Xe to đi ì ạch, rủi ro tai nạn cao
Cục Đường bộ VN vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý đường bộ II và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh triển khai biện pháp nâng cao an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Cụ thể, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao tổ chức đếm xe theo quy định, phân loại xe và phân tích các yếu tố bất lợi, chẳng hạn như điều kiện địa hình, thời tiết, hạ tầng giao thông… để đánh giá, phân tích, nghiên cứu, lập phương án phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Dựa vào kết quả đếm xe, đơn vị sẽ đề xuất phương án phân luồng giao thông, hạn chế một số loại xe lưu thông trên cao tốc để chuyển sang đi quốc lộ 1.
Theo quan điểm của lãnh đạo Cục Đường bộ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay chưa thu phí nên từ khi đi vào hoạt động thu hút nhiều phương tiện lưu thông, nhất là xe khách và xe tải đường dài. Trong khi đó, tuyến quốc lộ 1 song song với dự án lại vắng xe. Mặt khác, xe khách, xe tải nặng có tốc độ lưu thông thấp 50 - 60 km/ giờ gây cản trở nhiều phương tiện khác, giảm năng lực thông hành của cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Do đó, các loại phương tiện này cần được phân luồng lưu thông trên quốc lộ 1 với 4 làn xe như trước đây để giảm tải cho cao tốc. Cách làm này tương tự như việc cơ quan chức năng đang cấm xe tải trên 10 tấn lưu thông trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu.
Liên quan tới đề xuất này, PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện KHCN GTVT phía nam, phân tích: Trước khi có cao tốc, tất cả phương tiện bao gồm xe tải, xe khách, xe tải trọng lớn đều đi quốc lộ ngang qua các khu dân cư, tiềm ẩn rủi ro tai nạn rất lớn. Vì thế, nhà nước mới nghiên cứu đầu tư nhanh chóng các tuyến cao tốc, một phần nhằm mục đích giảm tải, giảm rủi ro tai nạn cho các tuyến quốc lộ. Song, do khó khăn về nguồn vốn, phải phân kỳ đầu tư nên những tuyến gọi là cao tốc hiện nay chưa đạt chuẩn, chưa được trang bị đầy đủ những hạng mục đảm bảo an toàn cho lượng lớn xe di chuyển với tốc độ cao theo đúng kế hoạch.
Trong bối cảnh dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường chưa được triển khai, buộc phải chấp nhận coi như chưa có tuyến cao tốc, phân bổ một số đối tượng phương tiện (trong trường hợp này là xe tải, xe khách) quay trở về hiện trạng như cũ, di chuyển qua đường quốc lộ. Phương án này có thể chấp nhận được trong trường hợp quá bí bách.
Dù vậy, PGS-TS Phạm Văn Hùng cho rằng điểm mấu chốt là tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới chỉ có 2 làn xe, tức theo chuẩn cao tốc 60 km/giờ nhưng lại đang tổ chức giao thông cho xe chạy tới 80 km/giờ, đặc biệt là không có dải phân cách cứng.
"Cho xe chạy tốc độ cao thì bắt buộc phải có dải phân cách ở giữa. Quan sát các vụ tai nạn vừa qua có thể thấy hầu hết tai nạn xảy ra do tài xế vượt ẩu và đâm trực diện vào xe đi chiều ngược lại cũng đang ở tốc độ cao nên mới dẫn đến thương vong nặng nề như vậy. Nếu có "vách ngăn", xe vượt ẩu cùng lắm sẽ chỉ va vào dải phân cách rồi lật quay đầu, va chạm với xe đi cùng chiều. Khi đó hậu quả sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều. Những việc tăng cường biển báo và hệ thống chiếu sáng, cải thiện tầm nhìn từ sáng đến đêm… theo đề xuất của các cơ quan chức năng là tất yếu nhưng quan trọng nhất lúc này là phải làm nhanh, làm gấp các dải phân cách tại các đoạn chuyển làn, xe được phép vượt", ông Hùng kiến nghị và nói thêm: "Hạn chế xe tải, xe khách thì vẫn cần dải phân cách. Đồng thời tổ chức lại giao thông, có thể hạ tốc độ trên những đoạn chỉ có 1 làn xe".
Đề xuất thụt lùi, giảm hiệu quả đầu tư
Dưới góc nhìn từ các chủ phương tiện, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, thẳng thắn đánh giá đề xuất cấm xe tải, xe khách lưu thông vào cao tốc là một bước thụt lùi, đi ngược chủ trương phát triển chung.
Dẫn câu chuyện của bản thân khi lần đầu tiên chạy dọc cao tốc từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ mất 2 tiếng đồng hồ - điều mà trước đây chưa bao giờ "mơ" tới, ông Lê Trung Tính nhận định mục đích nhà nước làm đường cao tốc là để tăng tốc độ vận doanh, rút ngắn thời gian di chuyển, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời giảm tải rủi ro tai nạn trên các tuyến đường quốc lộ đi qua nhiều khu dân cư. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cơ quan nhà nước phải phân kỳ đầu tư, đưa vào sử dụng những tuyến cao tốc còn nhiều khiếm khuyết, chưa được đầu tư đầy đủ nhiều hạng mục.
Với riêng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tuyến này kết nối với tuyến La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc dài hơn 175 km và gắn kết với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cũng như đoạn tuyến Vạn Ninh - Cam Lộ đang thi công, tạo trục động lực xuyên miền Trung.
"Ngày khánh thành, lãnh đạo các cấp liên tục khẳng định tuyến đường giúp người dân trong khu vực lưu thông thuận lợi hơn, giảm áp lực cho quốc lộ 1A, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng. Giờ lại không cho các phương tiện chủ chốt trong mạng lưới kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách đường dài lưu thông vào đường nhanh, đường ngắn mà bắt đi đường dài hơn, lâu hơn, như vậy nghe có vô lý không?", ông Tính đặt vấn đề.
Từ quan điểm đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM kiến nghị Cục Đường bộ, các Ban quản lý cần đánh giá khách quan, đầy đủ nguyên nhân chính gây ra tai nạn trên những tuyến cao tốc 2 làn xe như cao tốc Cam Lộ - La Sơn; dựa vào đó đưa ra những giải pháp tổ chức giao thông hợp lý. Cùng với đó, có cơ chế đặc biệt để ưu tiên mở rộng các tuyến cao tốc này lên 4 làn xe, đầu tư đầy đủ các công trình hạ tầng đảm bảo an toàn trên cao tốc như làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ…
Đồng quan điểm, anh Trần Thuận Hòa - một tài xế chuyên chở hàng tuyến Bắc - Nam cho rằng thực tế có rất nhiều tài xế xe khách còn chạy nhanh hơn phương tiện xe cá nhân. Nếu chỉ dựa vào yếu tố tốc độ để hạn chế xe khách, xe tải lên cao tốc thì chưa thuyết phục. Chưa kể, tuyến cao tốc này theo kế hoạch có thu phí, nếu chỉ thu từ phương tiện cá nhân thì chắc chắn doanh nghiệp "lỗ sặc gạch". "Cấm xe tải, xe khách thì sẽ chẳng còn DN dám đầu tư BOT vào các tuyến cao tốc", tài xế Hòa lo ngại.
Bình luận (0)