Có nên áp thuế suất 5% đối với phân bón, thiết bị phục vụ nông nghiệp?

27/09/2024 04:26 GMT+7

Theo chuyên gia, nên để phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản... vào nhóm hàng hóa, cung ứng dịch vụ 'không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng'.

Áp thuế sao để giảm bớt gánh nặng cho người dân?

Ngày 26.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Theo đó, tại khoản 2 điều 9 dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ như: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Được, Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng nên bổ sung phương án 3, là chuyển nhóm: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản... vào nhóm hàng hóa, cung ứng dịch vụ "không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng".

Có nên áp thuế suất 5% đối với phân bón, thiết bị phục vụ nông nghiệp?- Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia

ẢNH: NGÂN NGA

Bởi khi đó nhóm đối tượng này không có thuế đầu ra, giúp cho giá của các loại hàng hóa này không phải gánh thuế giá trị gia tăng, sẽ giảm bớt gánh nặng cho người nông dân.

Đồng thời, theo luật thuế hiện hành, thì nhóm hàng hóa, cung ứng dịch vụ "không phải tính, nộp thuế giá trị gia tăng" được kê khai, khấu trừ đầu vào. Vì thế nhà sản xuất bớt được áp lực chi phí thuế so với phương án là hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng "không chịu thuế giá trị gia tăng". Ngoài ra, cũng theo ông Được, phương án này vẫn đảm bảo nhất quán các nguyên tắc và bản chất của thuế giá trị gia tăng, nhưng vẫn hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực này cũng như hỗ trợ giá cho nông dân.

Nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng?

Tại điểm 25 điều 5 của dự thảo quy định đối tượng không chịu thuế: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, với mức doanh thu hàng năm 200 triệu đồng thì doanh thu 1 tháng chỉ là 16 triệu đồng. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bán hàng chừng 6% thì thu nhập nhận được 1 tháng chừng 1 triệu đồng.

Để quản lý thuế cho cả các cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu nhỏ sẽ gia tăng chi phí thực hiện cho công tác thu thuế, hiệu quả thu ngân sách không cao. Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đề nghị nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng, tức là 30 triệu đồng/tháng, vừa giảm chi phí quản lý thuế, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.

Tiền ăn, tiền thuê xe chở học sinh có phải chịu thuế?

Tại khoản 13 điều 5 dự thảo quy định đối tượng không chịu thuế trong đó có hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.

Từ quy định trên, ông Võ Văn Dũng, đại diện cho Cục Thuế TP.HCM, đặt vấn đề: "Vậy tiền ăn của các cháu, tiền thuê xe vận chuyển các cháu đi học có phải chịu thuế không? Cho nên theo tôi, khi Chính phủ quy định chi tiết cần lưu ý để gỡ vướng cho các trường công lập hiện nay, bởi nếu không sẽ rất khó thực hiện".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.