NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC TỪ XE BÁNH MÌ
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, Thư trở thành họa sĩ tự do và bán bánh mì chay mỗi sáng trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) từ tháng 11.2022. Ngày bán đầu tiên, Thư và người bạn đăng clip lên mạng xã hội, bất ngờ được lan tỏa mạnh vì tinh thần lạc quan, yêu đời. Sau những lần buồn vì các bình luận khiếm nhã, Thư trở nên tự tin hơn và không bận tâm đến những cảm xúc tiêu cực. Cô thoải mái mặc những bộ đầm yêu thích, tô thêm chút son tươi tắn, rạng rỡ là chính mình.
Nói về lý do chọn bán bánh mì chay, Thư cho biết hồi ở chùa Thư ăn chay nên biết cách nấu những món chay. Sau thời gian tập làm nhân bánh mì, Thư mời mọi người ăn thử, tiếp nhận các phản hồi rồi mới chính thức mở bán.
Mỗi ổ mì chay được bán giá từ 20.000 - 27.000 đồng, với tất cả nguyên liệu do cô gái nhỏ nhắn đi chợ mua từ chiều tối hôm trước, 4 giờ sáng dậy chế biến và 7 giờ bắt đầu bán. Bánh mì được gói cẩn thận trong túi giấy để bảo vệ môi trường kèm theo một stick thông điệp chúc ngày mới nho nhỏ được cô viết tay.
"Tụi em bán bánh mì buổi sáng và muốn truyền nguồn năng lượng tích cực ngày mới tới mọi người. Các clip em và bạn quay đăng lên mạng không chỉ là clip bán bánh mì mà còn là khoảnh khắc trong cuộc sống hằng ngày. Em muốn chia sẻ thông điệp mọi người hãy tự tin là chính mình, mình phải yêu đời trước thì đời mới yêu mình. Em thấy khi mình tự tin, sống tử tế thì người ta không nhìn vào khiếm khuyết của mình để đối xử với mình", Thư cười chia sẻ.
Qua mạng xã hội, xe bánh mì chay của Thư được nhiều khách biết đến. Mỗi ngày Thư bán 40 ổ và thỉnh thoảng lấy bánh nhiều hơn, làm nhân nhiều hơn để có dư đi mời những người khó khăn.
"NGÔI NHÀ" ĐẶC BIỆT
Tuổi thơ không có nhiều bạn bè ở trường, thời gian rảnh Thư thường chơi với các bạn ở trong chùa hoặc ngồi vẽ. Dù vậy, Thư vẫn nhận thấy mình may mắn vì có tình yêu thương của các sư cô, các thầy. "Nhiều bạn ngang tuổi em khi ấy ở ngoài xã hội có cha mẹ nhưng vẫn phải bươn chải ngoài đường. Em được ăn uống, đi học, đủ ăn, đủ mặc, chắc chỉ thiếu tình cảm của cha mẹ thôi", Thư nói.
Năm cấp 2, một người đến chùa làm thiện nguyện gặp Thư đang ngồi vẽ đã khen cô vẽ đẹp, rồi động viên, nhận làm em gái khiến Thư lâng lâng hạnh phúc. "Đó là lần đầu em mơ hồ cảm nhận được hai chữ "gia đình" là như thế nào. Tháng nào em cũng mong chờ tới ngày chị vào thăm. Đó là động lực để em theo đuổi đam mê vẽ đến ngày hôm nay", Thư bày tỏ.
Hiện ngoài bán bánh mì chay, Thư bán thêm khô nấm và vẽ tranh theo đặt hàng của khách nước ngoài. Mỗi năm 2 lần, Thư về lại chùa chuẩn bị tập vở, mua quà bánh cho các em của mình.
Bạn Dương Thị Lộc, người cùng bán bánh mì với Thư, chia sẻ: "Trước khi bán bánh mì, chị Thư rất nhạy cảm, nhưng tụi em ngồi lại nói chuyện với nhau và đặt mục tiêu cùng hướng đến điều tích cực nên giờ chị Thư tự tin hơn, lạc quan hơn nhiều. Tụi em có nhiều khách quen là những người làm quanh đây".
Sư cô An Quý ở Tịnh xá Bửu Sơn cũng tự hào khi nhắc đến "cô Khuyết" Anh Thư: "Thư lớn lên trong chùa và giờ có thể tự lập với công việc của mình, đó là niềm vui của các thầy, cô. Đáng quý hơn, Thư vẫn tranh thủ về thăm, mua quà cho các em như em út trong nhà, mùa dịch Thư về ở dạy các em học". Theo sư cô, tịnh xá cưu mang trẻ mồ côi, người già neo đơn từ năm 1990. Nhiều bạn trưởng thành, ra đời lập gia đình nhưng vẫn quay về chùa thăm, chăm sóc các em nhỏ.
Bình luận (0)