Có mấy ai như “Bợm Số Ba” giữa phố thị Sài Gòn!

27/07/2019 08:30 GMT+7

Nhóm SOS chuyên kích bình xe miễn phí với tinh thần “Bạn hữu đường xa - Hỗ trợ về nhà” có một thành viên rất đặc biệt, đó là “Bợm Số Ba”…

“Bợm Số Ba” tên thật là Lê Thanh Phụng (30 tuổi), quê ở Cam Ranh (Khánh Hòa). "Ở nhà, gia đình mình gọi mình tên Bợm từ nhỏ giờ. Mình ở ngay cây số ba Cam Ranh nên về quê hỏi tên Bợm Số Ba ai cũng biết, chứ hỏi tên thật là Phụng thì không ai biết", anh Phụng bật mí về “biệt danh” mà nhiều người quen gọi.
Biến cố tai nạn giao thông khiến “Bợm Số Ba” mất gần trọn chân trái. Anh vào Sài Gòn năm 2013, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Kể từ đó, anh sống trong căn nhà của một đại lý vé số, cùng với gần 40 người cơ nhỡ từ khắp nơi đổ về ngày ngày rong ruổi mưu sinh.

Chênh vênh những biến cố ập đến trong đời…

Chúng tôi hẹn gặp anh “Bợm Số Ba” (tức anh Lê Thanh Phụng) ở một quán cafe trên đường Nguyễn Kim (Q.10) mà nhóm SOS “Bạn hữu đường xa - Hỗ trợ về nhà” thường xuyên lui tới; đợi khoảng 30 phút nhưng chưa thấy anh đến. Một người bạn của anh đang ngồi uống cà phê gần đó, bảo: “Em cứ đợi nó xíu nhe, nó đến rồi nhưng có xe nào đó cần kích bình nên nó chạy đi tiếp rồi. Xíu về ngay ấy mà. Thằng Bợm năng nổ nhất nhóm đó, chắc bao thầu cả Sài Gòn này rồi”.
Một lúc sau, “Bợm Số Ba” xuất hiện. Xe lăn đậu một góc, anh bước vào quán với áo quần gọn ghẽ, dáng người cao to, gương mặt tươi tắn. Đi cà nhắc vào chỗ ngồi, anh nở một nụ cười hiền hậu: “Chào em, anh mới chạy qua bên kia kích bình, em đợi lâu chưa?”.
Theo chia sẻ của “Bợm Số Ba”, anh đã trải qua những tháng ngày sóng gió: “Nhà anh có ba anh em, anh là anh cả trong gia đình, đứa em trai út mất lâu rồi, giờ gia đình chỉ còn anh với em gái”. “Bợm Số Ba” từng có gia đình riêng, nhưng vì những biến cố trong đời, anh không giữ được hạnh phúc trọn vẹn.

Trong lúc đang chới với về cuộc đời này nhất, mình gặp những người tật nguyền như mình, họ đi bán vé số dọc các nẻo đường. Mình mới tự hỏi là người ta họ cũng như mình, nhưng họ lại sống rất vui. Không lẽ mình không làm được như thế...

"Bợm Số Ba"

Từ đó, mỗi buổi tối “Bợm Số Ba” đều lái chiếc xe lăn tự chế, chống nạng vào các hàng quán khắp Sài Gòn để bán vé số.
“Ban đầu, mình ngồi chiếc xe lăn mà lấy tay đẩy. Sau mình tự chế ra chiếc xe chạy bằng bình ắc quy. Mình cũng tự chế thêm vài chiếc cho mấy anh chị ở chung nhà nữa để đi đỡ mệt. Bán vé số cực nhất là lúc trời mưa, đường trơn trợt. Nhiều lúc mình chống nạng đi trời mưa vào quán bán bị té hoài à, nên những ngày đó mình thường nghỉ, không dám đi”, anh kể.

Tích cực đi kích bình xe miễn phí, "Bợm Số Ba" thường đón nhận những lời cảm ơn chân thành của chủ xe

PHẠM THU NGÂN

Khi được hỏi tại sao cũng còn trẻ mà không tìm việc khác dễ mưu sinh hơn, “Bợm Số Ba” kể: “Cuối năm 2016, có người mua vé số của mình và trúng lớn, họ cho mình hơn 200 triệu. Mình quyết định về quê một lần nữa, đầu tư toàn bộ số tiền để nuôi tôm. Cơn bão Damrey cuối năm 2017 tàn khốc quá đỗi, đã làm người dân Khánh Hòa chịu thiệt hại nặng nề, mất mát, lao đao. Mùa tôm của mình với cả sự nghiệp mới mà mình dồn sức vào, mất trắng”.
Buồn bã, “Bợm Số Ba” vào lại Sài Gòn tiếp tục bán vé số. Anh bảo mình không có vận may: “Em không biết đâu, mình làm nhiều nhưng mà không được nhiêu. Giờ mình học được một bài học là hãy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình”.

