Có nên công khai xếp loại của sinh viên trong lễ tốt nghiệp?

15/04/2022 06:02 GMT+7

Nhận tấm bằng trong lễ tốt nghiệp là niềm tự hào sau 4 - 5 năm nỗ lực học tập của các sinh viên. Họ mong muốn lễ tốt nghiệp sẽ diễn ra như thế nào để khoảnh khắc này trở nên trọn vẹn và đáng nhớ?

Sợ ba mẹ buồn nếu màn hình chiếu xếp loại

Mới đây, trên trang UEL Confessions Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) xuất hiện dòng trạng thái thu hút sự quan tâm và tranh luận của đông đảo sinh viên (SV): "Lễ tốt nghiệp sắp đến rồi, năn nỉ mọi người làm slide đừng để xếp loại giỏi, khá được không. Mình cũng muốn có lễ tốt nghiệp vui vẻ như người khác thôi. Nhiều khoa không để xếp loại vẫn ổn mà mọi người".

Khoảnh khắc nhận bằng tốt nghiệp là niềm vui, niềm tự hào của sinh viên cũng như người thân trong gia đình

n.t

Đây là nguyện vọng của không ít SV. Khi được hỏi: "Bạn có muốn trong lễ tốt nghiệp, xếp loại của bạn sẽ được chiếu trên màn hình để mọi người cùng thấy không?", Nguyễn Phương Linh, SV khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, chia sẻ: "Chắc chắn là không, vì nếu vậy em sẽ không dám mời ba mẹ hay người thân, bạn bè đến dự. Ba mẹ em sẽ rất buồn khi màn hình xuất hiện tên em với xếp loại trung bình. Trong đầu ba mẹ sẽ có vô vàn câu hỏi như: tại sao con nhà người ta tốt nghiệp loại giỏi mà con mình lại trung bình; tại sao con mình lại kém cỏi như thế?...".

“Những bạn giỏi xứng đáng được vinh danh tại lễ tốt nghiệp, nhưng với những ai chưa đạt loại khá giỏi, mong sao các thầy cô không cần công khai trên sân khấu như vậy, vì xếp loại như thế nào thì đều được thể hiện trên tấm bằng rồi", Phương Linh bày tỏ.

Chúng ta nên coi tốt nghiệp ĐH là thành quả tốt đẹp mà sinh viên lẫn cha mẹ đều mong đợi, cho dù là xếp loại nào. Hãy để niềm vui được trọn vẹn trong buổi lễ này.

GS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

Tương tự, Nguyễn Quang Thiện, SV ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: "Học ngành cơ điện tử rất khó, bản thân em lại vừa đi học, vừa đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ, nên điểm chỉ đạt loại khá. Nhiều bạn chỉ đạt trung bình. Em nghĩ kết quả học tập cũng như xếp loại tốt nghiệp được coi là thông tin riêng tư của mỗi người. Vì thế em mong trong các lễ tốt nghiệp, khi trao bằng, nếu chiếu slide thì chỉ cần tên, hình ảnh, ngành học... là đủ. Đối với các bạn đạt loại giỏi thì trường vinh danh là hợp lý vì các bạn xứng đáng".

Dù xếp loại nào cũng đều là thành quả

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho biết: "Trường đã tổ chức lễ tốt nghiệp chung cho SV chương trình liên kết quốc tế và SV tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi. Các khoa sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp riêng cho SV khoa mình. Đa số các khoa khi trao bằng đều không công khai xếp loại của SV. Trên bằng tốt nghiệp đã có ghi xếp loại nên không cần thiết đưa thông tin này ở lễ tốt nghiệp. Như vậy thì lễ tốt nghiệp sẽ khiến tất cả SV và người thân đều cảm thấy vui vẻ, tự hào.

Tân cử nhân Trần Văn Hải, Trường ĐH Kinh tế - Luật, xuất hiện trên sân khấu lễ tốt nghiệp bằng màn trình diễn ấn tượng khiến cả hội trường thích thú

H.T

Là một SV vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành thương mại điện tử Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trần Văn Hải cũng đồng tình với việc không nên công khai xếp loại của cử nhân trên màn hình sân khấu khi trao bằng. "Lễ tốt nghiệp là sự kiện trọng đại của mỗi SV, là niềm tự hào của gia đình. Ngoại trừ SV giỏi đã được nhà trường vinh danh, thì những thông tin xếp loại trung bình, khá em nghĩ thầy cô không cần công khai vì nếu công khai sẽ không tránh khỏi việc so sánh, thậm chí là phán xét. Nhất là cha mẹ sẽ rất buồn nếu con mình có xếp loại chưa được cao. Ngày lễ lẽ ra vui thì có khi cha mẹ lại chạnh lòng", Hải nhận định.

GS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc công khai thông tin xếp loại tốt nghiệp trong buổi lễ trao bằng là rất tế nhị, vì trong buổi lễ thường có phụ huynh tới dự. "Chính vì thế, trường chỉ công khai những em tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi, vì các em xứng đáng được chúc mừng, tôn vinh sau sự nỗ lực của mình. Còn lại, trường đọc tên và trao bằng chứ không nêu ai tốt nghiệp loại khá, ai loại trung bình. Chúng ta nên coi tốt nghiệp ĐH là thành quả tốt đẹp mà sinh viên lẫn cha mẹ đều mong đợi, cho dù là xếp loại nào. Hãy để niềm vui được trọn vẹn trong buổi lễ này", PGS-TS Hoàn chia sẻ.

Mong muốn khoảnh khắc nhận bằng thật đáng nhớ

Không chỉ có nguyện vọng "đừng công khai xếp loại tốt nghiệp", nhiều SV còn bày tỏ mong muốn lễ trao bằng tốt nghiệp nên có những giây phút thật sinh động, gần gũi, đáng nhớ.

Dương Trí Chung, SV năm 3 ngành quản trị nhân lực Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: "Lâu nay lên mạng xem thì em thấy các lễ tốt nghiệp đa số hơi khô cứng, nghiêm trang quá. Phần trao bằng, có trường đọc tên cùng lúc 10 - 15 SV lên sân khấu để trao cùng lúc, nên muốn có một bức ảnh riêng tư lúc nhận bằng cũng khó. Em ủng hộ các trường trao cho từng bạn, màn hình sẽ chiếu slide tên, ngành học, hình ảnh. Đặc biệt em rất thích thú khi thi thoảng có những anh chị bước ra sân khấu bằng cách rất "ngầu", chẳng hạn nhảy hip hop, hoặc làm những động tác dễ thương".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.