Có một Sa Pa ở Quảng Ninh

24/06/2017 10:02 GMT+7

Vùng núi cao của huyện biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) được nhiều người ví như Sa Pa tươi đẹp ở Lào Cai.

Cảnh sắc và khí hậu ở Bình Liêu là lý do để nhiều người gọi đây là Sa Pa. Nhiệt độ mùa hè ở đây thường thấp hơn các nơi khác 4 - 6 độ C, mùa đông cũng từng có tuyết rơi. Bình Liêu mùa nào cũng đẹp nhờ màu vàng óng thơm mùi nếp nương từ những thửa ruộng bậc thang, đến những dãy núi trùng điệp như sống lưng khủng long, các thác nước mát lạnh. Mùa đông có những nơi tuyết rơi dày trên các mái nhà, những bản làng nhỏ bên bìa rừng mờ ảo trong sương giăng bảng lảng, thấp thoáng những cô gái người Dao xúng xính trong bộ váy dân tộc rực rỡ.
Chúng tôi đã có chuyến khám phá đầy thú vị đến Bình Liêu. Xuất phát từ trung tâm TP.Hạ Long từ 6 giờ sáng bằng xe máy, sau gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi đến ngã ba Tiên Yên. Từ đây, trên cung đường 40 km đến trung tâm H.Bình Liêu, mọi người được trải nghiệm sự thoáng đãng, yên bình, một bên là con sông Tiên Yên với làn nước xanh như dải lụa óng, một bên là màu xanh ngút ngàn thơm lừng hương thơm của rừng keo, rừng quế... Đâu đó hai bên đường là những nếp nhà có khói bếp bay lên, sân nhà rộn tiếng trẻ thơ nô đùa, những gia đình đồng bao dân tộc Thái, Tày phơi quế… đẹp như một bức tranh.
Khoảng 10 giờ sáng, đoàn đã có mặt tại trung tâm H.Bình Liêu, rồi men theo quốc lộ 18C hướng về cửa khẩu Hoành Mô. Sau khi vượt qua các xã Lục Hồn, Đồng Tâm và con đường tuần tra biên giới, lần lượt qua các cột mốc 1300, 1302 rồi mốc 1305, chúng tôi đến được cột mốc nằm ở đỉnh núi cao nhất ở huyện miền núi này. Từ cột mốc 1302 chạy thêm 9 km thì đến con đường mòn nằm giữa dãy núi mang biệt danh “sống lưng khủng long” ngập tràn cỏ tranh. Từ đây, phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những đỉnh núi trùng điệp nhấp nhô.
Như lạc vào cảnh tiên
Một trong những điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa ở Bình Liêu là đình Lục Nà ở xã Lục Hồn. Đình có 5 gian, cột gỗ tròn đường kính khoảng 40 - 50 cm, tường xây gạch, mái lợp bằng ngói âm dương. Đình được xây dựng để phục vụ sinh hoạt cộng đồng và thờ thành hoàng làng. Đây cũng là một di tích lịch sử cách mạng của địa phương.
Đến Bình Liêu, du khách còn được thăm thác Khe Vằn ở xã Húc Động. Đường đến thác Khe Văn nhiều đoạn phải đi bộ qua những con suối đá cuội lổn nhổn nhưng cũng là cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp bản làng của người dân tộc Tày nơi đây với những nếp nhà, ruộng bậc thang...
Sau khoảng 10 phút đi bộ, thác Khe Vằn cao gần 100 m hiện ra như tấm lụa trắng, nước cuồn cuộn chảy, tiếng chim hót và hương thơm núi rừng khiến du khách như lạc vào cảnh tiên. Thác với ba tầng nước mang dáng vẻ khác nhau như những hồ nước nhỏ. Cạnh thác có nhiều tảng đá lớn nhẵn bóng rất lạ mắt.
Chúng tôi ngồi trên mỏm đá uống rượu khoai, một đặc sản của Bình Liêu và nhâm nhi thịt lợn nướng bên dòng nước Khe Vằn mát lạnh, cảm nhận một không gian vừa hoang sơ vừa lãng mạn không đâu bằng. Theo người dân dân địa phương, thác Khe Vằn là nơi hẹn hò của những cô gái, chàng trai dân tộc Sán Chỉ. Những đêm sáng trăng, trai gái người Sán Chỉ thường ngồi hát đối đáp bên thác. Vào ngày 16.3 âm lịch, nơi đây diễn ra lễ hội hát Soóng Cọ.

tin liên quan

Thăm 'Vịnh Hạ Long thu nhỏ' của miền Nam
(iHay) Có lẽ, nhiều người dân quanh vùng không tưởng tượng được từ một khu vực khai thác đá vôi ồn ào bụi bặm, giờ Bửu Long đã phát triển thành khu du lịch dễ thương đến độ được ví như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” của Đông Nam bộ.
Rời Khe Vằn, trước khi chia tay Bình Liêu, chúng tôi đến chợ trung tâm huyện và được thưởng thức xôi ngũ sắc, bánh coóc mò, ốc khe, cá suối… món nào cũng thơm mùi vị núi rừng. Bình Liêu ngày nay vẫn còn giữ được nhiều nét văn hoá bản địa đặc sắc, những tập quán sinh hoạt của nhiều dân tộc như lễ hội Đình Lục Nà, lễ hội Au Pò của người Tày và người Sán Chỉ, lễ hội hát Sán Cố của người Dao, nghi lễ hát then cổ của người Tày…
Trăn trở với du lịch Bình Liêu hiện nay là dịch vụ du lịch, hạ tầng vẫn chưa đủ để phát huy thế mạnh tiềm năng. Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND H.Bình Liêu cho biết: "Bình Liêu còn nhiều thiếu thốn nhưng có cảnh sắc tươi đẹp, văn hóa phong phú nên rất nhiều du khách đến nơi này và sau đó đã quay trở lại. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh du lịch "home stay" để vừa giữ được bản sắc văn hóa, tạo nét độc đáo cho du khách nhưng không phá cảnh quan thiên nhiên".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.