Có khó gì một chiếc cầu cho trẻ thơ!

Mỗi khi trở về Quảng Nam, tôi lại lên huyện miền núi Nông Sơn nhìn chiếc cầu tươi đẹp bắc qua đôi bờ sông Thu trên bến Cà Tang, để nhớ.

Nơi đây 9 năm về trước, 18 em học sinh bị tai nạn chìm đò khi qua sông trên dòng nước chảy xiết. Báo chí và những người yêu trẻ thơ đã vận động xây dựng được cây cầu ấy, đáng lẽ chỉ để trẻ thơ đi học và bà con di chuyển nhẹ nhàng qua đôi bờ thôi.
Vậy nhưng vẫn có những kẻ lạm dụng chạy những chiếc xe tải nặng nề qua cầu mà chẳng bao giờ nghĩ đến tải trọng và mục đích xây dựng cây cầu.
Mới đây, tôi vào mạng và xem được clip của Truong Goay quay đoạn phim hàng trăm em học sinh xã An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) qua sông đi học trên những chiếc bè được kết bằng những cây luồng thô sơ.
Nước chảy thật xiết, đục ngầu. Trên mỗi chiếc bè, hàng chục em học sinh nhỏ đang ra sức kéo những sợi thừng giăng ngang sông để đưa bè qua bên kia. Một ngày hai buổi đi về như vậy, sinh mạng con em chúng ta đang bị nhiều nguy cơ rình rập. Xin cám ơn bạn Truong Goay và clip đưa trên mạng, cám ơn các bạn đồng nghiệp nhà báo đã nối tiếp thông tin để cảnh báo dư luận.
Mùa nhập học của con em chúng ta cũng là mùa mưa bão. Lũ lụt về bất cứ khi nào, thông thường thì được báo trước, đôi khi không được báo trước. Một con đập, một hồ nước thiên nhiên nào đó vỡ thì hàng triệu mét khối nước sẽ tuôn xuống sông suối. Sông suối sẽ biến thành lũ dữ. Liệu sức con em chúng ta - những trẻ thơ vùng sâu, vùng xa hiếu học, có đủ để chống lại cơn lũ, giữ mình an toàn được hay không?
Thực tế trẻ con đi bè vượt sông học hành không chỉ có ở Văn Lương, Yên Bái. Đâu đó xa xôi trên những huyện nông thôn và miền núi phía Bắc, miền Trung và cao nguyên vẫn còn những dòng sông, con suối không có chiếc cầu, dù là chỉ là cầu tạm cho trẻ con đi học.
Những người và những cơ quan hữu trách của các địa phương xã, huyện, tỉnh khi được hỏi về những chiếc bè đưa trẻ qua sông đã rất sẵn sàng đổ thừa cho sự khó khăn, nguồn kinh phí eo hẹp, kế hoạch xây dựng chưa có. Điệp khúc ấy nghe thật chán nản.
Ảnh: Tiểu Thiên
Một chiếc cầu tạm cho trẻ thơ qua sông đi học thì kinh phí là bao nhiêu? Địa phương nào không có cây gỗ, tre nứa, dây thừng?
Địa phương nào mà không có những người nông dân tốt bụng, những bà con sẵn sàng bỏ ra năm ba ngày công để làm cho trẻ thơ một chiếc cầu tạm đi lại an toàn và hữu hiệu. Không nói đâu xa, các phụ huynh có con em đi học nghe xã xây cầu tạm cho các em cũng đã sẵn sàng gác lại mọi công việc để làm cầu cho con em mình đi.
Nhiều nơi, nhiều ngành có thể tham lam hay làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, có thể xây dựng những công trình vô bổ, hình thức chủ nghĩa. Vậy nhưng, nói đến một chiếc cầu tạm cho trẻ thơ đi học thì cứ đổ cho khó khăn, nghèo túng.
Có cái gì đáng buồn cười hơn một tay ma đầu như Phạm Công Danh làm mất đứt trên 9.300 tỉ đồng của nhà nước mà ta lại không kiếm ra được năm chục triệu đồng để làm một chiếc cầu tạm cho trẻ thơ?
Xóm Vườn Bộng (thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) có lão nông Lê Văn Thành đang ở trong căn nhà rách nát, phải làm phu hồ lo cho bốn đứa con đi học nhưng sẵn sàng bỏ ra một trăm triệu đồng để xây dựng chiếc cầu bê tông cho trẻ con đi học. Làm sao ông Thành có 100 triệu đồng ấy?
