Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục phó Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH, chương trình thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề bắt đầu được triển khai năm 2008 với sự tham gia của 76 cơ sở dạy nghề, chiếm tỷ lệ 5,9% tổng số cơ sở dạy nghề trên cả nước.
Sau khi kiểm định, có 53 cơ sở dạy nghề (chiếm tỷ lệ 69%) đạt cấp độ 3, cấp độ cao nhất về chất lượng dạy nghề; 15 cơ sở đạt cấp độ 2 và 8 cơ sở đạt cấp độ 1.
Việc đánh giá, xếp hạng các trường nghề được thực hiện trên 4 nhóm tiêu chí: quy mô, số nghề đào tạo; cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị và chương trình, giáo trình, phương tiện dạy học; hiệu quả sử dụng các nguồn lực và kết quả hoạt động. Ông Minh cho biết: “Hằng năm, việc kiểm định vẫn diễn ra tại các trường.
Trước khi đoàn đánh giá của Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB-XH xuống trường thực hiện việc đánh giá ngoài thì các trường phải tự đánh giá. Sau khi kiểm định, trường nào đạt được bao nhiêu tiêu chuẩn, bao nhiêu tiêu chí thì căn cứ vào hướng dẫn để xếp hạng”. Thế nhưng, các kết quả của việc kiểm định chất lượng dạy nghề hầu như chưa được công bố rộng rãi để xã hội biết tới nên mức độ quan tâm của người học cũng chưa cao.
Bình luận (0)