Đã bao đời nay, địa danh này là niềm tự hào của các thế hệ người dân bản địa.
Thuận An là một trong những địa bàn dân cư có lịch sử phát triển lâu đời, với vị trí địa lý thuận lợi, lại được mẹ thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi về đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện giao thương với các vùng miền… Từ khi Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu kinh lược đất phương Nam, "lấy đất Nông Nại làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn", cũng như các khu vực lân cận, vùng đất Thuận An ngày nay đã tạo sức hút lớn với những lớp cư dân "mang gươm đi mở cõi".
Riêng dải đất rộng lớn nằm ven sông Sài Gòn thơ mộng, bao gồm 6 phường, xã của Thuận An, trở thành xứ sở của các loại trái cây đặc sản nức tiếng gần xa. Trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc và sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, vườn cây ăn trái Lái Thiêu vẫn tồn tại và phát triển như khí phách kiên trung bất khuất của người dân nơi đây.
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay, với vị trí nằm giữa các đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm năng động nhất cả nước, vai trò của vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu càng được đề cao, vừa là lá phổi của cả khu vực, vừa là khu du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng cho các tầng lớp nhân dân sau những ngày lao động mệt nhọc giữa phố thị ồn ào, náo nhiệt.
Đến với miệt vườn Lái Thiêu, chúng ta không chỉ có dịp được thưởng thức các loại trái cây đặc sản mà còn có cơ hội được tiếp cận nhiều loại thức ăn nổi tiếng khác như nem Lái Thiêu, mứt gừng Bình Nhâm hay bánh bèo bì Mỹ Liên hơn 100 năm tuổi… Đặc biệt, với bàn tay lao động cần cù, sự thông minh và sáng tạo của mình, người dân Thuận An còn làm vừa lòng du khách bởi những món ăn chế biến từ các loại trái cây mà tiêu biểu là gỏi gà măng cụt. Món ăn này được làm từ những trái măng cụt già vỏ còn xanh, bên trong phần cơm đã có vị ngọt và những con gà thịt săn, chắc, được luộc chín rồi xé thành những miếng nhỏ, trộn với các loại gia vị cùng nước mắm chua ngọt.
Măng cụt vốn chứa hơn 80 loại vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, khi măng cụt được chế biến với thịt gà – được xem như "món ăn quốc dân" của người Việt - sẽ trở thành món đặc sản không chỉ thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Gói gà măng cụt có thể ăn riêng, cũng có thể ăn với bánh phồng đều rất tuyệt.
Một nữ chủ quán ở An Sơn cho biết, các công đoạn làm món gỏi này mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi phải tỉ mỉ, nhất là khâu sơ chế măng cụt. Trước tiên, người ta ngâm măng cụt vào một thau nước muối loãng cho sạch mủ rồi dùng dao có mũi nhọn gọt lớp vỏ bên ngoài để lấy phần ruột bên trong. Sau khi lấy ruột măng cụt ra, phải rửa bằng nước muối một lần nữa rồi cắt thành từng khoanh vừa ăn. Kế tiếp, pha một thau nước với khoảng nửa muỗng đường, nửa muỗng canh dấm rồi ngâm măng cụt vào và để trong tủ lạnh cho giòn. Trước cho vào trộn gỏi thì vớt ra, để cho ráo. Thịt gà phải sơ chế cho thật sạch rồi luộc. Nước trong nồi phải ngập gà, cho thêm một ít muối cùng vài củ hành tím. Khi gà chín, lấy ra để nguội rồi xé phay.
Trộn măng cụt đã sơ chế với thịt gà cùng các loại gia vị như: hành tây thái khoanh, cà rốt thái sợi, rau thơm băm nhuyễn, ớt thái lát rồi rưới nước mắm chua ngọt lên và trộn đều, sẽ cho ra thành phẩm. Nói vậy để biết, làm món ngon cũng lắm công phu. Miếng măng cụt có vị chua ngọt, thanh mát, hơi chát cùng với miếng thịt gà bùi bùi sẽ cho ta cảm nhận dìu dịu mà lạ miệng, đáng nhớ.
Về với miệt vườn Lái Thiêu mùa trái chín (từ tháng 5 đến cuối tháng 8 hằng năm), bên cạnh việc được chiêm ngưỡng màu xanh ngút ngàn của cây lá, được ngồi xuồng du ngoạn, ngắm nhìn những vườn cây sai trĩu quả soi mình bên những con rạch và dòng sông Sài Gòn thơ mộng hay được ngả mình dưới bóng cây mát rượi, ta còn được thưởng thức hương vị các loại đặc sản nổi tiếng của vùng đất tươi đẹp này. Người xưa từng nói "món ngon nhớ lâu". Dư vị của những trải nghiệm ấy chắc sẽ in đậm trong ký ức của mỗi chúng ta.
Bình luận (0)