Trở thành “hiệp sĩ” kích bình xe

Nhóm SOS “Bạn hữu đường xa - Hỗ trợ về nhà” được thành lập hơn 1 năm với hơn 200 thành viên, chuyên kích bình xe miễn phí cho những tài xế cần hỗ trợ trên các ngã đường Sài Gòn. Anh “Bợm Số Ba” hiện là thành viên năng nổ nhất của nhóm. Anh bảo được gia nhập các nhóm bạn hữu, đi kích bình miễn phí cho các tài xế có xe chết máy, là niềm vui nhất của anh.
Công việc chính của “Bợm Số Ba” là bán vé số. Nhưng lúc nào anh cũng “lận lưng” điện thoại để xem có người nào nhắn tin cần hỗ trợ kích bình xe, thì anh sẽ chạy ra ngay. Những năm qua, anh đã kích bình hơn 500 trường hợp. “Mình đi kích bình ngày không, ngày có. Trung bình một ngày đi kích bình tầm vài trường hợp, có khi một ngày lên đến 6 trường hợp. Đa phần là những trường hợp đêm khuya thôi, vì giờ đó cũng ít người trong nhóm có thể đi. Bây giờ mình kích chuyên nghiệp rồi, container mình cũng có thể kích đó”, “Bợm Số Ba” cười lớn.
Chúng tôi nhẩm tính, một trường hợp hết bình xe ô tô thì giá dịch vụ kích bình thấp nhất cũng 100.000 đồng, chưa kể nếu đêm khuya thì giá có khi tới 300.000 đồng. “Bợm Số Ba” hỗ trợ kích bình xe khoảng 500 trường hợp, tiền công đã trên dưới trăm triệu.
Thế nhưng, anh đã chẳng bỏ túi một đồng nào, đã thế lại còn tự bỏ tiền túi mua dụng cụ kích bình xe.
“Có nhiều người cũng cho tiền, nhưng mình chỉ nói một câu: Mình bên nhóm hỗ trợ kích bình, miễn phí nên không lấy tiền. Nếu mình lấy tiền sẽ ảnh hưởng đến đội của mình”.
Đôi mắt sáng lên, “Bợm Số Ba” tiếp lời: “Giúp mấy giờ khuya thì anh em rất cần đó, vào 2-3 giờ sáng thì dịch vụ cũng nghỉ. Mấy anh em mà được hỗ trợ thì rất mừng, mà mình thì càng mừng hơn nữa, để cho anh em về nhà nghỉ ngơi”.

Hành trình rong ruổi mưu sinh đầy khó nhọc của "Bợm Số Ba"

PHẠM THU NGÂN

Nhóm kích bình xe miễn phí mà “Bợm Số Ba” tham gia, không chỉ chờ người gọi đến rồi mới phân giao anh em trực khu vực đi, mà còn tự chủ động tìm những thông tin tài xế đang cần giúp đỡ trong các nhóm giao thông trên mạng xã hội. Anh chia sẻ: “Ai thấy thông tin là chuyển ngay. Một ngày trong nhóm kích bình cũng hăng say lắm, ngày chục lượt ấy chứ”.
Chuyện trò cùng chúng tôi, “Bợm Số Ba” luôn cười tươi, nhưng trông đôi mắt anh hằn lên nhiều nỗi buồn.
“Có điều gì đó trong chuyện kích bình miễn phí khiến anh muộn phiền không”. “Bợm Số Ba” nói: “Có những người không phải là thành viên trong nhóm bạn hữu nên khi họ thấy mình lại kích bình, họ tưởng mình làm theo kiểu dịch vụ nên có thái độ sai khiến lắm. Những lúc đó mình thấy buồn, nhưng cũng cố gắng hỗ trợ, khi biết miễn phí thì họ mới ríu rít tay bắt mặt mừng”.

"Bợm Số Ba" có khả năng "chế" xe lăn điện giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ

PHẠM THU NGÂN

Thắp lại niềm hy vọng…

Dẫu có đôi khi muộn phiền là vậy, nhưng đêm nào, ở phố thị Sài Gòn, có ai cần kích bình, "Bợm Số Ba" đều chống nạng, ngồi trên xe lăn chạy đến hỗ trợ kịp thời, bất kể thời gian, địa điểm.
Với việc làm thiện nguyện giữa phố thị Sài Gòn, một lần nữa niềm hy vọng sống thắp lại trong “Bợm Số Ba” từng đối mặt nhiều điều không may mắn.
Tôi nhớ mãi lời anh chia sẻ: “Đừng tự ghét bỏ bản thân dù mình là người khuyết tật, hãy hài lòng với cuộc sống hiện tại và không ngừng tiến lên về phía trước”.
Sống giữa phố thị Sài Gòn, tấm lòng của “Bợm Số Ba” như một ngọn gió mát lành. Tôi thầm mong niềm tin yêu cuộc sống của “Bợm Số Ba” sẽ được đền đáp bằng những điều may mắn nhất đến với anh trong những tháng ngày mưu sinh phía trước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.