Có một thứ nước mắm hảo hạng ở Vân Đồn

06/02/2019 23:23 GMT+7

Ở vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh) có một thứ nước mắm hảo hạng được chế biến từ sá sùng. Đây là thứ nước mắm giàu dinh dưỡng, thường được người dân tìm mua mỗi dịp Tết.

Sá sùng là loài thân mềm, chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên xuống tạo ra những doi cát. Hiện nay, Vân Đồn được Tổng cục Thuỷ sản đánh giá là loại sá sùng ngon và có chất lượng cao nhất ở Việt Nam.
Trên thị thường, nhiều người thường quen với loại sá sùng phơi khô có giá trị từ 5 - 7 triệu đồng/kg tuỳ loại, ít người biết sản vật đắt tiền này còn được chế biến thành nước mắm hảo hạng nức tiếng.
Mỗi dịp tết đến xuân về, nước mắm sá sùng Vân Đồn thường được dân sành ăn tìm mua về dùng như một thứ đặc sản. Mỗi lần dùng thứ nước chấm này, người ăn có thể dễ dàng cảm nhận mùi thơm riêng có: vị ngọt của sá sùng, vị mặn mòi của cá biển. Để có được mỗi lít sá sùng, công đoạn chế biến cũng cầu kỳ và tốn nhiều năm mới có thành phẩm.
Nước mắm sá sùng hiện nay được sản xuất nhiều tại khu vực thị trấn Cái Rồng, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, nơi có khoảng 20 hộ dân, doanh nghiệp sản xuất. Ông Phạm Đức Lâm, chủ một cơ sở sản xuất nước mắm sá sùng Vân Đồn, cho biết loại nước mắm độc đáo này có quy trình sản xuất khác với nước mắm truyền thống. Đầu tiên, sá sùng phải nhập tại địa phương mới đủ độ đạm và kết hợp với cá duội, cá nhâm (loại cá được đánh bắt ở các ngư trường Bái Tử Long, Cô Tô...). Sau đó, cá và sá sùng được rửa thật sạch rồi đem vào ang lớn ướp muối, phơi ngấu tự nhiên.
Nước mắm sá sùng được lọc kỹ trước khi đóng thành thành phẩm Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
“Cứ đều đặn vào các buổi sáng, người làm nước mắm mở ang để ánh nắng chiếu vào rồi dùng gậy đánh đều, phơi ngấu. Còn những ngày mưa gió phải dùng bạt che đậy ang mắm thật kín. Lúc đầu, cá còn tươi sẽ nổi lên mặt ang, nhưng sau hơn 1 năm ướp với sá sùng, cá sẽ chìm dần xuống dưới đáy. Sau khoảng 2 năm sẽ đem đi lọc”, ông Lâm cho biết.
Ông Lưu Văn Dị, người có hơn 30 năm sản xuất nước mắm sá sùng Vân Đồn, cho rằng: "Cái ngon của thứ nước mắm nức tiếng ở Vân Đồn này chính là độ đạm và hương vị ngọt của sá sùng. Bởi sau khi ủ chượp, sá sùng còn được rang, nghiền kỹ, đem hoà với nước mắm. Nhờ đó, mắm sá sùng không những dậy mùi thơm ngon mà có độ đạm khác với nước mắm cá biển khác. Nước mắm sá sùng sau khi thành thành phẩm sẽ có màu vàng cánh gián, không đóng cặn và sóng sánh như mật ong. Đặc biệt là khi mở chai dễ dàng cảm nhận vị thơm riêng".
Cũng theo ông Dị, nước mắm sá sùng hiện khá đắt tiền bởi chi phí đầu vào khá lớn. Mỗi ki lô gam sá sùng tươi được chủ cơ sở thu mua của người dân từ 300.000 - 400.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn để mua. Chính vì vậy, nước mắm thành phẩm không có nhiều để bán.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết hiện nay thương hiệu nước mắm sá sùng Vân Đồn đã được chính quyền bảo hộ và trở thành nông sản địa phương. Những năm trước, loại nước mắm này chỉ được các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ và tiêu thụ nội địa là chính. Từ năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị để sản xuất nước mắm sá sùng với tiêu chuẩn, mẫu mã hiện đại, bảo quản lâu ngày hơn.
“Nước mắm sá sùng có nhiều loại nhưng ngon và cao đạm nhất có giá khoảng 1 triệu đồng/lít. Trong năm 2018, toàn huyện Vân Đồn đã bán được khoảng hơn 20.000 lít nước mắm sá sùng và thường không đủ để bán mỗi dịp tết”, ông Hưng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.