Có nên cho con học chuyên?

25/04/2018 08:41 GMT+7

Trường, lớp chuyên sẽ là điểm đến lý tưởng với những học sinh giỏi, có năng khiếu, đam mê nhưng ngược lại, đó là trường 'đua' khiến nhiều người đuối sức và dễ dẫn đến tự ti.

Mong đêm thật dài, trời thật lâu sáng !
Ngay từ năm lớp 8, T.T.B, Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM), đã được ba mẹ “gửi gắm”: “Ráng học để thi chuyên nha con”. Và cũng từ đó, gia đình T.T.B tìm thầy ôn luyện với mong muốn vào lớp chuyên Anh. Đặc biệt, đến năm lớp 9, cường độ luyện thi khiến B. từng thốt lên: “Em mong đêm thật dài, trời thật lâu hãy sáng vì mỗi sớm thức dậy em lại quay cuồng hết học ở trường lại đi học thêm đến tối mới về nhà”.
Đến khi trúng tuyển, B. vào học trường chuyên lại tiếp tục vào guồng quay phấn đấu không ngừng nghỉ vì nếu không sẽ thua kém bạn bè. B. kể vì không muốn xếp hạng cuối trong lớp nên cứ ráng, ráng mãi cho đến cuối năm lớp 11, trải qua cảm giác mất ăn mất ngủ, có những lúc hoang mang, lo sợ, em đã xin ba mẹ “ngừng cuộc chơi” và nói “con không thể tiếp tục và chịu nổi nữa!”. Cũng may, ba mẹ hiểu và B. chuyển về học lớp 12 ở một trường THPT bình thường của Q.5. Từ đó, B. học với tâm trạng thoải mái.
Nói về môi trường học tập trong trường chuyên, ông Nguyễn Duy Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết: “Có học sinh (HS) học ngày, học đêm để trúng tuyển vào trường, lớp chuyên. Nhưng khi vào học, không có năng khiếu lại thiếu đam mê dẫn đến không có động lực học tập. Từ đó dẫn đến tình trạng lúc nào cũng thua kém các bạn khác, dễ tự ti, chán nản”.

Đừng vì mong muốn của bản thân mà ép con vào thế chẳng đặng đừng

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Nguyên hiệu trưởng một trường THPT chuyên tại TP.HCM nói rằng mục tiêu trường chuyên là phát huy năng khiếu của người học, đi vào giáo dục tinh hoa. Do đó cần những HS không chỉ giỏi mà phải có năng khiếu và đam mê. Nếu môi trường học tập không phù hợp với năng lực, lại không có động lực thì HS phải gồng mình, hao tốn sức lực, tinh thần. Còn nếu có năng lực, có đam mê, năng khiếu thì chỉ cần 1/10 thời gian cũng có thể hoàn thành kiến thức, phát huy được năng khiếu.
Phụ huynh cần sáng suốt
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng mong muốn con học trường chuyên là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, bởi đây là môi trường thuận lợi cho trẻ có năng lực thật sự, ý chí bền bỉ, đam mê mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều phụ huynh đánh giá không đúng năng lực thật sự của con, thiếu định hướng đúng đắn trong việc chọn trường, thay vào đó là ép con phải học, phải thi. “Nếu kịp thời nhận ra sự “hụt chân” của con trong cuộc đua là may mắn, còn nếu không HS sẽ đuối sức, mất phương hướng dẫn đến những hậu quả khó lường”, ông Ngai nhận định.
Theo ông Ngai, phụ huynh hãy sáng suốt khi định hướng môi trường học tập cho con em. “Phải căn cứ vào năng lực, sở thích, đam mê chứ đừng vì mong muốn của bản thân mà ép con vào thế chẳng đặng đừng”, ông Ngai khuyên.
Để không gây quá sức, căng thẳng, áp lực cho HS, theo ông Ngai, trước hết phụ huynh nên tôn trọng mong muốn của con, có sự theo dõi quá trình học tập và gặp giáo viên trực tiếp giảng dạy để xin ý kiến tư vấn trước khi có định hướng trường, lớp.
Còn ông Nguyễn Duy Hiếu thì khẳng định, năng lực học tập là điều kiện đương nhiên phải có, nhưng muốn học chuyên là phải có đam mê. Chỉ có đam mê mới có động lực học tập, bởi học chuyên là người học phải tự thân đi vào tìm hiểu, nghiên cứu, mở rộng.
Giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền, Khoa Khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng một trường học có thể phù hợp đứa trẻ này nhưng không phù hợp với đứa trẻ khác. Phụ huynh là người hiểu con nhất nên cũng tùy theo đặc điểm của con mà chọn. Giảng viên Thu Huyền lấy ví dụ, một học trò có các biểu hiện đặc biệt như thích tìm tòi, khám phá vận động nhưng rất kém khi ngồi yên một chỗ, bắt lắng nghe giảng giải. Nếu HS này học trong một môi trường thiên về học thuật có thể là một áp lực khó thích ứng và giáo viên cũng khó điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.