Năm 2021, dù tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT nhưng cả 2 đợt thi, Bộ GD-ĐT đều xem xét đặc cách cho các thí sinh (TS) thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và nơi bị phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của ngành y tế.
Năm nay, cách thức phòng chống dịch bệnh và cách xử trí với F0, F1, F2 đã khác hoàn toàn so với năm trước, số học sinh (HS) là F0 ghi nhận trong năm học này cao hơn rất nhiều so với năm trước. Do vậy, câu hỏi đặt ra là việc đặc cách TS là F1, F2, thậm chí là cả với F0 như năm trước có còn phù hợp nữa không?
Bộ GD-ĐT sớm công bố các phương án liên quan đến thi cử để học sinh có sự chuẩn bị |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Đặc cách nhưng có điều kiện phù hợp tình hình mới
Thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay theo điều 37 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT bổ sung đối tượng TS đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để xét công nhận tốt nghiệp THPT là người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đang trong quá trình điều trị (F0) hoặc cách ly y tế để theo dõi sau điều trị, không thể dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đến thời điểm này Bộ chưa ban hành thông tư mới và Bộ cũng đã công bố cơ bản giữ nguyên quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 như năm trước thì có thể hiểu TS là F0 vẫn sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT.
Theo ông Bình, việc xét đặc cách cho TS thuộc diện F0 là điều cần thiết nhưng cần một quy định rõ ràng và phù hợp tình hình hiện nay, đảm bảo yếu tố công bằng khách quan, tránh những tiêu cực trong việc xét đặc cách cho TS. Cụ thể, cần hướng dẫn quy định đối tượng xét đặc cách diện F0 như thời gian mắc bệnh, minh chứng của cơ quan có thẩm quyền xác định diện F0. Vì hiện nay UBND phường là nơi cấp quyết định cách ly và xác nhận F0, về cơ chế xác nhận F0 cũng tương đối dễ nên sẽ có khả năng có người lợi dụng để được xét đặc cách.
Đồng quan điểm, ông Ngô Lập Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng (Q.10, TP.HCM), cho rằng vẫn nên thực hiện đặc cách tốt nghiệp cho TS là F0 vì dù sao tính đến thời điểm hiện tại, Covid-19 là dịch bệnh có tính lây nhiễm và phải cách ly y tế.
Nên tổ chức thi 2 đợt và cho thí sinh F0 lựa chọn
Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng dù số HS là F0 hiện nay đã giảm so với thời điểm đầu tháng 3 nhưng do dịch bệnh diễn biến khó lường với những biến chủng mới liên tục xuất hiện thì không thể tính toán được đến tháng 6, tháng 7 thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT dịch bệnh sẽ ra sao. “Thực tế trường tôi đã có không ít trường hợp HS tái nhiễm sau một vài tháng, thậm chí vài tuần nên không thể loại trừ theo cách do phần lớn HS, giáo viên đã nhiễm và khỏi bệnh rồi thì thời điểm kỳ thi diễn ra sẽ còn ít HS F0, F1 nữa”, bà Quỳnh nói.
Theo bà Quỳnh, Bộ nên tổ chức kỳ thi năm nay thành 2 đợt để dành cho TS F0 chưa thể thi đợt 1 thì sẽ dự thi đợt 2 chứ không nên chỉ tổ chức thi 1 đợt và đặc cách cho TS F0. Việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT là cần thiết nhưng nên để cho TS được quyền lựa chọn, nếu không sử dụng quyền đặc cách thì vẫn có cơ hội tham dự kỳ thi để dùng kết quả đó vào việc xét tuyển ĐH, CĐ theo năng lực, nguyện vọng của các em. Việc tổ chức 2 đợt thi vất vả cho đơn vị tổ chức nhưng đảm bảo tối đa quyền lợi của TS, tránh trường hợp TS nhận quyền đặc cách mà tâm trạng lại ấm ức vì mất cơ hội lớn để vào trường ĐH yêu thích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lômônôxốp (Hà Nội), cũng đề xuất nên tổ chức thi đợt 2 vì TS cần điểm thi để xét tuyển vào một số trường ĐH, CĐ.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, bà Lương Thị Mai, Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang), cũng cho rằng qua chia sẻ với HS, phụ huynh thì thấy rằng đối với HS thuộc diện F0 trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, HS, phụ huynh mong muốn sẽ tổ chức đợt thi tiếp để các em được tham gia. Đó là một cơ hội xét tuyển ĐH theo phương thức tuyển sinh của một số trường.
