Buổi hội thảo giới thiệu thông tin được chia ra nhiều phòng dành cho từng ngành khác nhau, rất cụ thể và ấm cúng. Như tôi đã được giới thiệu qua, Trường ĐH Việt Đức tuyển sinh đại học năm 2016 với 5ngành là Quản trị kinh doanh, Cơ Điện tử (EEIT), Công nghệ Thông tin (CS), Cơ khí (ME), và Tài chính Kế toán (FA). Tôi được dẫn vào phòng thông tin về ngành Kỹ thuật Điện, còn con gái tôi dự buổi giới thiệu của ngành Tài chính Kế toán. Các ngành học dù khác nhau, nhưng đều kéo dài trong thời gian 4 năm, trong đó năm đầu là năm đại cương và 3 năm sau đó sinh viên sẽ được học chuyên ngành đã chọn.
|
Tôi nhận thấy một sự khác biệt rất lớn giữa Đại học Việt Đức và các trường công lập khác, đó là mô hình đào tạo và chương trình giảng dạy đều mang nguyên bản từ Đức sang áp dụng. Sinh viên trong năm đầu sẽ và chỉ học những môn đại cương mang tính nền tảng cần thiết cho quá trình tiếp cận kiến thức chuyên ngành được suôn sẻ. Cụ thể, đối với các em chưa có các chứng chỉ tiếng Anh cần thiết, các em sẽ được học lớp ngôn ngữ, lớp chuyên đề để đảm bảo lấy được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trễ nhất là vào cuối học kì năm nhất. Chứng chỉ Anh văn không phải là tiêu chí đầu ra, mà phải là tiêu chuẩn đầu vào, để đảm bảo khả năng tiếp thu kiến thức của sinh viên từ giáo sư và sách vở. Còn đối với các em đã có các chứng chỉ Anh văn từ trước thì các em sẽ được học thêm sinh ngữ thứ hai là tiếng Đức. Ngoài ra, các lớp kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm và các lớp kiến thức tổng quát như Toán đại cương đều là các lớp học bắt buộc, đủ hiểu yêu cầu của nhà trường đối với sinh viên là rất cao.
Sau năm đại cương, sinh viên sẽ bắt đầu học tập và kiểm tra lấy các tín chỉ chuyên ngành. Em N.T, sinh viên ngành Tài chính Kế toán (FA) “thú thật” với tôi rằng thời gian tự nghiên cứu (kéo dài xuyên suốt môn học) có lúc gần như không đủ so với lượng kiến thức “khủng”. Áp lực không nhỏ đòi hỏi sinh viên phải thực sự tập trung học tập trên lớp cũng như tự đọc sách, nghiên cứu thêm, không chỉ để “qua cửa”, mà còn để thật sự làm chủ kiến thức đã được học. Đối với các bạn phấn đấu giành học bổng, sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn, vì tất cả sinh viên tại Việt Đức đều đã trải qua quá trình sàng lọc kỹ càng, em kể: “để có thể “tồn tại” trong một lớp chỉ tối đa 80 bạn, nhưng bạn nào cũng giỏi, và ai cũng muốn vươn lên vị trí dẫn đầu là một chuyện không dễ, nhưng dần quen thì đó cũng là một động lực để em nỗ lực hơn.”
|
Đ.H, một sinh viên năm 3 của ngành Kỹ thuật điện (EEIT) cho biết dù phương pháp dạy và học khác nhau đối với mỗi môn, có môn nhiều lý thuyết, cũng có môn học sinh chỉ được giao dự án và vật tư để tự nghiên cứu, nhưng hoàn toàn là sự chủ động từ sinh viên. “Có những hôm đến lớp chỉ để “nghịch” một thiết bị nào đó, hay nhận sự phân công của giáo sư để lập nhóm chế tạo mô hình là chuyện bình thường”, Đ.H kể. Không khí lớp học thoải mái và tự do, nên không hiếm khi sinh viên tranh biện và “bẻ” lại những điều trong sách học hay của chính các giáo sư. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy việc lập nhóm học chung hay tự học được nhà trường hỗ trợ tối đa khi tham quan phòng tự học và thư viện riêng giàu có và rộng rãi với các đầu sách chuyên ngành đa dạng. Như vậy đã đủ thấy sự khác biệt giữa phương pháp dạy học của ta so với các nước phát triển ở đâu rồi, phải vậy không?
|
Gần đây, khi tìm hiểu nhiều hơn về hệ thống giáo dục đại học trong nước, tôi thường bắt gặp câu khẳng định “đảm bảo sinh viên ra trường 100% đạt được…, 100% có việc làm”. Thật lòng mà nói, tôi không hoàn toàn tin tưởng những lời cam kết ấy, vì tôi nghĩ, có thành công trong sự nghiệp hay không hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực và ý chí của mỗi người. Cái nhà trường có thể hứa hẹn với sinh viên chỉ có thể là môi trường tốt nhất để học tập và phát triển, cùng với thông tin chính xác về nhà tuyển dụng mà thôi.
Mục tiêu đào tạo của ngôi trường rất lạ này đọng lại trong tôi với nhiều suy nghĩ.
Bình luận (0)