Có nên cứu dự án đường sắt nghìn tỉ 'đắp chiếu'?

14/06/2022 06:35 GMT+7

Câu chuyện tồn đọng chục năm nay của dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn chưa có hướng xử lý, mặc hàng nghìn tỉ đồng nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay.

Hàng nghìn tỉ phơi nắng mưa

Báo cáo Cục Đường sắt, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt cho biết dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 130 km, với 4 tiểu dự án, tổng mức đầu tư của toàn dự án được điều chỉnh đến tháng 3.2012 là 7.665 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 5.2022, các tiểu dự án đã giải ngân 4.331 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, đạt 56% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, cả 4 dự án đều trong trạng thái dở dang, đình trệ.

Trong 4 tiểu dự án thuộc tuyến, chỉ mới đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân hoàn thiện

V.H

Cụ thể, tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân dài 5,67 km, đã được bố trí đủ vốn thi công hoàn thành và được Ban QLDA đường sắt bàn giao cho Tổng công ty đường sắt VN tháng 10.2014. Đến nay đã giải ngân được 1.241 tỉ đồng (đạt 81%). Tiểu dự án Lim - Phả Lại (Quảng Ninh) dài 35,3 km, đã thực hiện được 54% với khối lượng công việc chủ yếu là mua sắm hàng hóa (ray, tà vẹt và phụ kiện) và thi công phần nền đường, các công trình nhân tạo trên tuyến (cầu cống, hầm chui...), đến nay đã giải ngân 1.858 tỉ đồng (92%).

Dự án đoạn Phả Lại - Hạ Long dài 78,3 km, mới thực hiện được khoảng 25% khối lượng công việc chủ yếu là mua sắm, cải tạo một số cầu yếu,... giải ngân 1.229 tỉ đồng (31%). Đặc biệt, đoạn Yên Viên - Lim dài 10,77 km, mới chỉ triển khai các công việc tư vấn thiết kế, đến nay mới giải ngân được 3,2 tỉ đồng (chỉ đạt 1%).

Tính từ thời điểm dự án được khởi công năm 2005 (do dự án thuộc danh mục dự án đầu tư công buộc phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11/NQCP năm 2011 của Chính phủ), đến tháng 11.2014, mới duy nhất tiểu dự án đường sắt Hạ Long - cảng Cái Lân hoàn thành bàn giao phần đường sắt, sau đó 3 năm trong tình trạng “cầu chờ đường”, tới năm 2017 mới hoàn thành phần đường bộ vào ga Cái Lân bàn giao cho Quảng Ninh. Cả 3 tiểu dự án còn lại là Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long và Yên Viên - Lim, tổng số vốn đã giải ngân lên tới 3.085 tỉ đồng, song toàn bộ đều dưới dạng bán thành phẩm, nên không có công năng sử dụng.

Đặc biệt, dù chưa thi công hoàn thiện xong phần hạ tầng do thiếu vốn, song chủ đầu tư đã triển khai các gói thầu mua sắm ray, tà vẹt như tại đoạn Lim - Phả Lại và Phả Lại - Hạ Long. Hậu quả, số tà vẹt, ray trị giá hơn 740 tỉ đồng chưa thể lắp đặt, phát sinh thêm chi phí bảo quản, ảnh hưởng chất lượng do thời gian kéo dài.

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Thời điểm lập dự án, tuyến đường sắt có mục tiêu góp phần đảm nhận phần lớn luồng hành khách, hàng hóa từ Hà Nội tới Quảng Ninh, đồng thời tham gia kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế VN - Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó giám đốc Ban QLDA đường sắt, sau giai đoạn đình hoãn, hiện dự án đường sắt này vấp phải cạnh tranh rất lớn từ lĩnh vực đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc cùng tuyến hướng như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long... Vận tải biển và vận tải nội địa cũng có những bước phát triển tích cực với việc đưa cảng quốc tế Lạch Huyện vào khai thác. Những thay đổi này có tác động đến hiệu quả đầu tư tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, việc đình trệ dự án quá lâu đã ảnh hưởng trực tiếp an sinh xã hội khu vực tuyến đường đi qua, một số hộ dân thuộc diện ảnh hưởng hoặc bị thu hồi đất nông nghiệp, mất đất canh tác khi giải phóng mặt bằng dự án, nhưng chưa được bồi thường do thiếu kinh phí, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Trong các văn bản kiến nghị lên Bộ GTVT nhiều năm nay, cử tri Quảng Ninh cho rằng dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm đã gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát sinh nhiều vướng mắc của người dân vùng dự án. Người dân đề nghị sớm khôi phục lại dự án, hoàn thành sớm hoặc nếu dừng thì hoàn trả mặt bằng để nhân dân ổn định cuộc sống.

Ban QLDA đường sắt cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét bố trí vốn để lựa chọn đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đánh giá lại hiệu quả đầu tư. Dù vậy, trên thực tế việc “giải cứu” hay dừng hoàn toàn dự án không nằm trong thẩm quyền của Bộ GTVT, đặc biệt liên quan bài toán vốn.

Với mức giá vật tư thay đổi như hiện nay, nếu bố trí thêm vốn để đầu tư dự án giai đoạn tới 2030, con số sẽ tăng gấp nhiều lần so với tính toán trên. Chưa kể, trước đó Bộ Tài chính cũng đã từ chối bố trí nguồn vốn ngân sách tới 6.000 tỉ đồng cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2022. Bộ GTVT từng tính phương án xã hội hóa đầu tư tuyến đường sắt này, song với các yếu tố bất lợi như khó xử lý khối tài sản tồn đọng trước đó, đặc biệt là hiệu quả tài chính dự án rất kém do khó cạnh tranh được các tuyến đường bộ cao tốc, vận tải biển; rất khó thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Theo một lãnh đạo đơn vị tư vấn, nếu không bố trí thêm vốn, dự án sẽ tiếp tục đình trệ, nhưng nếu thêm vốn đầu tư, hiệu quả về kinh tế không cao. Tuy nhiên, việc dừng hẳn dự án sẽ lãng phí hơn 4.000 tỉ đồng đã đầu tư trước đó, trong khi dự án buộc phải đình hoãn vì lý do khách quan cắt giảm theo Nghị quyết 11.

“Nếu triển khai tiếp sẽ có lợi hơn là dừng vì tuyến đường sắt này sẽ hỗ trợ khai thác vận chuyển hàng hóa từ phía bắc xuống cảng Cái Lân. Ngoài ra, dự án đã giải phóng hành lang 2 bên tuyến với quỹ đất rất lớn, giá trị kinh tế rất cao. Dự án đường sắt có thể thời điểm này khó cạnh tranh được với đường bộ, nhưng không nên nhìn ngắn hạn mà phải cho tương lai, vì giá trị ngành đường sắt phải vài chục năm sau mới phát huy đầy đủ, đặc biệt khi cảng biển khai thác, kết nối tốt, đường sắt sẽ đóng vai trò chủ lực vì khối lượng lớn, giá rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...”, vị này chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Viện Chiến lược và phát triển GTVT cuối năm 2016, để dự án có thể hoàn thành và khai thác trong năm 2022, cần bố trí nguồn vốn đầu tư đồng bộ thêm khoảng 5.268 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn 45 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.