TP.HCM cho F1 đi học, đi làm có điều kiện
Ngày 24.3, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn các biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1), trong đó cho phép các F1 đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được tiếp tục đi làm, đi học trực tiếp. Các trường hợp F1 phải tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19. Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân.
F1 được khuyến cáo thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập, đồng thời tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc xin) trong gia đình, nơi làm việc, học tập...
Bích Thanh - Sỹ Đông
Bà Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên), cũng cho rằng quy định TS F0 được miễn tốt nghiệp là nhân văn, nhưng sẽ có nhiều em, đặc biệt là HS khá, giỏi, vẫn mong muốn được thi để lấy điểm, mở rộng cơ hội xét tuyển vào ĐH. Do vậy, bà Vũ Thị Anh kiến nghị bộ nên tạo điều kiện cho những HS này được tham gia thi.
Tương tự, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đề xuất khi kỳ thi diễn ra, nếu TS nhiễm bệnh thì có quyền lựa chọn, làm hồ sơ xét đặc cách tốt nghiệp theo quy chế còn nếu muốn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH thì làm thủ tục để đăng ký dự thi đợt 2.
Cho rằng đặc cách tốt nghiệp có khi là một thiệt thòi cho TS chứ không phải là điều các em mong muốn vì mất đi một cơ hội tuyển sinh vào các trường ĐH yêu thích nên ông Ngô Lập Thu đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được tổ chức thành 2 đợt để đảm bảo sự công bằng cho TS.
Học sinh lớp 12 trong giai đoạn vừa học vừa ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra trong tháng 7 |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Có thể cho F0 thi ở phòng thi riêng biệt ?
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng do hiện nay có địa phương đã cho F0 đi làm thì vẫn có thể tổ chức một đợt thi tốt nghiệp THPT, những TS nào không sử dụng quyền đặc cách tốt nghiệp thì bố trí phòng thi riêng (phải bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế). Việc bố trí phòng thi riêng cần phải tính toán cho hợp lý để triển khai theo từng điểm thi hay một số điểm thi của hội đồng thi.
Ông Phạm Phương Bình cũng đồng ý với đề xuất này và cho rằng trường hợp TS F0 muốn tham gia kỳ thi để xét tuyển vào các trường ĐH như mong muốn thì nên xem xét theo nguyện vọng. Bộ cũng như cơ quan y tế cần có hướng dẫn công tác tổ chức cho đối tượng F0 không có triệu chứng tham gia kỳ thi sao cho an toàn. Có thể bố trí hội đồng thi riêng hay phòng thi tách biệt so với các phòng thi khác.
Bộ GD-ĐT cần sớm công bố phương án
Đến thời điểm này, việc tính toán đặc cách hay tổ chức thi đợt sau đối với TS F0 hiện vẫn chưa có hướng dẫn từ Bộ, đa số ý kiến đều cho rằng Bộ nên quyết sớm để các trường chuẩn bị.
Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh cho rằng năm nay dạy học đặc biệt khó khăn vì quá nhiều giáo viên, HS nhiễm Covid-19, học trực tuyến kéo dài. Bộ cần sớm công bố rõ ràng các phương án liên quan đến thi cử, tuyển sinh để HS, phụ huynh và các trường yên tâm tập trung chuẩn bị.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng Bộ nên có thông báo sớm để các địa phương lên phương án phối hợp với các ngành khác, đồng thời dự trù kinh phí nếu tổ chức phòng thi/hoặc đợt thi riêng. Vị này nêu ví dụ năm 2021, Nghệ An có một số phòng thi cho F1, kinh phí khoảng 7 - 8 triệu đồng cho các phòng thi và chi phí thuê xe đưa từ nhà đến phòng thi riêng này. Như vậy, mỗi điểm thi sẽ thêm khoảng 10 - 15 triệu đồng, đỡ tốn kém hơn so với việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tổ chức đợt thi riêng cho F0. Tuy nhiên, phương án này hiện nay lại vướng bởi quy định F0 không được ra khỏi nhà của cơ quan y tế.
Bình luận (0)