Có lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK?

20/09/2018 07:09 GMT+7

Đó là băn khoăn của nhiều cử tri được đại biểu Quốc hội chuyển tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn sáng 19.9.

Mỗi năm xã hội mất 1.000 tỉ vì SGK dùng một lần
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, bà rất băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa (SGK) và vấn đề lãng phí trong in ấn SGK. Theo bà Nga, Nghị quyết 88 của Quốc hội (QH) chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK nhưng thực tiễn có tiết kiệm trong việc in ấn SGK hay không? “Hiện tại, có nhiều dư luận, nghi ngại liên quan tới độc quyền trong hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục và đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT làm rõ vấn đề dư luận nêu”, bà Nga nói.
“Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, một bộ sách không thể dùng được 2 - 3 thế hệ?”, bà Nga đặt câu hỏi và trả lời bằng cách giơ cuốn SGK môn toán lớp 1 lên trước Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) và cho biết, hiện nay, cách soạn và in SGK đã rất khác. “Trước đây bài tập có sách riêng, SGK có sách riêng nhưng bây giờ như cuốn sách môn toán lớp 1 này phần bài tập được in luôn vào SGK và học sinh buộc phải làm bài tập vào trong đó. Như thế này, đương nhiên là khóa sau không thể dùng được sách của khóa trước”, bà Nga nói.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết bà muốn chuyển băn khoăn của nhiều cử tri tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, rằng “Tại sao chúng ta phải in luôn bài tập vào trong SGK? Tại sao lại để phí mỗi năm xuất bản hơn 1 triệu bản SGK, xã hội mất hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau thì không dùng được nữa?”.
Tiếp ý kiến của bà Nga, Trưởng ban Dân nguyện QH Nguyễn Thanh Hải cho biết liên quan tới vấn đề SGK chỉ sử dụng được một lần gây lãng phí, bản thân bà và nhiều đại biểu QH, cử tri đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khóa trước, song câu trả lời nhận được là đấy không phải SGK mà chỉ là sách bài tập hoặc sách tham khảo. Bà Hải khẳng định, theo tìm hiểu của mình thì SGK của nhiều môn học đều có in phần bài tập dẫn đến chỉ dùng được một lần, năm sau lại phải mua sách khác mà không dùng lại được nữa. “Mặc dù mỗi cuốn SGK giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng nhưng lại ảnh hưởng tới muôn nhà khi cả nước hiện nay có tới 15,6 triệu học sinh”, bà Hải nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thanh tra ngay vấn đề in và phát hành SGK, đặc biệt là liên quan tới những biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành SGK.
Cuối năm sẽ công bố báo cáo giám sát việc phát hành SGK
Phát biểu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH Phan Thanh Bình đánh giá ngành giáo dục thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định song cũng có nhiều “xao động”. Liên quan tới vấn đề SGK, ông Bình cho biết: “Theo quy định hiện hành chúng ta chỉ có một chương trình và một bộ SGK duy nhất giao cho Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản GD phát hành SGK”. Tuy nhiên, bản thân ông Bình cũng băn khoăn: “Dường như đây là hiện tượng vi phạm pháp luật về độc quyền”.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH cũng cho biết, ủy ban này đã tiến hành giám sát đối với việc xuất bản SGK và sẽ thông qua trong báo cáo giám sát cuối năm của ủy ban. “Khi chúng tôi công bố báo cáo giám sát vấn đề này vào cuối năm thì các thông số sẽ rõ ràng hơn”, ông Bình nói và cho biết thêm rằng theo tinh thần Nghị quyết 88 với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK thì các quy định sẽ được điều chỉnh, không chỉ một mình Nhà xuất bản GD được quyền in ấn và phát hành SGK nữa.
Cũng liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, ông Bình cho biết, theo lộ trình thì từ năm học 2019 - 2020 sẽ tiến hành áp dụng ở cấp học đầu tiên. Theo lộ trình, Bộ GD-ĐT phải công bố chương trình tổng thể, chương trình môn học sau đó các nhà khoa học, chuyên gia tham gia viết sách, hội đồng thẩm định quốc gia về SGK thẩm định thông qua, rồi tiến hành thử nghiệm, sau đó mới đưa vào dạy đại trà. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố chương trình môn học trong khi thời gian còn lại rất ít khiến dư luận băn khoăn không biết thời gian có đủ để các tổ chức cá nhân tham gia viết sách và tiến hành thực nghiệm trước khi đưa vào áp dụng hay không? Từ đó, ông Bình đề nghị Bộ GD-ĐT có công bố rõ ràng việc triển khai thực hiện và lộ trình để dư luận hiểu rõ, tránh băn khoăn, hoang mang không cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.