Có nên công khai danh sách gian lận thi cử ở Hòa Bình và Sơn La?

28/03/2019 07:40 GMT+7

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc có nên công khai hay không, công khai như thế nào với những trường hợp gian lận kết quả thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 2018 ở Hòa Bình, Sơn La sau khi đã có những công bố chính thức về tiêu cực này.

 

Không công khai nhưng xử lý vi phạm triệt để

[VIDEO] Khởi tố, bắt giam 2 cán bộ trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình

Mỹ buộc thôi học sinh viên chạy trường nhưng không tiết lộ danh tính

Tờ USA Today ngày 27.3 đưa tin ĐH Yale (bang Connecticut, Mỹ) vừa cho thôi học một nữ sinh sau khi gia đình bị cáo buộc hối lộ 1,2 triệu USD (27,9 tỉ đồng) cho đường dây chạy trường. Đây là trường hợp đầu tiên bị buộc thôi học trong vụ bê bối chạy trường chấn động nước Mỹ liên quan đến các ĐH danh giá như Stanford, Yale, Georgetown, Texas... Danh tính của nữ sinh này không được tiết lộ và được ghi là “thí sinh 1” trong cáo trạng của Bộ Tư pháp truy tố ông Rudy Meredith, cựu huấn luyện viên đội bóng bầu dục tại ĐH Yale. ĐH này cho biết huấn luyện viên này nhận chạy trường cho 2 thí sinh bằng cách làm giả thành tích thể thao, nhưng sau cùng chỉ có nữ sinh trên được nhận.
Khánh An
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông và quan hệ công chúng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho rằng việc công khai danh tính thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La có điểm thi gian lận là điều không nên vì sẽ làm danh dự của các em tổn thương trong khi cho đến nay các em vẫn được xem là “nạn nhân”.
“Nhiều người đang hiểu rằng, việc gian lận này là do bố mẹ các em, vì sĩ diện, vì tham vọng của gia đình mà âm thầm “mua” điểm cho con, giờ lại công khai tên con thì rõ ràng các em phải chịu một cách thức trừng phạt mà các em thấy không tâm phục khẩu phục. Giờ công khai tên các em trên phương tiện thông tin đại chúng, các em có quyền kiện. Cho nên cách xử lý tốt nhất là không cho các em theo học nữa. Việc “bêu tên” thí sinh là không cần thiết”, tiến sĩ Hương nói.
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên, một chuyên gia độc lập nghiên cứu về giáo dục, không cần đặt ra yêu cầu công khai danh tính thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La có điểm thi gian lận vì dẫu sao các em cũng không phải là tội phạm. Tuy nhiên, tiến sĩ Quyên cho rằng việc xử lý vi phạm phải triệt để, nghĩa là thí sinh có điểm thi gian lận phải bị hủy kết quả tuyển sinh cũng như kết quả xét tốt nghiệp, cho dù các em đạt kết quả ở mức nào sau khi được trả lại điểm thật.
“Điểm thi phải trả về điểm thật. Bộ GD-ĐT có quyền không công nhận tốt nghiệp cho những thí sinh có điểm gian lận (dù điểm thật có thể đỗ tốt nghiệp), các trường ĐH có quyền hủy kết quả tuyển sinh, buộc thôi học sinh viên đã dùng điểm giả để nhập học dù điểm thật các em đạt mức đỗ. Nhưng điều quan trọng nhất là cần một cơ chế giám sát đảm bảo việc này được thực hiện nghiêm túc, nghiêm khắc”, bà Quyên chia sẻ.

