Có một tuyến đường ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản vùng miền thu hút khách

24/05/2024 11:59 GMT+7

Tuyến đường Nguyễn Gia Trí, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) là địa chỉ đang thu hút đông giới trẻ, với nhiều món ăn uống đường phố, đặc sản vùng miền có giá cả phải chăng.

Thời gian gần đây, tuyến đường Nguyễn Gia Trí nổi lên như "thiên đường" ăn uống của giới trẻ, nhất là sinh viên. Có mặt tại tuyến đường này vào một buổi tối đầu tuần, người viết choáng ngợp bởi sự đông đúc, náo nhiệt của hàng quán. Lượng khách tấp nập ra vào liên tục, đôi lúc phải xếp hàng để chờ vào quán, bãi giữ xe hầu như không còn chỗ trống.

Tuyến đường với lợi thế gần nhiều trường đại học lớn như: Công nghệ,  Kinh tế - Tài chính, Giao thông vận tải, Ngoại thương… nên hàng quán nơi này suốt ngày nhộn nhịp. Bạn trẻ có thể tìm thấy các món ăn từ bình dân đến sang chảnh. Trong các hẻm trên tuyến đường này cũng có rất nhiều hàng quán, giá cả "mềm" hơn so với ngoài mặt tiền, thu hút đông khách đến thưởng thức món ăn.

Khách tấp nập ra vào quán

Khách tấp nập ra vào quán

PHÚC KHA

Vì là nơi hội tụ của sinh viên từ khắp nơi đến học tập, sinh sống nên hàng quán tại đây rất đa dạng món ăn, phong cách thiết kế. Từ những món ăn vặt như bánh khoai mỡ, mì cay, trà chanh giã tay, gà rán, bánh tráng trộn, cá viên chiên… cho đến món đặc trưng vùng miền như mì quảng, bún chả Hà Nội, bún đậu mắm tôm, cháo lươn Nghệ An… Ngoài ra, khu này còn bán các món ăn Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan. Mức giá tại đây đáp ứng nhiều nhu cầu của thực khách, từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Vừa bước ra từ một quán mì cay, Lâm Thị Thúy Vi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ, chia sẻ: “Sau giờ học, mình cùng bạn bè thường đến hàng quán tại tuyến đường này ăn uống vì gần trường, nhà trọ. Ở đây, đồ ăn đa dạng với giá cả từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Mình thích tìm những quán có không gian ngoài trời thoáng mát để vừa ăn, vừa trò chuyện”.

Có một tuyến đường ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản vùng miền thu hút khách - Ảnh 2.

PHÚC KHA

Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính, cho biết: “Ngày nào đi học xong, mình cũng ghé khu ẩm thực để ăn uống rồi về nhà trọ nghỉ ngơi. Lúc đi làm có tiền, mình đến các quán ăn mì cay, gà rán… còn giai đoạn kinh tế eo hẹp, thì cơm, hủ tiếu là lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, nơi này có nhiều quán cà phê với không gian rộng rãi, máy lạnh thích hợp ngồi học, làm bài tập nhóm”.

Anh Nguyễn Quốc Thắng (28 tuổi), quản lý một quán ăn ở khu vực này, cho biết: “Buổi tối là giờ cao điểm, quán hoạt động hết công suất để phục vụ khách. Thực đơn của chúng tôi đa dạng món ăn, thức uống, đôi lúc cũng “bắt trend”. Mỗi ngày, có khoảng 200 - 300 lượt khách đến quán. Ngoài ra, nhiều người còn đặt món qua các nền tảng điện tử để được giao hàng. Nơi này gần các trường đại học, có đông đúc sinh viên nên cũng thuận lợi kinh doanh”.

Bán các món chế biến từ bánh tráng tại tuyến đường Nguyễn Gia Trí trong hơn 3 năm qua, chị Lê Ngọc Vân (39 tuổi), chia sẻ: “Từ 18 - 22 giờ là lúc cao điểm, đến 23 giờ khách mới vãng dần, Mỗi ngày, tôi bán được khoảng 60 bịch bánh tráng trộn, 30 cái bánh tráng nướng, khách hàng chủ yếu là sinh viên. Thời gian gần đây, nơi này được chia sẻ, giới thiệu trên mạng xã hội nên đã thu hút khá nhiều người từ các nơi tìm để ăn uống, trải nghiệm ẩm thực”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.