Đó là số tiền ông và vợ chắt chiu để sau này lo hậu sự. Thấy trẻ thơ qua xóm Vườn Bộng hay bị té xuống sông, thấy đám ma qua cầu Vườn Bộng (cũ) người té hết mà chiếc hòm còn lại trên cầu, ông Thành cùng bà vợ thấy lòng đau xót. Vậy là hai vợ chồng hiến hết số tiền dành dụm, mua vật tư cùng bà con xây chiếc cầu cho mọi người.
Ông Lê Tất Dũng ở thôn Phú Lộc (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) dành dụm được 300 triệu đồng, định làm nhà mới. Thế nhưng, nhìn thấy một đứa bé rơi xuống sông Vu Gia chết đuối, ông cầm lòng không đậu, bỏ ra 300 triệu xây chiếc cầu phao bắc qua sông Vu Gia phục vụ mọi người. Ông vốn có tay nghề cơ khí, có kiến thức, được bà con trong xã ủng hộ ngày công nên cầu phao được xây dựng rất… hoành tráng. Từ đây, người đi làm ruộng bên kia bờ sông Vu Gia và bọn trẻ đi học đã có thể yên tâm đi về trong những ngày mưa bão.
Cho nên, những nơi đưa ra cái nghèo, cái túng để giải thích lý do không làm được chiếc cầu cho trẻ thơ đi học là nói không thật lòng! Họ đang từ chối trách nhiệm của mình. Việc vận động quần chúng tham gia ủng hộ công sức, tiền bạc để làm một chiếc cầu công ích là việc mà tất cả các nơi đều làm được. Thế nhưng, thay vì làm điều thiết thực đó, họ lại đổ thừa cho khách quan hoặc ỷ lại vào cấp trên, đợi cấp trên rót kinh phí về mới chịu làm.
Trẻ thơ là vốn quý của đời sống, của đất nước. Trong những quyền lợi của trẻ thơ thì quyền an toàn tính mạng và quyền được học hành là hai quyền lớn nhất. Đu dây qua sông, đi bè luồng qua sông là rất nguy hiểm cho trẻ thơ, nhất là trong mùa bão lụt. Con em ham học như vậy, lẽ nào chúng ta không tạo điều kiện sơ đẳng để khuyến khích chúng bay cao, bay xa hơn.
Chúng ta phải chặn đứng điều nguy hiểm mà con em có thể gặp phải, không thể để nó diễn ra trong nông thôn an bình, hạnh phúc. Còn khi việc đáng tiếc đã xảy ra rồi thì dù có trăm lần trợ giúp, ngàn lần chia buồn cũng hóa thành vô tác dụng.
Đi qua những làng quê miền Trung, lòng người thật an bình. Sông rạch nào cũng có cầu, cầu xi măng hoặc cầu ván, an toàn tiện lợi. Bọn trẻ đi học soi mình trên dòng sông trong, tiếng nói giọng cười nghe thật hạnh phúc. Đi qua những làng quê đồng bằng sông Cửu Long, lòng người thật an bình.
Các bậc cha mẹ đã biết nhắc nhở con cái mặc áo phao khi ngồi trên vỏ lãi, tắc ráng hay đò dọc đến trường. Một chiếc cầu nho nhỏ xinh xinh, một chiếc áo phao khi qua vùng sông nước - đó là hành động cần thiết để bảo vệ sinh mạng trẻ thơ.
Mùa mưa lũ năm nay đang đến và diễn biến khá phức tạp. Ngành giáo dục thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh ở miền Bắc đã khá bén nhạy khi cho phép các trường cho toàn bộ học sinh nghỉ học khi bão số 2 Nida tiến vào miền Bắc.
Các vị lãnh đạo ngành giáo dục toàn miền Trung và cao nguyên cũng bén nhạy như vậy trong những ngày mưa bão trước đây. Học sinh chúng ta học cả năm, có cho các em học sinh nghỉ một vài bữa vì bão lớn, mưa to, lốc dữ thì cũng là điều cần thiết.
Sinh mạng con em chúng ta là vốn quý nhất trên cuộc sống này. Việc chăm sóc trẻ thơ, tạo điều kiện cho trẻ thơ học hành, vui chơi an toàn, thoải mái là nghĩa vụ của người lớn. Một chiếc cầu cho trẻ thơ qua sông, qua suối là điều cần thiết phải được làm ngay, nhân danh tình yêu trẻ thơ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.