Có một miền quê nằm ở trong tim

19/08/2020 08:00 GMT+7

Nghị Đức có là quê hương của tôi hay không? Không còn quan trọng. Bởi vì hai từ “Nghị Đức” đã nằm ở trong trái tim của mình.

1.
Nhà ngoại tôi neo người, chỉ có má và cậu đều ở xa. Nên từ lúc sinh ra tôi đã gắn bó với ngoại nơi miền quê nghèo có tên gọi Nghị Đức, một xã của huyện miền núi Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Nơi có những ngôi nhà lợp mái ngói, cánh đồng thơm mùi lúa chín, những con người chất phác… và cái lạnh về đêm do nằm gần chân núi.
Hồi đó, Nghị Đức được chia làm ba thôn riêng biệt. Thôn một là người gốc Quảng Ngãi, thôn hai gốc Quảng Nam và thôn ba gốc Huế. Nhưng mà lạ lắm! Cả thôn cả xã hình như ai cũng quen biết nhau để mỗi lần chỉ cần tôi nói tên "con ông A, bà B, cháu bà H..." thì đều biết và có thể kể vanh vách cho tôi nghe về ngoại tôi, má tôi hay cậu tôi.

Đi cáp treo lên núi

Ảnh: Thanh Đông

Hồi đó, nhà ngoại tôi nghèo lại chỉ có hai bà cháu. Nhưng cũng không riêng gì ngoại tôi mà cả làng cả xã đều nghèo, họa chăng có vài gia đình khá giả hơn. Sau mỗi buổi đi học tôi lại ra đồng chăn trâu, cắt cỏ còn ngoại tôi thì phải lo mấy sào ruộng cùng miếng đất nằm cạnh nghĩa trang. Ngoại tôi hay nói: “Mai mốt ngoại có chết thì chôn ở đó”. Tôi lại gườm gườm khó chịu vì không muốn điều ấy xảy ra, dẫu biết là ngoại tôi đang nói đùa. Nhớ những lần trời mưa lớn. Con suối nằm ở phía sau nhà ngoại dâng lên đầy nước, tôi ngồi đợi mãi mà chưa thấy ngoại về. Thế là tôi bật khóc ngon lành vì sợ ngoại bị nước cuốn trôi. Giờ nhớ lại, tôi bật cười với cái suy nghĩ ngây ngô thuở nhỏ.
Hồi đó, con đường làng được đắp bằng đất sét, để mỗi lần mưa tôi lại dò dẫm trong mớ bùn nhão nhẹt trơn trợt ấy đến trường. Mỗi khi đi học về muộn, tôi vừa bước đi vừa lẩm nhẩm câu thần chú của riêng mình: “Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen”. Rồi lại thấy ngoại tôi lụi cụi trong mảnh áo tơi làm bằng bao ni lông cắt đôi đi tìm. Gặp ngoại chỉ nghe câu nói: "Về nhanh kẻo lạnh”. Đơn giản mà nhớ mãi không quên.
2.
Rời xa Nghị Đức cũng đã ngót nghét hai mươi năm. Tôi chạy theo cơm áo gạo tiền ít có dịp về lại nơi này. Thế mà mỗi lần về, vừa dừng đầu ngõ nhà ngoại đã nghe tiếng bà Hai gọi với sang: “Việt mới về hả con? Nhìn con răng mà ốm rứa? Chừ mấy đứa con rồi Việt?”, không để cho tôi kịp trả lời. Tôi chào bà Hai, không quên nhìn rõ khuôn mặt nhăn nheo của bà, mái tóc giờ đã bạc gần hết. Vậy mà bà không hề quên tôi, tựa hồ như chẳng có cuộc đi xa nào. Dù bây giờ tôi không còn chút gì của đứa trẻ ngày xưa. Thân quen đến lạ.
3.
Ngoại già. Tôi không muốn ngoại một mình thui thủi trong căn nhà mái ngói nay đã hư hỏng nhiều bởi thời gian. Tôi nhỏ to cùng ngoại: “Về dưới cậu hay vào má con mà ở. Chứ như ri đau ốm ai lo”. Ngoại cười nhưng đôi mắt lại xa xăm: “Khi mô đi không được nữa thì ai khiêng đi đâu thì đi”.
Tôi hiểu ngoại không muốn làm phiền lòng con cháu và cũng không nỡ xa mảnh đất này. Nghèo đó, khó đó nhưng mỗi lần có công chuyện lại cùng nhau san sẻ. Mệt thì nằm rồi nhờ cô Chín, thím Năm đi chợ nấu ăn; khỏe thì sang hàng xóm. Mấy chục năm rồi vẫn như vậy, chưa hề thay đổi. Không như trên phố, cả ngày phải ngồi trong bốn bức tường lạnh ngắt mà ngóng chờ con cháu đi làm về. Ngoại lại tủi thân.
4.
Nhiều lúc ra đường tình cờ gặp một người quê Nghị Đức vào đây làm việc. Không biết là lớn hơn hay nhỏ hơn mình vẫn hồ hởi chuyện trò, dù rằng trước đó chưa từng gặp bao giờ. Những câu chuyện về xã mình giờ ra sao, người ai còn ai mất... cứ vậy tuôn ra. Và câu cuối cùng bao giờ cũng là: “Tết có về quê thì ghé nhà tui chơi”...
Những người sinh ra, lớn lên và gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất Nghị Đức cũng mặc nhiên xem tôi cùng quê với họ. Còn riêng tôi, Nghị Đức có là quê hương của tôi hay không? Không còn quan trọng. Bởi vì hai từ “Nghị Đức” đã nằm ở trong trái tim của mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.