Địa phương muốn
Theo đề án của Hải Phòng thì việc bán vé thu tiền là rất cần thiết, thậm chí sống còn với việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Theo đề án, hiện kinh phí cho hoạt động lễ hội không lấy từ ngân sách nhà nước. Do vậy, toàn bộ kinh phí dành cho hoạt động lễ hội chọi trâu khoảng 10 năm trở lại đây đều từ nguồn huy động xã hội hóa. Nguồn kinh phí cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từ nguồn của phường và quận. Phường có các nguồn như: đóng góp của chủ trâu, huy động đóng góp tài trợ từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và trích tỷ lệ thu từ tiền bán vé. Ban tổ chức lễ hội quận trích 15% tiền vé vòng loại và 10% của vòng chung kết (sau khi trừ hoa hồng bán vé, chi phí in ấn vé, phí bảo hiểm khách xem lễ hội) để hỗ trợ công tác tổ chức lễ hội của các phường (mức trích cụ thể tính theo số trâu tham dự của phường tại mỗi vòng đấu). Cấp quận huy động tài trợ doanh nghiệp.
|
Cũng theo đề án, việc bán vé cần được coi như một giải pháp quản lý, bởi nếu tự do vào cửa sẽ dẫn đến quá tải, mất kiểm soát. Bán vé là phương án khả thi để đảm bảo an toàn, kiểm soát đám đông hiệu quả; tránh tạo tâm lý tranh đua giữa nhóm được xem và nhóm không được vào xem. Chưa kể, theo địa phương, việc phát vé vào cửa miễn phí cũng dễ nảy sinh tiêu cực.
Nghị định không cho
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết Cục đã nhận được đề án tổ chức chọi trâu Đồ Sơn từ địa phương gửi lên với quy mô vẫn giữ nguyên 16 trâu chọi. Địa phương cũng đề nghị được bán vé, với giá dự kiến 80.000 đồng/vé vòng loại, 150.000 đồng/vé vòng chung kết. Hiện tại, Bộ VH-TT-DL chưa có ý kiến chính thức về đề án này, song bà Hương cho biết: “Quy định tại Thông tư 15 và Nghị định 28/2017 thì không được bán vé thu tiền lễ hội. Không thể làm trái được, nếu bán vé sẽ vi phạm nghị định của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc làm sai nghị định”.
Bình luận (0)