niêm yết biển tên các phòng chức năng đúng theo biên bản thẩm định của Sở Y tế.

Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng "cò" tại các cơ sở KCB.

“Cò” khám chữa bệnh lộng hành: Sở Y tế TP.HCM xác định nhiều phòng khám vi phạm - Ảnh 3.

CÔNG AN VÀ CÁC QUẬN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Cũng trong ngày 8.2, TS-BS Nguyễn Anh Dũng cũng ký công văn gửi Giám đốc Công an TP.HCM về việc tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.

Sở Y tế TP.HCM cũng có văn bản gửi UBND Q.3, Q.10 và Q.Bình Thạnh đề nghị chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành quận thực hiện kiểm tra thường xuyên; giám sát, xử lý theo quy định của pháp luật tình trạng "cò" KCB tại các cơ sở y tế trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ; đặc biệt tại khu vực xung quanh các BV, trung tâm y tế nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở KCB.

"Cò" lui vào hoạt động lén lút 

Sau khi Thanh Niên phản ánh, Sở Y tế TP.HCM vào cuộc, các nhóm "cò" cũng biến mất, những PK tư liên kết với "cò" cũng trở nên vắng vẻ. Tuy nhiên, vấn nạn "cò" KCB vẫn còn tiềm ẩn phức tạp khi các nhóm "cò" lui vào hoạt động lén lút.

Khác với cảnh tượng lộn xộn, nhiều "cò" tụ tập, chèo kéo người bệnh như mọi ngày, sáng 8.2, PK Medic - Hòa Hảo vắng bóng "cò" KCB. BN vẫn tấp nập đến PK này, nhưng từng lượt người, xe máy thong thả vào cổng mà không gặp bất kỳ sự truy cản, lôi kéo nào. Không còn cảnh bát nháo là vậy, nhưng một số ít "cò" giả dạng xe ôm, BN để kín kẽ hoạt động.

Tương tự, trước cổng BV Da liễu và BV Ung bướu, các nhóm "cò" không còn lộng hành như trước, lực lượng chức năng tuần tra sát sao.

Cũng trong ngày 8.2, khu vực bến xe ôm tự quản (trước cổng BV Chợ Rẫy), dán một tờ giấy với nội dung: "Thông báo, tất cả anh em xe ôm tự quản tuyệt đối không làm cò số khám bệnh. Nếu xảy ra sự việc, bị bắt quả tang, công an phường đuổi ra khỏi bến". Thông báo này được ông Nguyễn Hồng Nhựt (tổ trưởng) ký tên.

Trong vai người nhà BN đến KCB tại BV Chợ Rẫy muốn bốc số nhanh, PV tiếp cận nhóm xe ôm, thì được trả lời vừa bị báo chí phản ánh, công tác quản lý đang siết chặt, không dám nhận bốc số giúp. Tuy nhiên, qua điện thoại, nhóm của bà "Th. Chợ Rẫy" ("cò" bốc số nhanh, trực trước cổng BV Chợ Rẫy mà Thanh Niên phản ánh) cho hay "đã lui về hoạt động từ xa".

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nạn "cò" KCB tại các BV tuyến cuối luôn là vấn đề nóng, là thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho BN, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng môi trường phục vụ văn minh, hiện đại, nghĩa tình tại các BV trên địa bàn.

Mặc dù ngành y tế và ngành công an TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong sự phối hợp hoạt động để ngăn chặn nạn "cò" KCB, nhưng rõ ràng vẫn chưa đủ sức răn đe tệ nạn này tại các BV. Hơn nữa, hoạt động KCB hiện nay đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, cũng chính là thời điểm để nạn "cò" KCB tái diễn phức tạp.

Do đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả BV và các cơ sở KCB phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ. Tăng cường phối hợp lực lượng công an địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực đông người, nhất là khu vực đăng ký khám bệnh. Các BV cần đẩy mạnh triển khai các ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; tăng cường truyền thông để BN cảnh giác với nạn "cò" KCB. Đặc biệt, tất cả BV phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng "cò" ngang nhiên hoạt động trong BV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.