Công khai để sòng phẳng

Theo PGS Chu Cẩm Thơ, chuyên gia giáo dục, việc ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, dẫn luật Dân sự năm 2016 để nói về căn cứ xử lý gian lận thi ở Hòa Bình là không chính xác, mà cần phải dẫn luật Hình sự được Quốc hội thông qua năm 2015.
Theo luật Hình sự và các quy định khác của pháp luật thì kỳ thi THPT quốc gia thuộc lĩnh vực an ninh, xã hội phạm vi quốc gia. Những vi phạm tại cuộc thi này có thể bị xem xét theo các điều 337 (tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước), 340 (tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức và một số điều khác...).
PGS Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng công văn của Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi các trường ĐH, trong công văn có nội dung: Sở cung cấp tới quý trường kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT đối với các thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ, có danh sách kèm theo thì đó là đã công khai rồi. Vì thế công khai danh tính thí sinh phải là chuyện đương nhiên, chỉ có điều chưa công khai trên các phương tiện truyền thông.
[VIDEO] Cục trưởng Mai Văn Trinh nói về kết quả chấm thẩm định điểm thi ở Hòa Bình
“Vấn đề mà dư luận lo ngại ở đây là liệu đang có sự né tránh, không truy đến tận cùng là những ai đã làm ra cái việc gian lận đó không? Cơ quan chức năng có trách nhiệm điều tra triệt để, xử lý nghiêm minh những hành vi sai trái, vi phạm quy chế thi, gây ra gian lận trong kết quả. Cần công khai những người có hành vi sai trái, mức độ phạm tội vừa đảm bảo pháp luật, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, vừa để cảnh tỉnh, răn đe, làm bài học sâu sắc cho cộng đồng. Việc thực thi pháp luật, sự nghiêm minh để đảm bảo chất lượng, uy tín của ngành giáo dục, quyền được biết sự thật, công bằng đòi hỏi chúng ta không nhân nhượng với những hành vi sai trái”, PGS Thơ nói.
PGS Nguyễn Thị Bình, cựu giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng bà rất bất bình khi có lãnh đạo Sở GD-ĐT nói rằng không công khai danh tính thí sinh có điểm thi gian lận là vì “nhân đạo”.
“Vấn đề là nhân đạo với ai? Chúng ta nhân đạo với số ít, vậy chúng ta coi số rất đông còn lại là cái gì? Cho nên không chỉ cần phải công khai danh tính của những thí sinh vừa được trả về điểm thật, cả phụ huynh mà còn công khai việc khắc phục xử lý đến đâu”, PGS Bình nói.
[VIDEO] Cục trưởng Mai Văn Trinh nói về giải pháp chống gian lận thi cử trong kỳ tuyển sinh 2019
PGS Bình cũng phân tích thêm: “Công khai là để xã hội biết rõ các em là nạn nhân của những ai, và hiện nay sự việc được làm sáng tỏ thế nào, các cơ quan chức năng đã xử lý thế nào. Cái biết đây không chỉ là thỏa mãn sự tò mò của đám đông mà là thể hiện sự sòng phẳng của pháp luật. Chính các ý kiến cho rằng không nên công khai, sợ các em tổn thương, là có ý coi thường học sinh”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp, cũng ủng hộ việc công khai danh tính thí sinh có điểm thi gian lận. “Mọi thứ sẽ trở nên hoàn thiện khi được ánh sáng mặt trời chiếu rọi”, tiến sĩ Vinh nói.
 
 

Ý KIẾN

Cần thiết công khai để răn đe
Nên công khai danh sách thí sinh, phụ huynh liên quan đến các bài thi bị chỉnh sửa điểm sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Việc công khai sai phạm là cần thiết để ngoài việc xử lý còn nhằm mục đích răn đe với xã hội. Những lo ngại việc công khai ảnh hưởng đến thí sinh trong trường hợp này là không cần thiết.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Đình chỉ học tập là đủ
Nghĩ xa hơn tính nhân văn, không nên công khai danh tính của người học vì bản thân lỗi này xuất phát từ người lớn. Nếu xử lý đúng và đủ thì việc đình chỉ học tập sinh viên trúng tuyển không bằng năng lực của mình đã là bài học đủ với thí sinh liên quan vi phạm.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Sinh viên sẽ chịu sự kỳ thị
Bản thân học sinh không thể tự sửa điểm cho mình. Nếu sự việc được xử lý, những người có trách nhiệm liên quan đều biết rõ danh sách này. Như đã biết, có những học sinh liên quan cho biết rất áp lực vì phải chịu sự kỳ thị từ bạn bè.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM)
Xử lý triệt để nhằm tạo công bằng xã hội
Không nên công khai danh tính người học trong trường hợp này vì tính giáo dục và nhìn vào gốc của vấn đề. Tuy nhiên, không công khai không đồng nghĩa với không xử lý, những thí sinh liên quan đến sai phạm cần xử lý triệt để nhằm tạo công bằng xã hội.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM)
Người học sẽ dễ bị xa lánh
Không nên công khai danh tính học sinh vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân người học, dễ làm họ bị xa lánh và khó tìm lại cách hòa nhập cuộc sống về sau.
Luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang (Công ty luật TNHH Lưu Trang)
Hà Ánh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.